28/11/2024

Chữ quốc ngữ: Trăm năm nhớ các tiên hiền

Một toạ đàm về chữ quốc ngữ do Đại học Văn Lang tổ chức sáng 30-11 nhằm kỷ niệm 100 năm chữ quốc ngữ được các chuyên gia đóng góp ý kiến, gợi lại hình ảnh đáng kính của những bậc tiên hiền…

 

Chữ quốc ngữ: Trăm năm nhớ các tiên hiền

Một toạ đàm về chữ quốc ngữ do Đại học Văn Lang tổ chức sáng 30-11 nhằm kỷ niệm 100 năm chữ quốc ngữ được các chuyên gia đóng góp ý kiến, gợi lại hình ảnh đáng kính của những bậc tiên hiền…


 

 

Chữ quốc ngữ: Trăm năm nhớ các tiên hiền - Ảnh 1.

Nhiều bạn trẻ đến dự tọa đàm thích thú với các nội dung tham luận – Ảnh: L.ĐIỀN

 

Đây là ý tưởng của Câu lạc bộ Văn học – báo chí Văn Lang, nhân dịp vừa tròn 100 năm ngày vua Khải Định ra chiếu dụ ghi nhận khoa thi chữ Hán năm 1919 là khoa thi cuối cùng. Đó cũng chính là bước ngoặt để chữ quốc ngữ có cơ hội phát triển thành ngôn ngữ chính thức của quốc gia như đã thấy.

Buổi đầu gian khó

Tại sao lại có chữ quốc ngữ? Theo ghi nhận của TS Phạm Thị Kiều Ly – người có một tham luận về quá trình hình thành chữ quốc ngữ từ năm 1615 đến 1919, công đầu của việc ghi âm tiếng Việt bằng chữ Latin thuộc về các giáo sĩ thừa sai Dòng Tên – những người đã đến cửa Hàn của xứ Đàng Trong vào ngày 18-1-1615.

“Các giáo sĩ Dòng Tên đều dùng chữ Latin để ghi âm tiếng nói dân bản địa khi đi truyền giáo”, TS Kiều Ly nhấn mạnh sở trường này của các giáo sĩ.

Trong ghi nhận của các nhà truyền giáo đến nay còn tìm thấy được, theo như Alexandre De Rhodes thì “tôi phải thú nhận rằng khi vừa tới Đàng Trong và nghe người dân xứ này, đặc biệt là các phụ nữ, nói chuyện thì tôi cảm giác như mình nghe tiếng chim gù và tôi gần như mất hi vọng có thể học được thứ tiếng này”. 

Còn Francisco De Pina nhận xét “ngôn ngữ này có thanh điệu như một bản xướng âm, cần phải xướng âm trước đã”. 

Chữ quốc ngữ: Trăm năm nhớ các tiên hiền - Ảnh 2.

TS Kiều Ly (bìa phải) trình bày tham luận cùng các diễn giả GS.TS Nguyễn Văn Hiệp (bìa trái) và PGS.TS Hoàng Dũng – Ảnh: L.ĐIỀN

 

Dù vậy, các nhà truyền giáo đã nỗ lực không ngừng để học tiếng Việt nhằm giao tiếp với dân bản địa, mà việc dùng chữ Latin ghi lại tiếng nói của người Việt chỉ là một công đoạn trong đó.

Theo tìm hiểu của TS Kiều Ly, quá trình ghi âm tiếng Việt từ buổi đầu có công của rất nhiều giáo sĩ tham gia. Chẳng hạn sự ra đời các ký tự â, ơ, ê, ư để ghi âm tiếng Việt là cả một quá trình mày mò, “nghe bạc cả tai” chứ không đơn giản.

Nhớ công các tiên hiền

PGS.TS Hoàng Dũng đóng góp với tọa đàm một tham luận thú vị, đó là trình bày Những giá trị ngôn ngữ và văn hóa của hai cuốn sách Dòng Tên: Từ điển Việt Bồ La (của Alexandre De Rhodes) và Sách sổ sang chép các việc (của Philiphê Bỉnh). 

Đặc biệt là phần khảo cứu về Từ điển Việt Bồ La, PGS Hoàng Dũng đã ghi nhận pho từ điển này chứa đựng nhiều giá trị văn hóa độc đáo: thể hiện cái nhìn của người châu Âu đối với văn hóa Việt Nam về sản vật, về phong tục tập quán, tín ngưỡng dân gian… Một số đến nay trở thành tư liệu cho giới nghiên cứu người Việt vì đây là những ghi nhận sớm còn lưu lại. 

Đến với tọa đàm, PGS.TS Võ Văn Nhơn (Đại học KHXH&NV TP.HCM) điểm lại một phần sự nghiệp của học giả, nhà văn hóa Trương Vĩnh Ký dưới góc nhìn đóng góp cho sự phát triển của tiếng Việt. 

Theo PGS Võ Văn Nhơn, những công trình như phiên âm Truyện Kiều, Lục Vân Tiên ra quốc ngữ, soạn sách giáo khoa dạy quốc ngữ, chép truyện dân gian Việt Nam, sáng tác, ghi chép bút ký bằng quốc ngữ để phổ biến… cho thấy nỗ lực rất lớn trong việc sử dụng và phổ biến chữ quốc ngữ trên nhiều phương diện cả hàn lâm bác học và văn hóa dân gian. 

PGS Võ Văn Nhơn cho rằng “nhờ Trương Vĩnh Ký mà chữ quốc ngữ từ chỗ chỉ là phương tiện phục vụ tôn giáo đã trở thành chữ viết chính thức của quốc gia, nhờ đó mà hình thành một nền quốc văn mới, một nền văn xuôi mới chưa từng có trong lịch sử dân tộc. Thành ra tôi nghĩ ông Thiếu Sơn có lẽ không nói quá khi gọi Trương Vĩnh Ký là bậc tiên hiền của văn chương quốc ngữ Nam Bộ”.

Chữ quốc ngữ: Trăm năm nhớ các tiên hiền - Ảnh 3.

PGS.TS Võ Văn Nhơn

 

Ghi nhận công lao của các bậc tiên hiền trong quá trình làm ra và hoàn thiện chữ quốc ngữ như đã thấy chính là nối tiếp phần công việc của tiền nhân, là nhiệm vụ văn hóa quan trọng. 

Nói như lời kết của GS.TS Nguyễn Văn Hiệp, chữ quốc ngữ đến nay là một di sản quý giá cần phải bảo tồn và phát huy.

Bí mật của Alexandre De Rhodes

Về Từ điển Việt Bồ La của Alexandre De Rhodes, PGS Hoàng Dũng nhận ra rằng công trình là một “nỗ lực vượt qua khó khăn để tìm hiểu văn hóa Việt Nam”. Chẳng hạn từ điển này tổng cộng có đến hơn 20 từ ngữ tục, “nhiều hơn bất kỳ một cuốn từ điển tiếng Việt hiện đại nào”.

Nhưng tầm vóc của Alexandre De Rhodes không chỉ ở chỗ đó. Vấn đề là làm thế nào để người bản xứ không ngại ngần nói những từ tục cho một nhà truyền giáo nghe và ghi lại?

PGS Hoàng Dũng cho biết ông từng trao đổi với các linh mục quen thân và được biết rằng các giáo dân không bao giờ dám nói tục hoặc chửi thề trước mặt các cha xứ. Cho nên ghi nhận được các từ tục này quả là một “bí mật truyền giáo” của Alexandre De Rhodes vậy.

 

 

LAM ĐIỀN