11/01/2025

Giảng dạy trẻ tự kỷ: Bằng cấp quan trọng nhưng không biết làm thì chỉ phù phiếm

Theo bác sĩ Phan Thiệu Xuân Giang, bằng cấp quan trọng nhưng không biết làm việc thì bằng cấp chỉ là phù phiếm. Từ đó mới có chuyện nhiều nơi tự nghĩ ra cách can thiệp cho trẻ tự kỷ mà không có ai giám sát.

 

Giảng dạy trẻ tự kỷ: Bằng cấp quan trọng nhưng không biết làm thì chỉ phù phiếm

Theo bác sĩ Phan Thiệu Xuân Giang, bằng cấp quan trọng nhưng không biết làm việc thì bằng cấp chỉ là phù phiếm. Từ đó mới có chuyện nhiều nơi tự nghĩ ra cách can thiệp cho trẻ tự kỷ mà không có ai giám sát.



 
 
 
Phụ huynh trò chuyện cùng chuyên gia tại tọa đàm /// Đăng Nguyên

Phụ huynh trò chuyện cùng chuyên gia tại toạ đàm   Đăng Nguyên

 

 
Ngày 14.12, tại TP.HCM, Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP), phối hợp với Mạng lưới Tự kỷ Việt Nam (VAN) tổ chức toạ đàm “Can thiệp không bạo lực với trẻ tự kỷ - Ai cần quan tâm? Ai cần giám sát?”. 
 
Tại tọa đàm này, Mạng lưới Tự kỷ Việt Nam đã đưa ra Bản tuyên bố chung gửi đến những người tham dự. Bản tuyên bố này gồm 5 nguyên tắc cơ bản cần được tuân thủ trong hỗ trợ và can thiệp cho trẻ tự kỷ.

Cần bảo đảm mỗi trẻ có chương trình can thiệp riêng, phù hợp

Theo bà Trần Thị Hoa Mai, Phó chủ tịch Mạng lưới Tự kỷ Việt Nam, hiện nay nhiều phụ huynh có con em tự kỷ băn khoăn, lo lắng về hoạt động của các cơ sở chăm sóc, giảng dạy trẻ tự kỷ. Họ không biết những hoạt động ở những nơi này có đúng chuẩn hay không. Mục đích của Mạng lưới Tự kỷ Việt Nam là đưa ra bản tuyên bố chung này đến được với các trung tâm, cơ sở đang làm công việc hỗ trợ, giảng dạy cho trẻ tự kỷ. Đặc biệt là để chấm dứt việc sử dụng bạo lực đối với trẻ tự kỷ như một phương pháp can thiệp (giống sự việc xảy ra tại Trung tâm Tâm Việt vừa qua). 
 
Bản tuyên bố chung này đề nghị các cơ sở chăm sóc, giảng dạy trẻ tự kỷ minh bạch thông tin (tính pháp lý của cơ sở cung cấp dịch vụ, phương pháp can thiệp đang áp dụng, các thông tin về đội ngũ cán bộ kỹ thuật, nhân viên của cơ sở cung cấp dịch vụ (năng lực, trình độ chuyên môn, số lượng, công dân hợp pháp), bảo đảm an toàn (môi trường để thực hiện việc hỗ trợ và can thiệp cần bảo đảm vệ sinh, an toàn, phù hợp và thân thiện với trẻ tự kỷ).
 
Đặc biệt, bản tuyên bố chung đề nghị cần phải tôn trọng quyền con người. Theo đó, quyền của người có rối loạn phổ tự kỷ cần phải được tôn trọng. Không sử dụng bạo lực với trẻ dưới mọi hình thức. Các phương pháp và hoạt động hỗ trợ, can thiệp trẻ tự kỷ phải được thực hiện dựa trên các kiểm chứng khoa học và được các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ở quốc tế và trong nước công nhận. Quá trình xây dựng và thực hiện chương trình can thiệp cho trẻ cũng cần phải có sự phối kết hợp và tham gia của phụ huynh, người bảo hộ trẻ. Cần bảo đảm rằng, mỗi trẻ có chương trình can thiệp riêng và phù hợp.

Quan trọng là phải có đạo đức trong công việc

Theo bác sĩ Phan Thiệu Xuân Giang, chuyên gia về lĩnh vực khuyết tật phát triển, vấn đề ở Việt Nam hiện nay là không có chương trình đào tạo nhắm đến giám sát để làm việc với trẻ tự kỷ. Hiện nay đa số chỉ có dạy lý thuyết trong trường ĐH để lấy bằng tiến sĩ, thạc sĩ. Bằng cấp quan trọng nhưng không biết làm việc, thực hành thì bằng cấp chỉ là phù phiếm. Từ đó mới có chuyện nhiều nơi tự nghĩ ra cách can thiệp cho trẻ tự kỷ mà không có ai giám sát.
 
Theo bác sĩ Giang, khi muốn học về trẻ tự kỷ, ông có đăng ký một khóa học ở Mỹ. Người học bay qua Mỹ học nhưng chỉ được ngồi cạnh bệnh nhân cùng giáo sư để họ “cầm tay chỉ việc”. Sau đó, khi về Việt Nam, muốn làm sâu hơn thì phải xin được giám sát trong vòng một năm. Mọi công việc thực hành phải quay video, gửi cho một giáo sư được cử riêng để giám sát. Cứ sửa tới sửa lui sai sót như vậy suốt một năm mới được đồng ý cấp chứng chỉ đủ chuyên môn để làm việc độc lập.
 
“Khi đã làm việc chăm sóc, giảng dạy cho trẻ tự kỷ, một công việc đặc biệt, thì cần làm cho tốt và đúng chuẩn. Và không thể có điều này ngay lập tức nhưng cần phải từ từ tiệm cận làm sao có tính khoa học. Quan trọng là phải có đạo đức trong công việc”, bác sĩ Giang cho biết. 
 
Trước đó, vào ngày 9.12, tại cuộc tọa đàm “Can thiệp không bạo lực với trẻ tự kỷ” diễn ra tại Hà Nội, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, cho biết hành vi bạo lực trẻ là không thể chấp nhận được. Bạo lực, cả về mặt thể chất và tinh thần đều là hành vi vi phạm đạo đức và pháp luật. Cũng theo ông Nam, hiện các cơ quan quản lý nhà nước đang tích cực thực hiện chủ trương của Chính phủ là nghiên cứu, đưa ra các quy trình, tiêu chuẩn của tất cả các dịch vụ, đặc biệt các dịch vụ xã hội như dịch vụ cung cấp cho trẻ tự kỷ. Nếu không có đủ các tiêu chuẩn, không quy định rõ ràng và hướng dẫn không tốt, vi phạm tất yếu sẽ xảy ra.
 
 
 
ĐĂNG NGUYÊN