Thản nhiên chép 80 cuốn sách nói vào USB rồi bán bất chấp bản quyền
Hơn 80 quyển sách nhiều thể loại được đọc, ghi âm và sản xuất thành audio books, chép vào 1 chiếc USB và phát hành công khai đến bạn đọc… nhưng những quyển sách nói này đều không có bản quyền.
Thản nhiên chép 80 cuốn sách nói vào USB rồi bán bất chấp bản quyền
Hơn 80 quyển sách nhiều thể loại được đọc, ghi âm và sản xuất thành audio books, chép vào 1 chiếc USB và phát hành công khai đến bạn đọc… nhưng những quyển sách nói này đều không có bản quyền.
Một số hình ảnh các trang web, Facebook quảng cáo USB sách nói để phát hành công khai – Ảnh: L.ĐIỀN chụp lại
Cho đến nay, NXB Trẻ chưa bán bản quyền sách nói cho bất kỳ một đơn vị nào, nên những sản phẩm sách nói của NXB Trẻ lưu hành hiện nay đều là làm lậu.
Ông Nguyễn Thành Nam (phó giám đốc NXB Trẻ)
Hiện có hai kênh quảng cáo sôi động cho loại hình sách nói này là Facebook và YouTube. Các trang: USB sách nói, USB sách nói – Tủ sách thay đổi cuộc đời, USB sách nói – Tủ sách kinh doanh làm giàu hay nhất mọi thời đại, USB sách nói – Tủ sách phát triển bản thân hay nhất mọi thời đại, 83 sách nói kinh doanh hay nhất mọi thời đại… được đầu tư công phu nhằm thu hút bạn đọc quan tâm đến loại hình đọc sách được cho là tiện lợi hơn sách giấy.
Quảng cáo công khai, mua bán dễ dàng
Và quả thật, đây là lần đầu tiên các đầu sách từng gây đình đám trong các lĩnh vực kinh doanh, tài chính, phát triển bản thân… được chuyển dạng thành sách nói và những người thực hiện không tiếc lời quảng cáo về sự tiện dụng của loại hình này cũng như nội dung cần thiết/quan trọng không chối cãi của những đầu sách đã khẳng định trên thị trường.
Ngoài rất nhiều clip, trích đoạn audio giới thiệu ngay trên trang để bạn đọc “nghe thử” trước khi click mua 1 chiếc usb có chứa đủ 80 đầu sách nói, các trang còn có ý sắp xếp nội dung các sách này thành từng mảng để giới thiệu cho bạn đọc dễ theo dõi: hoặc là “phát triển bản thân” – “tư duy & kiến thức kinh doanh” – “quản trị”; hoặc là “18 cuốn sách về tư duy kinh doanh” – “19 sách nói về chủ đề tài chính” – “8 sách nói về marketing & sales” – “14 sách nói về quản trị hay nhất” – “16 sách lời khuyên kinh doanh” – “7 câu chuyện kinh doanh cảm hứng”…
Theo đó, hàng loạt các sách nổi tiếng, nhiều quyển là sách bán chạy trong thời gian dài, cả những quyển từng đoạt giải sách hay… đều hiện diện ở đây.
Chẳng hạn như bộ Dạy con làm giàu của NXB Trẻ ở đây có cả 11 quyển; ngoài ra là các sách dành cho giới doanh nhân: Thế giới phẳng (Thomas L. Friedman), Bí quyết gây dựng cơ nghiệp bạc tỉ (Adam Khoo), Dám nghĩ lớn – The Magic of thinking BIG (David Schwartz), Làm chủ tư duy, thay đổi vận mệnh (Adam Khoo), Sách lược đầu tư của Warren Buffet (Lý Thành Tư), Nghệ thuật quản lý tiền và tài sản của người Do Thái, 22 quy luật bất biến trong marketing (Al Ries & Jack Trout)…
Cả những sách kinh điển từng gối đầu giường của nhiều thế hệ cũng được giới thiệu trong mục “Phát triển bản thân”: Nhà giả kim – Paulo Coelho, Đắc nhân tâm – Dale Carnegie, Khám phá sức mạnh bản thân – Gillian Stokes, Những bí quyết giao tiếp tốt – Larry King, Quẳng gánh lo đi và vui sống – Dale Carnegie, Cách sống từ bình thường trở nên phi thường – Inamori Kazuo…
Một số hình ảnh các trang web, Facebook quảng cáo USB sách nói để phát hành công khai – Ảnh: L.ĐIỀN chụp lại
Đây là một hình thức mới để sử dụng và khai thác tác phẩm, nhưng rất có thể xâm phạm quyền nhân bản tác phẩm. Các đơn vị có sách bị sử dụng làm sách nói có thể liên hệ cảnh cáo và đòi những người làm sách nói kiểu này phải trả tiền khi khai thác tác phẩm như vậy.
GS-TS – luật sư Nguyễn Vân Nam
Hồn nhiên vi phạm
Ngạc nhiên trước hình thức sản xuất sách nói và quảng cáo rầm rộ để phát hành như vậy, ông Lê Nguyên – một doanh nhân ngành sách tại TP.HCM, mày mò tìm hiểu và đặt mua một chiếc usb “kho sách nói” như được giới thiệu.
Kết quả, chiếc usb được gửi đến ông chỉ trong 3 ngày, nội dung chứa đủ các sách như đã giới thiệu. “Giọng đọc rõ ràng, ghi âm tốt, đặc biệt quyển Bố già mình đọc rồi nay nghe lại ở đây thấy rất được” – ông Nguyên nhận xét.
Theo ông Nguyên, những người làm sách này không hề có trong tay quyền thực hiện bản sách nói cho các sách ấy. Bởi rất nhiều sách trong danh sách này là sách dịch từ nguyên tác của nước ngoài, đơn vị làm sách giấy đã phải mua bản quyền để được thực hiện bản tiếng Việt tại thị trường Việt Nam.
Do vậy, nếu những ai chưa được phép sử dụng bản tiếng Việt để chuyển dạng từ sách in sang sách nói, mà hồn nhiên thực hiện như vậy là không ổn.
Một nhà văn tại TP.HCM cũng thấy hiếu kỳ với cách quảng bá sách nói “công khai ầm ĩ” như vậy, đã vào trang Facebook của đơn vị này nhắn tin hỏi về việc có được phép sử dụng những ấn phẩm này để làm sách nói không. Đáp lại, anh nhà văn đã bị block (chặn nick), không thể truy cập được vào trang đó nữa.
Với cái nhìn khách quan từ phía người đọc, Phùng Thanh – nhân viên một tổ chức NGO – cho biết anh có cảm tưởng những người thực hiện “kho sách nói” này đang muốn xây dựng một cộng đồng bạn đọc hưởng ứng loại hình sách nói.
Bản thân anh trước đây cũng từng nghe sách nói và chia sẻ những tiện lợi của việc “nghe thay vì đọc”, nhất là với những người bận rộn việc nhà – tức là những việc không quan trọng (nên có thể tiếp thu sách) nhưng lại không thể rời mắt đi để đọc sách được.
“Nhưng chúng ta không chấp nhận việc vi phạm bản quyền, dù sản phẩm quả thực có ích. Tại sao không làm việc tiện ích ấy một cách hợp pháp, như vậy nội dung sách cùng với giá trị sống mới lan tỏa trong cộng đồng một cách tích cực hoàn toàn” – Phùng Thanh chia sẻ.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trên trang quảng cáo của một “kho sách nói” có địa chỉ liên hệ cụ thể tại Hà Nội. Theo đó, chúng tôi liên lạc qua điện thoại với người đại diện.
Người này cho biết những người làm sách nói ở đây cũng có nghĩ đến việc thương lượng mua bản quyền các sách để thực hiện sách nói một cách hợp pháp nhưng “quá trình làm việc về bản quyền là dài và phức tạp”, nên hiện các sách nói đang phân phối này là giá ưu đãi.
Người này cũng cho biết hiện đơn vị của cô đang làm việc với các nhà xuất bản về bản quyền các sách và nếu mua được bản quyền, giá usb sách nói sẽ đắt hơn.