Vụ đá bóng trúng ngực tử vong: Làm gì để tránh nguy hiểm khi chơi thể thao?
Sau khi bị bóng sút trúng ngực, một học sinh lớp 7 Trường THCS Đồng Khởi, Q.1, TP.HCM đã tử vong vào chiều 1-12. Thông tin này đã làm nhiều bậc phụ huynh hoang mang lo lắng.
Vụ đá bóng trúng ngực tử vong: Làm gì để tránh nguy hiểm khi chơi thể thao?
Sau khi bị bóng sút trúng ngực, một học sinh lớp 7 Trường THCS Đồng Khởi, Q.1, TP.HCM đã tử vong vào chiều 1-12. Thông tin này đã làm nhiều bậc phụ huynh hoang mang lo lắng.
Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn (TP.HCM) cho biết 7h45 ngày 30-11, cháu trai N.P.Q.B., 12 tuổi, ngụ ở Q.7, TP.HCM, đã được đưa đến cấp cứu trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở. Dù cháu đã được các bác sĩ hồi sức tích cực trong hơn 1 giờ sau đó nhưng tim của cháu vẫn không thể đập lại.
Cháu đã tử vong do chấn thương vùng ngực kín. Tuy nhiên, để xác định nguyên nhân chính xác gây tử vong cho trường hợp này cần phải giải phẫu tử thi mới xác định được.
“Khi trẻ em tham gia các môn thể thao cần dạy cho trẻ những cách né, tránh những lực mạnh.
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến
Nhiều bà mẹ hoang mang
Trước đó cháu được phụ huynh đưa đến học bóng tại Trung tâm Thể dục thể thao Q.1. Cháu B. đã bị bóng sút vào ngực, sau đó được sơ cứu, chuyển đến cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn.
Sáng 1-12, các bà mẹ có con đang chơi thể thao chia sẻ trong các group của các lớp học là họ rất băn khoăn, lo lắng vì không biết có nên cho con chơi tiếp môn đá banh hay không. Chơi thể thao thì tốt, nhưng các bà mẹ cũng lo sợ nguy cơ bị bóng sút vào trẻ gây ra chấn thương, thậm chí tử vong như trường hợp trên.
Các bác sĩ đều khẳng định rằng chơi thể thao vẫn có thể xảy ra một số chấn thương, nhưng tử vong khi đá bóng như trường hợp trên thì rất hiếm gặp.
Các bác sĩ cho biết đã từng tiếp nhận điều trị cho những cháu bé bị chấn thương do chơi thể thao. Bệnh viện Nhi Đồng TP từng tiếp nhận một cháu bé bị vỡ tá tràng, dập tụy do bị đánh vào vùng bụng khi đang tập võ, một cháu bé bị rách cơ hoành khi đang chơi đá banh…
Tuy nhiên những trường hợp này đều được điều trị và cứu sống thành công. Những trường hợp bị gãy tay, gãy chân, bong gân… khi chơi thể thao cũng không phải hiếm gặp.
Lực mạnh có thể gây vỡ tim
Ông Nguyễn Minh Tiến, phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng TP, phân tích khi có một lực mạnh từ trái banh va đập vào cơ thể có thể gây ra những chấn thương, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng.
Ví dụ, khi một lực mạnh va đập vào vùng ngực có thể làm vỡ động mạch chủ ở phổi, gây mất máu nhanh, gây tử vong. Còn một lực mạnh va đập vào vùng tim cũng có thể làm vỡ tim, gây tử vong. Va đập mạnh ở vùng ngực cũng có thể làm vỡ mạch vành gây tử vong.
Ngoài ra, một lực va đập mạnh cũng có thể làm vỡ các mạch máu thông thường, gây tràn máu màng tim hoặc giập phổi, gây tràn máu màng phổi, gây suy hô hấp, cũng có thể gây tử vong vì sốc mất máu. Một lực va đập mạnh cũng có thể gây giập tim, rối loạn nhịp tim, dẫn đến tử vong…
Từ những tình huống trên, bác sĩ Minh Tiến nhấn mạnh khi trẻ em tham gia các môn thể thao cần dạy cho trẻ những cách né, tránh những lực mạnh như vậy. Trong các trận thi đấu đá banh, đến lúc đá phạt chúng ta thấy các cầu thủ thường phải dùng hai bàn tay để che bộ phận sinh dục, hai cẳng tay che một phần bụng, hai cánh tay để che một phần ngực. Khi trái banh đi đến những cầu thủ này đều nhảy lên, hơi nghiêng vai để né một lực rất mạnh từ trái banh.
Nếu để cho lực của trái banh này đi thẳng trực diện vào cơ thể sẽ tạo ra một lực mạnh nhất, dễ gây chấn thương cho cơ thể. Do vậy, các cầu thủ dù luôn được luyện tập để thi đấu chuyên nghiệp cũng phải có cách để né, tránh những lực mạnh.
Bác sĩ Phan Vương Huy Đổng, phó chủ tịch Hội Y học thể thao TP.HCM, cho biết khi chơi thể thao tai nạn vẫn có thể xảy ra, cho nên cần chú ý đến những điều kiện như sân đá banh tốt, những người tham gia thi đấu cần phải được giáo dục tinh thần là không quá ăn thua.
Khi trẻ chơi thể thao cần có các bậc phụ huynh quan sát và được những người huấn luyện hướng dẫn cho trẻ. Khi trẻ bị tai nạn trong thể thao cần được sơ cứu đúng cách tại sân chơi, sau đó gọi Trung tâm Cấp cứu 115 để chuyển trẻ đến nơi điều trị.