11/01/2025

Đời sống vội vã căng thẳng, tìm lối thoát ở con đường nghệ thuật

Sau cái chết bất ngờ của các ngôi sao lẫn những con người bình dị vẫn sống bên ta, có lẽ chưa bao giờ người ta lại quan tâm đến sức khoẻ tâm lý như hiện nay.

 

Đời sống vội vã căng thẳng, tìm lối thoát ở con đường nghệ thuật

Sau cái chết bất ngờ của các ngôi sao lẫn những con người bình dị vẫn sống bên ta, có lẽ chưa bao giờ người ta lại quan tâm đến sức khoẻ tâm lý như hiện nay.



Đời sống vội vã căng thẳng, tìm lối thoát ở con đường nghệ thuật - Ảnh 1.

Bài tập Nhìn lên trên của dự án Sầu đông khuyến khích người vẽ tìm ra những điểm mạnh của bản thân và thêm yêu thương chính mình – Ảnh: MAI THUỴ

 

Giữa một đời sống vội vã căng thẳng, nhiều người tìm thấy lối thoát ở con đường nghệ thuật.

Sáng tỏ là một triển lãm đặc biệt đang diễn ra tại Nhà triển lãm TP.HCM. Các tác phẩm đều khuyết danh, những bức vẽ nguệch ngoạc khung cảnh lẫn màu sắc. Đây là một buổi trưng bày tác phẩm của các học viên thuộc hai dự án Diều ngược gió và Sầu đông với mục đích cải thiện sức khỏe tâm lý cho cộng đồng qua nhiều loại hình nghệ thuật.

“Nghệ thuật không chỉ dành riêng cho những nghệ sĩ bởi ngôn ngữ biểu đạt của nghệ thuật có thể giúp nhiều người mở rộng lòng mình với phần còn lại của xã hội.

Kiến trúc sư Minh Nam (thành viên sáng lập Diều ngược gió)

Múa để giải tỏa, vẽ để trải lòng

Câu chuyện của Diều ngược gió bắt nguồn từ xóm nghèo Sở Thùng (Q.Bình Thạnh, TP.HCM). Diều ngược gió tiếp quản một lớp học nhân ái với 35 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ở khu vực này từ năm 2016. Không chỉ định hướng nghề nghiệp cho các em, tổ chức phi chính phủ này còn mở ra các chương trình dạy vẽ, thủ công để giúp các em bộc lộ những suy nghĩ vẫn luôn giấu kín về cuộc sống xung quanh.

Kiến trúc sư Minh Nam – thành viên sáng lập Diều ngược gió – hướng tay về phía một bức tranh treo trong triển lãm Sáng tỏ: “Lúc vẽ bức này, các em đã tự chọn một con vật tương ứng với tính cách của mình và đặt cho chúng một con đường để đi đến ước mơ. 

Giống như người lớn, những đứa trẻ gặp khó khăn trong cuộc sống không nhất thiết phải bày tỏ trực diện vấn đề của mình. Con vật và những nét vẽ là không gian riêng để các em bộc lộ suy nghĩ. Cũng nhờ vậy, Diều ngược gió mới có thể tư vấn hướng nghiệp phù hợp với các em” – anh Minh Nam chia sẻ.

Từ thành công của Diều ngược gió, kiến trúc sư Minh Nam mở thêm một chuỗi workshop (khóa học nhỏ) mang tên Vẽ voi. Đều đặn một năm nay, cứ mỗi cuối tuần, lớp học của anh lại đón khoảng 20 học viên. Những người đến với Vẽ voi đều là người đã đi làm, gặp những áp lực trong cuộc sống, công việc. 

Anh Minh Nam tâm sự: “Tôi hướng dẫn cho mọi người trong lớp vẽ theo một chủ đề đã định trước nhưng chúng tôi ít khi chia sẻ với nhau về câu chuyện của mỗi người. Trong 3 – 4 tiếng mỗi tuần đó, tôi luôn mong những học viên của mình dành trọn thời gian cho vẽ tranh, câu chuyện của họ có thể được kể bằng màu sắc”.

Tham gia chung triển lãm Sáng tỏ là các tác phẩm trong dự án phi lợi nhuận Sầu đông. Trong hai năm thành lập, Sầu đông đã tổ chức bốn khóa học (mỗi khóa kéo dài nửa năm, sắp tới sẽ rút ngắn còn ba tháng) dành cho các em học sinh từ độ tuổi trung học phổ thông đến đại học.

Theo nghệ sĩ Nguyễn Thanh Trang – người sáng lập Sầu đông, đây là độ tuổi các em phải chịu nhiều sức ép từ việc học, gánh niềm mong mỏi của gia đình và bắt đầu đối diện với các vấn đề tâm sinh lý bất thường. 

“Có gần một trăm đơn đăng ký nhưng Sầu đông chỉ nhận 12 – 15 học viên mỗi lớp căn cứ vào mức độ trầm cảm của các em được đánh giá theo một thang đo của Trường đại học Oxford. Lớp học sử dụng âm nhạc, kịch, múa, vẽ… để giải tỏa tâm lý cho học viên” – chị Trang nói.

Là một vũ công và sinh ra trong một gia đình có truyền thống họa sĩ, chị Nguyễn Thanh Trang nhận ra nghệ thuật có thể giúp khai thác những cảm xúc tích cực trong mình và mong muốn dùng nghệ thuật để chữa lành chấn thương tâm lý của mọi người.

Trong các tác phẩm Sầu đông giới thiệu, loạt tranh Kiểm tra cảm xúc vừa là một tác phẩm vừa là một bài tập dành cho người xem. Hay như tác phẩm Nhìn lên trên với một bài tập gồm 4 bước giúp người vẽ nhớ đến những điểm mạnh của bản thân, cảm thấy phấn chấn và yêu thương chính mình.

Tiếp thêm năng lượng tích cực

Năm 2015, sau khi tham gia một khóa học để được chữa lành tâm lý, du học sinh Việt Nam ở Mỹ Twinkly Tus đã quyết định mở dự án Sing365 trên mạng xã hội. 

“Thời gian trước đó, tôi bị trầm cảm và ám ảnh với những điều đã xảy ra trong quá khứ. Cô giáo của tôi nói rằng cách để chữa vết thương của mình tốt nhất là hãy giúp những người bên cạnh khỏi trầm cảm. Vì vậy, tôi mở ra Sing365 như một cách để thử thách chính mình. Mỗi ngày trong suốt một năm, tôi đều tự quay video ca khúc của mình và chia sẻ với mọi người. Dự án đã tiếp thêm nguồn năng lượng tích cực cho tôi ở thời điểm khó khăn”.

Kết thúc Sing365, Twinkly Tus quyết định trở về Việt Nam, theo đuổi sự nghiệp nhạc sĩ, ca sĩ với các sáng tác đứng về phía những người bị bạo hành, trầm cảm và phụ nữ.

Tại Nam Cát Tiên (Đồng Nai), lớp học Xứ sở La Vie Est Belle của giảng viên Philip Phúc và chồng, một họa sĩ, luôn nỗ lực hướng dẫn học viên cách trải lòng mình bằng chuyển động, vẽ. 

Để dự án tiếp cận nhiều đối tượng hơn, tên các khóa học âm nhạc đã được chuyển thành Âm thanh, múa thành Chuyển động, các kỹ thuật chuyên sâu về nhạc lý không được đưa vào chương trình. Như vậy, người tham gia sẽ cảm thấy gần gũi hơn, càng ít các kỹ thuật, họ càng có không gian và thời gian để bộc lộ những suy nghĩ của mình.

nghe thuat chua lanh 1

Các bạn trẻ tham gia workshop vẽ để giải tỏa tâm lý ở triển lãm Sáng tỏ – Ảnh: MAI THỤY

 

Nghệ sĩ Nguyễn Thanh Trang cho biết các dự án, khóa học nhỏ cũng gặp nhiều khó khăn khi vận động người lớn tham gia vì họ thường e ngại những hình thức thể hiện mới và người trầm cảm thường có xu hướng sống khép kín. Các khóa học vẽ thường có nhiều người tham dự hơn các hoạt động nghệ thuật khác.

Việc thiếu chuyên gia tâm lý đồng hành với các dự án cũng là một rào cản cho tiến trình cải thiện. Như nhận định của chị Philip Phúc, không phải học viên nào đến với lớp học cũng sẽ thu được kết quả tích cực. Với trường hợp bị trầm cảm nặng, chị khuyên học viên nên tìm đến các chuyên gia tâm lý để được theo dõi kỹ hơn.

 

 

 

MAI THUỴ