26/12/2024

Bệnh nhân bị chuyển lòng vòng

Một số bệnh viện tại TP.HCM hiện đã xài hết dự toán khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế và hoạt động cầm chừng chờ… hết năm 2019 dẫn đến việc, người bệnh bị chuyển “lòng vòng” hoặc được “khất”… đến năm sau.

 

Bệnh nhân bị chuyển lòng vòng

Một số bệnh viện tại TP.HCM hiện đã xài hết dự toán khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế và hoạt động cầm chừng chờ… hết năm 2019 dẫn đến việc, người bệnh bị chuyển “lòng vòng” hoặc được “khất”… đến năm sau.



 
 
Bệnh nhân đi khám chữa bệnh tại Viện Tim /// Duy Tính

Bệnh nhân đi khám chữa bệnh tại Viện Tim   Duy Tính

 

 

Hẹn… sang năm

Trả lời Thanh Niên, một bác sĩ (BS) tại Viện Tim thừa nhận do bệnh nhân (BN) đông và nặng, nên bệnh viện (BV) đã xài hết quỹ khám chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT). Có thời điểm, BV rất khó khăn.
 
“BN có thể trì hoãn được thì trì hoãn, còn những BN nặng cần giải quyết thì vẫn phải mổ, sau đó sẽ xin bổ sung tiền sau”, BS này nói. Một chuyên gia quản lý BHYT nói rằng, do tình trạng cạn quỹ KCB BHYT nên hiện nay đáng lo là BN vào viện thì các BV phải chuyển viện. Cách đây gần nửa tháng, một BN bị trọng thương cánh tay phải chuyển lòng vòng qua 2 BV, cuối cùng đến BV Nhân dân 115 mới được phẫu thuật, mặc dù các BV trước đều thực hiện được kỹ thuật này.
 
Trước thực trạng quỹ KCB BHYT của các BV cạn, từ giữa tháng 11.2019, UBND TP.HCM đã có công văn về việc tăng cường kiểm soát quỹ BHYT, trong đó giao Sở Tài chính phối hợp BHXH, Sở Y tế TP tham mưu giải pháp trong trường hợp không cân đối được dự toán 2019 thì trình UBND TP gửi Hội đồng quản lý quỹ BHXH Việt Nam, báo cáo Thủ tướng; đồng thời nghiên cứu các nguồn hỗ trợ.
 
Có nhiều phương án được BHXH và Sở Y tế TP bàn tính, trong đó có phương án cho các BV thêm tiền để hoạt động, chờ quyết định bổ sung kinh phí hơn 1.700 tỉ đồng từ Chính phủ (theo đề xuất của TP). Theo đó, ưu tiên bổ sung kinh phí cho các BV chuyên khoa, đa khoa công lập… để hoạt động đến cuối năm. Ngoài ra, còn có phương án, các BV tự cân đối, quyết định bệnh nào nhận, bệnh nào không – tức là bệnh khẩn cấp, nặng thì nhận; còn bệnh có thể kéo dài được thì hẹn… sang năm 2020 (!?).

Bổ sung tiền tỉ, vẫn không… thấm vào đâu

Để tạm thời “giải vây” cho tình trạng này, ngày 4.12, Giám đốc BHXH TP.HCM Phan Văn Mến đã có văn bản điều chỉnh dự toán chi KCB BHYT, tức là chi thêm tiền cho các BV đã hết quỹ KCB BHYT. Giám đốc BHXH TP đề nghị các đơn vị căn cứ dự toán được giao, có biện pháp quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, đảm bảo quyền lợi của người bệnh; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý chặt chi phí KCB.
 
BHXH TP sẽ không thanh toán chi phí KCB gia tăng do nguyên nhân chủ quan; lựa chọn và chỉ định thuốc, kỹ thuật… rộng rãi, không phù hợp với tình trạng bệnh và các quy định về chuyên môn. Trường hợp đơn vị chi vượt số dự toán KCB BHYT do nguyên nhân khách quan, BHXH TP sẽ phối hợp Sở Y tế xem xét, tổng hợp báo cáo BHXH Việt Nam và trình UBND TP.
 
Theo dự toán bổ sung, Viện Tim được “bơm” thêm hơn 29 tỉ đồng (cấp dự toán lần đầu là hơn 225 tỉ đồng), BV H.Củ Chi hơn 30 tỉ đồng (cấp dự toán lần đầu là hơn 72 tỉ đồng), BV Chấn thương chỉnh hình hơn 18 tỉ đồng (dự toán lần đầu là hơn 347 tỉ đồng)… Tuy vậy, theo lãnh đạo một BV, việc bổ sung này cũng không thấm vào đâu…
 
Từ những thực tế nêu trên, giám đốc một BV tuyến trên của TP.HCM đề nghị cần xem xét lại việc giao dự toán chi KCB BHYT cho các BV. Theo đó, BHYT cần thanh toán theo chi phí thực tế mà BV đã sử dụng cho BN. Ngoài ra, đối với các BV tuyến, BHYT nên chi trả thực tế theo ca bệnh. Nếu BV làm sai thì kiểm tra và BV làm sai chịu trách nhiệm. Nếu vẫn còn giao dự toán KCB BHYT như hiện nay thì dẫn đến tình trạng các BV tuyến dưới “đẩy bệnh” cho BV tuyến trên, trong khi BV tuyến trên, tuyến cuối… thì không biết phải chuyển BN đi đâu.
 
Năm 2019, TP.HCM được Chính phủ giao dự toán 18.190 tỉ đồng để chi cho hoạt động KCB BHYT. Các BV được giao dự toán KCB BHYT dựa trên chi phí năm 2018 và một số yếu tố khác. Tuy nhiên, mới 6 tháng đầu năm, nhiều BV đã chi quá 50% dự toán của cả năm; và đến tháng 9,10 thì nhiều BV đã “cạn” số tiền được giao. UBND TP.HCM cũng đã có công văn kiến nghị gửi Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Y tế, BHXH Việt Nam xem xét giải quyết bổ sung dự toán chi KCB BHYT cho TP thêm hơn 1.700 tỉ đồng cho năm 2019.
 

Làm rõ các bệnh viện xài biệt dược gốc “quá tay”
Nguyên nhân các BV xài hết dự toán KCB BHYT được BHXH TP.HCM lý giải là do BN tăng; một số BV triển khai kỹ thuật mới, thuốc mới; một số lạm dụng chẩn đoán hình ảnh. Trong đó, nhiều BV xài thuốc biệt dược gốc “quá tay”, đặc biệt là BV tư nhân. Trong khu vực BV công, trong khi một số BV lớn như Nhi đồng 1 xài 30% biệt dược gốc, Nhi đồng 2 trên 40%, Chợ Rẫy 53%, Nhân dân 115 59% thì các BV khác xài biệt dược gốc cao ngất ngưởng, như: BVĐK khu vực Hóc Môn, Tân Phú cùng 68%, BV ĐH Y Dược 78%, BV Mắt trên 90%. Sở Y tế và BHXH TP thống nhất quan điểm, phải phân tích việc sử dụng biệt dược gốc theo từng khu vực: quận huyện; đa khoa tuyến TP; chuyên khoa sản, nhi.., đặc biệt là các BV đã xài hết tiền dự toán KCB BHYT.
 
 
 
DUY TÍNH