15/11/2024

Sẽ tai hại nếu giáo viên không được chọn sách

Không được chọn sách giáo khoa, quyền ‘tự do học thuật’ của giáo viên cũng không còn và đây sẽ là một hệ luỵ cực kỳ tai hại đối với chất lượng dạy học ở nhà trường…

 

Sẽ tai hại nếu giáo viên không được chọn sách

Không được chọn sách giáo khoa, quyền ‘tự do học thuật’ của giáo viên cũng không còn và đây sẽ là một hệ luỵ cực kỳ tai hại đối với chất lượng dạy học ở nhà trường…

 

 


Sẽ tai hại nếu giáo viên không được chọn sách - Ảnh 1.

Mẹ và con cùng đi mua SGK, dụng cụ học tập trong ngày 23-8 – Ảnh: NHƯ HÙNG

 

Nên để giáo viên chọn sách – đây là điểm chung từ hầu hết ý kiến gửi về Tuổi Trẻ về việc Nhiều sách giáo khoa: Ai được chọn? Chọn thế nào? Tuổi Trẻ xin khép lại chủ đề này bằng hai ý kiến dưới đây, hẹn gặp quý bạn đọc, thầy cô trong những chủ đề khác tiếp theo.

Yêu cầu duy nhất: bám sát chương trình

Trong các nền giáo dục tiên tiến hiện đại, các cơ quan quản lý giáo dục chỉ quản lý hoạt động của ngành giáo dục dựa trên chương trình giáo dục đã được ban hành; việc biên soạn và sử dụng sách giáo khoa (SGK) theo chương trình ấy như thế nào hoàn toàn thuộc về cá nhân các nhà giáo, từ các chuyên gia giáo dục đến các giáo viên đứng lớp. 

Nguyên tắc này xuất phát từ quyền “tự do học thuật” – một quyền trọng yếu đảm bảo cho giá trị và chất lượng giáo dục của mỗi quốc gia.

Hiện, việc “Đổi mới giáo dục căn bản và toàn diện” ở nước ta đã đi theo hướng đó với nguyên tắc “Một chương trình – nhiều bộ SGK”. Mặc dù chương trình mới cùng quá trình biên soạn và thẩm định các bộ SGK áp dụng cho chương trình này vẫn còn nhiều vấn đề phải tranh luận nhưng việc giữ vững nguyên tắc “Một chương trình – nhiều bộ SGK” vẫn có thể đảm bảo cho việc đổi mới dẫn đến kết quả khả quan.

Vì thế, với dự thảo “Việc lựa chọn SGK trong cơ sở giáo dục phổ thông từng tỉnh thì chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định thành lập hội đồng lựa chọn SGK. Trong đó chủ tịch hội đồng là lãnh đạo UBND, các phó chủ tịch là lãnh đạo sở GD-ĐT, thư ký hội đồng là lãnh đạo các phòng chức năng trực thuộc sở GD-ĐT…”, những người am hiểu khoa học giáo dục hiện đại đã phải thất vọng. 

Với quy định này, bộ đã tước đoạt quyền lựa chọn SGK của giáo viên đứng lớp – là chủ thể chính của sự nghiệp giáo dục để trao quyền đó cho bộ máy quản lý hành chính các cấp tại địa phương (vốn không chuyên về khoa học giáo dục).

Khi “hội đồng lựa chọn SGK” như thế này hoàn thành nhiệm vụ thì nguyên tắc “Một chương trình – nhiều bộ SGK” đã trở về với “một bộ SGK thống nhất” (tại địa phương), đồng thời quan điểm “SGK là pháp lệnh” (mục tiêu chủ yếu cần xóa bỏ của đổi mới giáo dục) lại tái diễn (trong phạm vi địa phương).

Thế là quyền “tự do học thuật” của giáo viên không còn nữa, để buộc họ phải trở về với vai trò thuyết minh SGK do người khác biên soạn và chọn lựa cho mình. Đó là một hệ lụy cực kỳ tai hại đối với chất lượng dạy học ở nhà trường mà việc đổi mới giáo dục đang kỳ vọng. Sẽ còn tai hại hơn nữa nếu sự lựa chọn SGK của hội đồng này có sự can thiệp của các “nhóm lợi ích” để ăn chia quyền lợi trong việc xuất bản SGK.

Trong khoa học giáo dục hiện đại, giáo viên không chỉ được chọn những SGK thích hợp với mình, mà còn có quyền không chọn SGK nào hoặc tự viết SGK cho mình và có thể thiết kế bài học dựa trên tất cả các tư liệu khoa học mà mình tiếp cận được. Điều kiện duy nhất mà giáo viên phải tuân thủ là: thực hiện đúng chương trình giáo dục đã được ban hành.

LÊ VINH QUỐC (tiến sĩ giáo dục)

 

Việc “bếp núc” thầy cô “lo được”

Muốn lựa chọn SGK đúng thì cần có hiểu biết rộng về khoa học bộ môn; cần có nhiều bộ SGK để so sánh, tham khảo; cần có nhiều thời gian nghiên cứu, phân biệt. 

Hơn ai hết, giáo viên là lực lượng chính đã từng học hỏi ở những trường lớp chính quy, đã có bề dày kinh nghiệm giảng dạy, đã có hiểu biết về những ưu và nhược điểm của từng bài học lý thuyết, bài tập thực hành… sẽ làm được việc này. Họ cùng với tổ bộ môn trở thành lực lượng chính, chủ yếu lựa chọn SGK.

Có nhiều bộ SGK là xu thế của thời đại, là hướng đi của nền giáo dục ở nhiều nước nhưng việc ra đề thi, đáp án ở các kỳ thi (đặc biệt là các kỳ thi chuyển cấp, thi tốt nghiệp THPT…) sẽ như thế nào? 

Theo tôi, người biên soạn đề có thể chọn ra đề ở những phần bắt buộc phải có của chương trình hoặc phần giao nhau của các bộ SGK (như phần giao nhau ở SGK chuẩn/cơ bản và SGK nâng cao hiện nay), hoặc ra đề chủ yếu theo hướng kiểm tra năng lực của học sinh.

Còn việc quản lý chuyên môn ra sao nếu có giáo viên muốn cùng một lúc sử dụng nhiều bộ SGK? Giải quyết ra sao khi có thầy cô muốn dùng tài liệu hay một vài bài học của SGK khác? 

Công việc “bếp núc” có tính chất kỹ thuật này sẽ được tổ trưởng bộ môn và các thành viên trong tổ bàn bạc, giải quyết thỏa đáng sao cho học sinh không phải mua nhiều bộ SGK. Ví dụ sao chép một số bài ở SGK khác… sao cho việc lựa chọn SGK được ổn định trong nhiều năm, tránh được sự lãng phí mà vẫn tạo cho giáo viên sự tự tin, chủ động và sáng tạo, tạo được sự đồng thuận của xã hội, của phụ huynh và học sinh.

ĐỖ TUÂN SẮC

Không phải buông lỏng quản lý

Để giáo viên chọn sách không có nghĩa là “buông lỏng quản lý”, mà chính là đổi mới quản lý giáo dục theo khoa học giáo dục hiện đại: quản lý bằng chương trình học (curriculum) chứ không dựa trên SGK.

Muốn vậy, Bộ GD-ĐT cần xuất bản toàn bộ chương trình giáo dục phổ thông mới (bao gồm chương trình tổng thể và chương trình cụ thể của các môn học), cấp phát cho tất cả giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục thực hiện (đây chính là “pháp lệnh” mà họ phải tuân thủ triệt để).

Kèm theo đó, cần có các văn bản (và các đợt tập huấn) để hướng dẫn giáo viên thực hiện chương trình và các bộ quản lý các cấp biết cách quản lý theo chương trình học.

 

 

TUỔI TRẺ