23/12/2024

Thứ Sáu, 08.11.2019 – Bán đi niềm tin, vứt đi cuộc đời

“Và chủ khen người quản lý bất lương đó đã hành động cách khôn khéo: vì con cái đời này, khi đối xử với đồng loại, thì khôn khéo hơn con cái sự sáng”. (Lc 15,10)

Tuần XXXI Mùa Thường Niên
Rm 15,14-21 • Tv 97 • Lc 16,1-8

Lời Chúa

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Một người phú hộ kia có một người quản lý; và người này bị tố cáo đã phung phí của chủ. Ông chủ gọi người quản lý đến và bảo rằng: ‘Tôi nghe nói anh sao đó. Anh hãy tính sổ công việc quản lý của anh, vì từ nay anh không thể làm quản lý nữa’. Người quản lý thầm nghĩ rằng: ‘Tôi phải làm thế nào, vì chủ tôi cất chức quản lý của tôi? Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi. Tôi biết phải liệu thế nào để khi mất chức quản lý thì sẽ có người đón tiếp tôi về nhà họ’.

“Vậy anh gọi từng con nợ của chủ đến và hỏi người thứ nhất rằng: ‘Anh mắc nợ chủ tôi bao nhiêu?’ Người ấy đáp: ‘Một trăm thùng dầu’. Anh bảo người ấy rằng: ‘Anh hãy lấy văn tự, ngồi xuống mau mà viết lại năm mươi’. Rồi anh hỏi người khác rằng: ‘Còn anh, anh mắc nợ bao nhiêu?’ Người ấy đáp: ‘Một trăm giạ lúa miến’. Anh bảo người ấy rằng: ‘Anh hãy lấy văn tự mà viết lại: tám mươi’.

“Và chủ khen người quản lý bất lương đó đã hành động cách khôn khéo: vì con cái đời này, khi đối xử với đồng loại, thì khôn khéo hơn con cái sự sáng”.

Nguồn: thanhlinh.net

Nghe suy niệm Lời Chúa

Nguồn: chanlyviet.net – Đài Chân Lý Á Châu

Sống Lời Chúa: Bán đi niềm tin, vứt đi cuộc đời

“Và chủ khen người quản lý bất lương đó đã hành động cách khôn khéo: vì con cái đời này, khi đối xử với đồng loại, thì khôn khéo hơn con cái sự sáng”. (Lc 15,10)

Trong các triết lý làm người của kiếp nhân sinh, chúng ta bắt gặp tư tưởng của Khổng Tử, người Trung Hoa gọi ông là Vạn Thế Sư Biểu (bậc thầy của muôn đời). Triết lý của ông nhấn mạnh trên tu dưỡng đức hạnh cá nhân và cai trị bằng đạo đức: “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” nghĩa là không “tu thân” thì không thể “tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Chúa Giêsu dạy chúng ta tìm về Thiên Chúa vì Ngài là đấng trung tín… Người nói: “ai trung tín trong việc nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai bất lương trong chuyện nhỏ, thì cũng bất lương trong chuyện lớn” (Lc 16,10). Người quản lý trong bài Tin Mừng hôm nay bị sa thải vì đã không trung tín trong bổn phận được giao ngay cả khi anh phải kê khai tài sản, dù có dùng sự khôn khéo của thế gian, để báo cáo lại cho ông chủ.

Vậy nên, khi tôi, khi bạn được Thiên Chúa trao phó cho những sứ vụ trong cương vị: linh mục, giáo dân, người cha, người mẹ, người con, ông chủ, công nhân, sinh viên, học sinh… để xây dựng và thăng tiến thế giới này, thì các mối tương quan chỉ có thể tồn tại tốt đẹp, theo cách nói của toán học, khi và chỉ khi nó tuân thủ quy luật của Thiên Chúa. Tôi tạm gọi điều này là lòng “trung tín quy tâm” về Thiên Chúa. Chính lòng trung tín này khẳng định tôi là ai, bạn là ai trước Thiên Chúa và anh chị em mình.

Lm. Nguyên Hiệu

Nguồn: Sống Lời Chúa – Bayard Việt Nam