Nhiều sách giáo khoa: Ai được chọn? Chọn thế nào?
Theo quy định, sau khi Bộ GD-ĐT công bố danh sách các sách giáo khoa (SGK) đã qua thẩm định thì các địa phương có thể thực hiện việc chọn sách phù hợp để sử dụng, bắt đầu từ năm học 2020-2021.
Nhiều sách giáo khoa: Ai được chọn? Chọn thế nào?
Theo quy định, sau khi Bộ GD-ĐT công bố danh sách các sách giáo khoa (SGK) đã qua thẩm định thì các địa phương có thể thực hiện việc chọn sách phù hợp để sử dụng, bắt đầu từ năm học 2020-2021.
“Ai được chọn sách? Chọn sách thế nào?” đang là mối quan tâm của nhiều người, trong đó có cả phụ huynh. Trong ảnh: học sinh Trường tiểu học Phú Thọ (Q.11, TP.HCM) kiểm tra SGK chuẩn bị cho năm học mới – Ảnh: NHƯ HÙNG
Hiện Bộ GD-ĐT đang dự thảo thông tư quy định việc chọn sách giáo khoa (SGK) trong cơ sở giáo dục phổ thông. Dự thảo này đã được gửi các cơ sở giáo dục để lấy ý kiến góp ý trước khi ban hành.
Dự kiến 2/3 thành viên chọn sách là nhà giáo
Theo quy định mới, khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông thì cả nước sẽ thực hiện theo chương trình thống nhất do Bộ GD-ĐT ban hành, nhưng có thể sử dụng các bộ sách giáo khoa và SGK khác nhau trong số những sách đã được Hội đồng thẩm định SGK quốc gia đánh giá đạt. Việc chọn sách nào cho các cấp học, các vùng miền trên phạm vi một tỉnh do UBND cấp tỉnh quyết định.
Theo dự thảo thông tư trên, việc lựa chọn SGK trong cơ sở giáo dục phổ thông từng tỉnh thì chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định thành lập hội đồng lựa chọn SGK. Trong đó chủ tịch hội đồng là lãnh đạo UBND, các phó chủ tịch là lãnh đạo sở GD-ĐT, thư ký hội đồng là lãnh đạo các phòng chức năng trực thuộc sở GD-ĐT. Mỗi môn học/hoạt động giáo dục ở một cấp học có một tiểu ban.
Thành phần của các tiểu ban này có nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhà khoa học có kinh nghiệm, đại diện các cơ quan tổ chức có liên quan… Đặc biệt, dự thảo đưa ra quy định có ít nhất 2/3 tổng số thành viên là nhà giáo hoạt động giáo dục, giảng dạy tại các cơ sở giáo dục phổ thông thuộc các vùng miền trên địa bàn.
UBND cấp tỉnh tổ chức xây dựng và ban hành tiêu chí chọn SGK dựa trên các nguyên tắc: phù hợp với văn hóa, lịch sử, địa lý của địa phương, cộng đồng dân cư, tạo điều kiện cho giáo viên đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá…
Dự thảo thông tư cũng nêu sau khi UBND tỉnh đã có quyết định chọn sách, nếu cần thiết sẽ lựa chọn bổ sung hoặc lựa chọn lại SGK. Quá trình thực hiện đảm bảo dân chủ, công khai minh bạch.
Băn khoăn: chọn một hay nhiều bộ/sách?
Trong dự thảo thông tư không quy định rõ mỗi tỉnh chỉ chọn một hay nhiều bộ SGK khác nhau, đây là điều còn khiến nhiều người băn khoăn.
Tinh thần của “một chương trình, nhiều SGK” là càng đa dạng hóa nguồn tài liệu (SGK), linh hoạt trong việc sử dụng các SGK phù hợp với vùng miền, đối tượng học sinh càng tốt. Ở nhiều nước phát triển khác, khi SGK chỉ là một trong nhiều tài liệu dạy học, phục vụ mục tiêu tự học của học sinh thì mỗi trường/giáo viên có thể lựa chọn các SGK khác nhau hoặc nhiều SGK cho học sinh tham khảo.
Các dự án học tập, các chủ đề dạy học của giáo viên có thể “thoát ly” khỏi SGK. Việc đánh giá chất lượng, nghiệm thu kết quả dạy học dựa vào chương trình và chuẩn đầu ra (mục tiêu cần đạt).
Điểm khác biệt của chương trình giáo dục mới lần này là lần đầu tiên Bộ GD-ĐT xây dựng chương trình tổng thể, rồi mới xây dựng các chương trình môn học. Việc quản lý dạy học, đánh giá chất lượng dựa vào yêu cầu cần đạt của chương trình.
Các SGK biên soạn theo yêu cầu của chương trình sẽ chỉ là tài liệu dạy học. Việc này loại bỏ tư duy coi “SGK là pháp lệnh” phải dạy đúng, đủ, không vượt ra ngoài SGK như quan niệm dạy học trước đây.
Và để thực hiện đúng tinh thần này, việc lựa chọn SGK trên địa bàn mỗi tỉnh thành cần cởi mở hơn, căn cứ vào đặc điểm vùng miền, đối tượng học sinh, những điểm mạnh trong ứng dụng phương pháp dạy học sáng tạo ở các nhà trường để chọn SGK phù hợp.
Tại Hà Nội, một số giáo viên khi trao đổi về việc này đã cho biết họ kỳ vọng giáo viên được chọn SGK. Nhưng hiện tại theo quy định thì không được nên khá băn khoăn vì chọn sách không chỉ nhìn bằng mắt, mà phải qua thực tế dạy học. Những lo ngại chuyện “lợi ích nhóm” cũng xuất hiện khi chưa biết hội đồng chọn sách sẽ quy định như thế nào.
“Trường có điều kiện có thể mua tất cả các SGK đã qua thẩm định để giáo viên nghiên cứu, phát triển bài dạy hoặc đưa vào tủ sách dùng chung cho học sinh tham khảo. Nếu xem SGK là tài liệu thì ngoài sách được chọn chính thức, các sách khác vẫn có giá trị sử dụng. Nhưng liệu có quy định nào cho phép các trường thực hiện việc này không?” – một giáo viên THCS ở Hà Nội chia sẻ.
Cần hiệu trưởng có ý kiến?
Bà Hoàng Phương Thảo, trưởng Phòng GD-ĐT TP Vinh (Nghệ An), bày tỏ quan điểm: hiệu trưởng các trường cần có tiếng nói trong việc lựa chọn tài liệu giảng dạy, trên cơ sở bảo đảm các chuẩn kiến thức kỹ năng bài học theo khung chương trình của Bộ GD-ĐT.
Theo bà Thảo, khi các trường tự chủ, xây dựng kế hoạch giáo dục của trường sẽ thuận lợi nếu hiệu trưởng được tham gia chọn SGK, tài liệu dạy học phù hợp.
Trên một địa bàn tỉnh, trường học có quy mô, điều kiện, đối tượng học sinh khác nhau. Lựa chọn một tài liệu SGK phù hợp với nơi này nhưng không chắc hợp với nơi khác. Nếu có nhiều lựa chọn thì không nên bỏ qua cơ hội.
Tuy nhiên, cũng đang có nhiều ý kiến của lãnh đạo ngành giáo dục một số tỉnh thành cho rằng chỉ nên chọn 1 bộ sách trên địa bàn tỉnh để dễ quản lý.
Theo một số hiệu trưởng trường tiểu học, THCS ở Đà Nẵng, các tiểu ban chọn sách cần có thành phần là hiệu trưởng, tổ trưởng chuyên môn, thậm chí giáo viên. Hoặc có hình thức nào đó để tham khảo được ý kiến của giáo viên trực tiếp dạy học, cán bộ quản lý các nhà trường.
Nhưng cũng trao đổi về việc này, một số nhà quản lý khác lại cho rằng nhiều hiệu trưởng, giáo viên khó thể bao quát được mọi yếu tố liên quan tới chọn sách trên cả địa bàn rộng nếu họ được chọn vào các tiểu ban chọn sách.
SGK mới có thể sẽ tăng giá
Ở thời điểm hiện tại, các đơn vị xuất bản SGK chưa đưa ra mức giá SGK mới. Nhưng theo thông tin của một số đơn vị thì giá SGK có thể tăng hơn so với SGK hiện hành. Nội dung được đầu tư đáp ứng yêu cầu mới, chất lượng giấy, kỹ thuật in được nâng cấp là những yếu tố làm giá thành SGK tăng.
Tại hội nghị giới thiệu 4 bản mẫu SGK lớp 1 của NXB Giáo Dục VN đã qua thẩm định lần 2, đại diện NXB Giáo Dục VN cũng cho biết giá SGK có thể sẽ tăng. Tuy nhiên, ở thời điểm cụ thể chưa có đủ dữ liệu để xây dựng giá.
Trong 5 bộ SGK lớp 1 đã được Hội đồng thẩm định quốc gia đánh giá đạt thì có 4 bộ do NXB Giáo Dục xuất bản. Tuy nhiên, hiện Bộ GD-ĐT vẫn đang tiếp tục rà soát lần cuối với các bản thảo SGK đạt, trước khi công bố chính thức kết quả thẩm định vào giữa tháng 11-2019.
Muốn chọn sách theo cách đang dạy
“Chúng tôi đã triển khai mô hình trường học mới (VNEN) 7-8 năm và thấy yếu tố cốt lõi của trường học mới cũng đúng với điểm đặc trưng của chương trình giáo dục phổ thông sắp triển khai, đó là tổ chức hoạt động học tập để phát triển năng lực, phẩm chất học sinh.
Nếu được đề xuất, tôi rất muốn chọn những SGK nào phù hợp với cách tổ chức dạy học đang làm. Tuy nhiên, việc này lệ thuộc vào tỉnh. Tỉnh chọn một bộ cho tất cả các cơ sở giáo dục thì phải theo” – một giáo viên Trường THCS Quang Trung, huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng, chia sẻ.
Cô Phan Thị Liên Nga (hiệu trưởng Trường tiểu học Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương, Lâm Đồng) cho biết nguyện vọng của cán bộ, giáo viên là được tiếp cận sớm SGK để chuẩn bị cho năm học triển khai chương trình mới.
“Được tiếp cận, dạy thử nghiệm với nhiều bộ sách để chọn bộ sách phù hợp nhất thì tốt. Vì ở mỗi vùng miền có những đặc điểm, yêu cầu khác nhau”.
Kính mời quý cán bộ quản lý, đặc biệt là quý thầy cô, cùng góp ý cho nội dung “chọn sách thế nào?”, bao gồm cách thức tổ chức và nội dung của sách cho phù hợp với địa phương mình, trường mình. Mọi góp ý vui lòng gửi về [email protected].