Ngao ngán chuyện chống ngập lụt ở Nam bộ và TP.HCM
Người dân TP.HCM và cả khu vực ĐBSCL đã quá ngao ngán về chuyện phố xá ngập lụt do triều cường theo chu kỳ. Nhìn cảnh bi thương ấy, chợt nhớ đến Hà Lan.
Ngao ngán chuyện chống ngập lụt ở Nam bộ và TP.HCM
Người dân TP.HCM và cả khu vực ĐBSCL đã quá ngao ngán về chuyện phố xá ngập lụt do triều cường theo chu kỳ. Nhìn cảnh bi thương ấy, chợt nhớ đến Hà Lan.
QL50 xã Bình Hưng, H.Bình Chánh, TP.HCM bị ùn tắc nghiêm trọng do triều cường dâng cao vào ngày 30.9 Ảnh: Trần Tiến
Một nửa đất nước Hà Lan là vùng đất thấp, vùng trũng nhất nằm dưới mực nước biển hơn 6 m và 2/3 diện tích của quốc gia này nằm ở khu vực dễ ngập lụt. Với đặc điểm địa lý thấp lè tè như vậy, khiến Hà Lan đã từng trải qua những thảm họa kinh hoàng. Đơn cử như vào tháng 2.1953, do ảnh hưởng của 1 cơn bão cộng với triều cường dâng cao, đã tàn phá gần như hoàn toàn vùng duyên hải phía Nam, hơn 200.000 ha đất nông nghiệp bị ngập, bi thảm nhất là khoảng 1.800 người chết đuối.
Hà Lan có địa hình thấp và bằng phẳng, chỉ có khoảng 50% diện tích đất nằm cao hơn 1 m so với mực nước biển. Do vậy, từ hơn 1.000 năm nay, người dân đất nước Cối Xay Gió luôn phải đối phó với “Thủy Tinh” bằng cách xây đê chắn nước biển và xây kè chắn lũ từ các con sông. Bên cạnh đó, họ còn đề ra chương trình “Dành chỗ cho nước” – tạo thêm không gian “hứng nước” và tạo điều kiện thuận lợi cho chúng thoát nhanh ra biển.
Dân số của Hà Lan khoảng 17 triệu người, gần một nửa trong số ấy đã và đang sống dưới mực nước biển. Nếu họ không biết cách “trị thuỷ”, tính mạng của hơn 8 triệu người sẽ bị đe dọa. Xét về độ cao bình quân 2 m so với mực nước biển như hiện nay, vùng đất Nam bộ nói chung vẫn còn diễm phúc hơn đất nước hoa Tulip nhiều.
Tại sao cứ gặp triều cường là ngập?
Nhưng câu hỏi đặt ra là: Tại sao cứ gặp triều cường là ngập? Tại sao TP.HCM, Cần Thơ… cứ mưa lớn là ngập? Một vùng đất tứ bề là biển như đảo Phú Quốc cũng ngập, là sao?
Câu trả lời, theo tôi, có lẽ không phải vì thiếu tiền, mà nó nằm ở tư duy của cơ quan hành pháp. Chúng ta đã từng mời chuyên gia Hà Lan đến Việt Nam để tư vấn đồng thời cử vô số cán bộ chuyên ngành sang đất nước họ để “học tập kinh nghiệm” về cách chống ngập suốt mấy thập niên. Thế mà ngập vẫn cứ ngập. Ngăn chặn triều cường khó đến vậy sao? Thoát nước mưa bế tắc như vậy sao?
Hãy nhìn lại những cách ứng phó với chuyện ngập lụt mà chúng ta đã làm thời gian qua ắt rõ. Đơn cử như việc nâng cao mặt đường để tránh ngập nước. Đường không ngập nhưng nhà dân 2 bên lại trở thành… ao hồ, chẳng biết thoát nước đi đâu. Người Hà Lan có chương trình “Dành chỗ cho nước”, trong khi những chỗ hứng nước của chúng ta, như TP.HCM chẳng hạn, vốn dĩ đã có từ ngàn xưa, nay đã được “hồn nhiên” san lấp để đô thị hóa. Coi như niềm hy vọng chống ngập đã tan theo “bà thủy”. Công nghệ chống ngập thời nay của thế giới đã có bước tiến bộ đáng khâm phục, ấy vậy mà chúng ta lại chứng kiến cảnh thủy triều dâng cao xô ngã một đoạn đê ở quận 8 (TP.HCM), biến khu dân cư ngập tràn trong biển nước. Nếu “có tâm” và “có tầm” một chút, những cảnh “bi hài kịch” ấy sẽ chẳng bao giờ xảy ra.
Ông Harold van Waveren – một chuyên gia quản lý nước người Hà Lan – đã từng nói: “Người Hà Lan tự hào về hệ thống xử lý và quản lý nước của mình. Chúng tôi có hơn 8 triệu người dân sống dưới mực nước biển và họ phó thác sinh mạng của mình vào hệ thống quản lý ấy. Chúng tôi đã học được nhiều bài học đắt giá trong quá khứ và những bài học ấy đã giúp chúng tôi hoàn thiện hơn”.
Đó là lý do giải thích vì sao người dân xứ sở hoa Tulip luôn tự hào, rằng: “Thượng đế đã tạo ra thế giới, nhưng chính người Hà Lan đã tạo ra đất nước Hà Lan”. Vậy, đến khi nào thì người dân chúng ta mới dõng dạc tuyên bố: “Lạc Long Quân và Âu Cơ đã tạo ra dân số Việt Nam, nhưng chính người Sài Gòn và Tây Nam bộ đã tạo ra vùng đất này”.
Nghĩ đến chuyện “sống chung với ngập lụt” triền miên như thế này thấy ngao ngán thiệt!
* Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, sống và làm việc tại TP.HCM.
ĐOÀN DUY XUYÊN