Cử tri TP.HCM hỏi còn bao nhiêu ‘con sâu’ đục khoét tiền dân chưa bị trị?
‘Trên 70 cán bộ cấp cao bị xử lý đã hết chưa? Còn bao nhiêu người nữa đang trộm cắp của công một cách đàng hoàng, nhiều lần chưa bị phát giác, trừng trị?’, cử tri Vũ Nga (phường 5, quận 10) trao đổi tại buổi tiếp xúc cử tri chiều 10-12.
Cử tri TP.HCM hỏi còn bao nhiêu ‘con sâu’ đục khoét tiền dân chưa bị trị?
‘Trên 70 cán bộ cấp cao bị xử lý đã hết chưa? Còn bao nhiêu người nữa đang trộm cắp của công một cách đàng hoàng, nhiều lần chưa bị phát giác, trừng trị?’, cử tri Vũ Nga (phường 5, quận 10) trao đổi tại buổi tiếp xúc cử tri chiều 10-12.
Tổ đại biểu Quốc hội TP.HCM có Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã tiếp xúc với cử tri quận 10.
Cử tri ủng hộ loại bỏ những “con sâu” đục khoét tiền dân
Tại buổi tiếp xúc, nhiều cử tri đề cập đến vấn đề tham nhũng. Đại biểu Vũ Nga (phường 5) đánh giá cao sự kiên quyết của trung ương khi mạnh dạn đấu tranh, phanh phui sự yếu kém trong lãnh đạo, chỉ đạo của một số đảng bộ; loại bỏ những “sâu bọ” đục khoét tiền bạc của nhân dân, tham ô, nhũng nhiễu làm mất niềm tin của nhân dân.
Dẫn chứng nhiều văn bản của Chủ tịch Hồ Chí Minh về quan điểm xử lý tội tham nhũng, ông Nga nhận định: “Cán bộ hiện nay có học tập nhưng ít làm theo”.
Ông Nga chia sẻ, thời gian qua đã xử lý bao nhiều “kẻ trộm đàng hoàng” – những người còn tệ hơn những tên mật thám, phản quốc, tiền bạc tham nhũng so với những vụ án trước còn tệ hại, trắng trợn hơn nhiều.
“Nếu chúng ta không tiếp tục làm được, dân sẽ mất niềm tin với chúng ta. Trong lúc cuộc đấu tranh một mất một còn chống lại đại nạn tham nhũng đang quyết liệt, mạnh mẽ hơn bao giờ hết cần phải quyết liệt, không thể dừng lại được. Cử tri chúng tôi nhiệt liệt ủng hộ trung ương”, ông Nga chia sẻ.
Trao đổi lại với cử tri, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ từ đầu nhiệm kỳ đến nay, với sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, công cuộc phòng chống tham nhũng được thực hiện quyết liệt đem lại niềm tin rất lớn đối với cán bộ, đảng viên và người dân. Tổng bí thư, Chủ tịch nước đã khẳng định công cuộc này còn phải tiếp tục làm.
Nói về việc hơn 70 cán bộ cao cấp bị xử lý vừa qua, Bí thư Nhân cho biết: “Không xử lý không được. Xử lý còn để răn đe các cán bộ đương chức nếu tiếp tục con đường tham nhũng sẽ không có lối ra, không có lối thoát”.
Theo Bí thư Nhân, muốn kết luận xử lý một vụ việc liên quan đến tham nhũng, các cơ quan liên quan phải có thời gian kiểm tra, kết luận. Ví dụ vụ việc sai phạm liên quan đến Bộ Thông tin – truyền thông, cơ quan chức năng phải tập hợp hồ sơ nhiều năm nay giờ mới xét đến trách nhiệm lãnh đạo của bộ này.
Chia sẻ thêm thắc mắc của cử tri cho rằng luật hiện nay bỏ hình phạt tử hình với tội tham nhũng, ông Nhân cho biết: “Không có chuyện miễn tử hình với tội phạm tham nhũng. Nếu tham nhũng gây tổn thất ở khung cao, ví dụ nhận hối lộ, vẫn có thể tử hình”.
Về vấn đề này, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Ngô Minh Châu cho hay hình phạt tham nhũng đối với tội phạm tham nhũng vẫn còn Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017). Cụ thể, các tội phạm chiếm đoạt tài sản trị giá 1 tỉ đồng trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản 5 tỉ đồng trở lên vẫn có thể bị áp dụng mức phạt cao nhất là tử hình.
Kiên quyết bảo vệ chủ quyền Biển Đông
Cũng tại buổi tiếp xúc, một số cử tri lo lắng về tình hình Biển Đông. Cử tri Đinh Văn Huệ (phường 15) đặt vấn đề Việt Nam cần làm gì để tuyên truyền cho người dân hiểu khi biển đảo Việt Nam thường xuyên bị xâm phạm, và mong muốn Đảng và Nhà nước thường xuyên thông tin về tình hình Biển Đông để người dân được biết.
Nói về vấn đề này, Bí thư Nhân cho biết Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói chúng ta sẽ không nhân nhượng vấn đề chủ quyền đất nước. Phương pháp đấu tranh của nước ta hiện nay là giải quyết hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế.
Bí thư Nhân chia sẻ: so với 10 năm trước, lực lượng quân sự của nước ta được tăng cường, tiềm lực bảo vệ Tổ quốc chưa bao giờ mạnh như hiện nay. Hiện Việt Nam có nhiều bước để bảo vệ chủ quyền. Trách nhiệm lãnh đạo Đảng, Chính phủ phải giữ gìn Tổ quốc thiêng liêng. Xương máu của bao thế hệ đổ máu xây dựng không thể để nước khác xâm hại.
“Việt Nam sẽ tiếp tục gặp gỡ, trao đổi với các nước liên quan để giải quyết tranh chấp Biển Đông bằng hòa bình, không để xảy ra xung đột. Tuy nhiên, nếu buộc phải sử dụng sức mạnh khác để bảo vệ chủ quyền chúng ta cũng phải làm. Đó là phương án cuối cùng”, Bí thư Nhân nhấn mạnh.