Không quan tâm bảo tồn di sản văn hoá, TP.HCM sẽ đánh mất chính mình
Đại biểu HĐND TP.HCM cho rằng di sản kiến trúc đô thị là phần hồn của TP. Nếu không coi trọng, thậm chí phá vỡ các di sản, kiến trúc thì chúng ta sẽ đánh mất chính mình
Không quan tâm bảo tồn di sản văn hoá, TP.HCM sẽ đánh mất chính mình
Đại biểu HĐND TP.HCM cho rằng di sản kiến trúc đô thị là phần hồn của TP. Nếu không coi trọng, thậm chí phá vỡ các di sản, kiến trúc thì chúng ta sẽ đánh mất chính mình
Chiều 8-12, trong ngày họp thứ hai kỳ họp thứ 17 HĐND TP.HCM khóa IX, đại biểu đã thảo luận về tình hình bảo tồn di sản và cảnh quan kiến trúc đô thị trên địa bàn TP.
Đại biểu Tô Thị Bích Châu nói: “Cụ Vương Hồng Sển khi mất đã giao ngôi nhà cổ và nhiều di vật cổ xưa cho TP. Nhưng có thông tin là bây giờ những di vật, di sản đó đã không còn gì. Vậy trách nhiệm của chúng ta ra sao?”.
Đề cập đến nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, người có rất nhiều tư liệu quý về biển đảo, đại biểu Châu cũng trăn trở liệu TP có quan tâm đến việc nối kết để chia sẻ các tư liệu này hay không.
Một vấn đề nữa được bà Châu nêu ra là đình Nam Tiến ở quận 4. Theo bà Châu, đã 5 đời chủ tịch UBND quận 4 kiến nghị với Sở Văn hóa – thể thao và UBND TP về việc trùng tu, bảo tồn nhưng giờ ở đây chỉ còn là miếng đất trống.
“Cử tri nhiều lần có ý kiến mà mình không biết trả lời sao. Có thể làm trường mẫu giáo hay khu vui chơi sinh hoạt cho người dân được không cũng chưa ai trả lời, chỉ đẩy qua đẩy lại. Vậy có phục dựng hay không phải có câu trả lời cho người dân quận 4” – bà Châu đề nghị.
Có cùng mối quan tâm, đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê nhận xét TP cũng chưa có sự quan tâm đúng mức trong việc bảo tồn tài liệu, di vật, di sản văn hóa quý giá của cố giáo sư Trần Văn Khê.
“Chúng ta lúng túng, gần như buông trôi việc bảo tồn các di sản của những nhà văn hóa lớn” – ông Khuê nói.
Theo ông Khuê, TP.HCM giàu về cổ vật, phong phú về bảo tàng. Rất tiếc do hiểu biết còn hạn chế, sự quản lý còn nhiều vấn đề bất cập khiến cho trong một số trường hợp, cách hành xử ứng xử của TP với bảo vật còn nhiều xót xa.
Đó chính là nguyên nhân thời gian qua Ban tuyên giáo Thành ủy TP nhận được nhiều thư của người dân đề nghị TP phải quan tâm hơn việc đào tạo đội ngũ làm công tác bảo tồn di sản.
“Di sản kiến trúc đô thị là phần hồn của TP, nếu không có xưa thì không có nay. Nếu không coi trọng, thậm chí phá vỡ thì chính chúng ta đánh mất chúng ta” – ông Khuê tha thiết nói.
Từ thực tế trên, ông Khuê cho rằng TP phải phát huy hơn nữa vai trò của hội di sản, đẩy mạnh xã hội hóa việc trùng tu, bảo tồn và đồng thời phải thông tin nhiều hơn, quảng bá nhiều hơn để mọi người có sự trân trọng đúng mực với phần hồn của đô thị.
Dù không trực tiếp phát biểu tại hội trường nhưng nhiều đại biểu khác cũng đã gửi ý kiến đến chủ tọa đặt vấn đề vì sao còn nhiều công trình kiến trúc đặc trưng của TP như trụ sở UBND TP, bưu điện TP, chợ Bến Thành… vẫn chưa được xếp hạng di tích để từ đó có giải pháp bảo tồn giá trị văn hóa, lịch sử.
Trên cơ sở đồng thuận cao của các đại biểu, HĐND TP đã thông qua nghị quyết về việc bảo tồn di sản và cảnh quan kiến trúc đô thị của TP.
Cụ thể, HĐND TP đề nghị UBND TP đặc biệt quan tâm và khẩn trương đưa các công trình có giá trị văn hóa, lịch sử nghệ thuật của TP vào danh mục xếp hạng di tích như: trụ sở UBND TP, bưu điện TP, chợ Bến Thành, chợ Tân Định, chùa Chantarangsay (chùa Khmer), chùa Vĩnh Nghiêm, nhà thờ Đức Bà.
Đặc biệt, HĐND TP cũng quyết nghị đề nghị UBND TP thiết lập giải thưởng kiến trúc di sản nhằm công nhận và vinh danh các chủ sở hữu, các chuyên gia và các nhà thầu bảo tồn trùng tu xuất sắc.