Đường dây ‘cò’ đưa ‘lao động chui’ sang châu Âu ra sao?
Hầu hết những “lao động chui” đều thông qua một mạng lưới “cò” ở địa phương. Các “cò” đều là các mắt xích ở các ngôi làng có người thân đi nước ngoài thành công và móc nối được với đường dây lớn hơn.
Đường dây ‘cò’ đưa ‘lao động chui’ sang châu Âu ra sao?
Hầu hết những “lao động chui” đều thông qua một mạng lưới “cò” ở địa phương. Các “cò” đều là các mắt xích ở các ngôi làng có người thân đi nước ngoài thành công và móc nối được với đường dây lớn hơn.
Nhiều ngôi nhà hai tầng khang trang mọc lên san sát nhau ở xã Đô Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) – Ảnh: DOÃN HOÀ
Dân địa phương gọi những “cò” này là “cầu”. Có thể hiểu từ này theo đúng nghĩa đen lẫn nghĩa bóng: những người bắc cầu.
Thực chất đây là những người từng đi làm thuê ở trời Âu, sau đó trở về quê trở thành đầu mối “gom người” cho những đường dây đưa người vào Pháp, Đức, Anh… bất hợp pháp.
“Cầu” lặn mất tăm
Người đầu tiên chúng tôi gặp là ông Phạm Văn Thìn – bố của em Phạm Thị Trà My, trú tại thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh, người được cho là đã nhắn những dòng tin cuối cùng trước khi thiệt mạng trong thùng container ở Anh.
Ông Thìn xác nhận người đàn ông tên Tr. là người làm thủ tục cho Trà My từ Việt Nam qua Trung Quốc.
Theo người dân địa phương, Tr. mới ngoài 30, cũng từng có thời gian đi lao động chui ở Anh. Sau khi trở về, Tr. trở thành mắt xích gần nhất, chuyên thực hiện những thủ tục đầu tiên cho lao động muốn đi chui qua Anh. Những “cầu” cấp trên của Tr. chính là một số người thân bên vợ, có người hiện ở Hà Tĩnh, có người đang ở nước ngoài.
Theo chỉ dẫn, chúng tôi tìm về ngôi nhà được cho là của người tên Tr.. Đó là ngôi nhà nằm ngay mặt tiền quốc lộ qua xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc. Ngôi nhà này nhiều ngày qua đã đóng kín cửa. Hàng xóm nói rằng nhà của Tr. đóng cửa từ sau ngày có thông tin về xe container chở 39 người chết ở Anh. Tr. đi đâu thì không ai rõ.
Ông Võ Nhân Quế – bố của Võ Nhân Du, trú xã Thiên Lộc, người được cho là đang mất tích khi vượt biên qua Anh đợt vừa rồi. Khi chúng tôi đến, ông Quế nhắc tới nhắc lui một chi tiết: Ngày 23-10, ngay khi sự việc đáng tiếc xảy ra, có một người gọi điện đến hỏi vợ ông có phải người thân cháu Du không.
Biết là “cầu” đưa con mình đi nước ngoài nên vợ ông gặng hỏi tình hình con thì người này im lặng và xin phép được trả lời sau. Liên tục những ngày sau đó, ông Quế tìm cách liên lạc lại với số điện thoại này thì đều không kết nối được.
Thiên Lộc là xã có 5 người mất liên lạc trùng với thời gian xảy ra sự việc ở Anh. Xã này được cho là có “phong trào” đi Anh lao động chui mạnh nhất vùng. Có khá nhiều “cầu” là đầu mối của nhiều đường dây khác nhau cùng đưa người qua Anh lao động chui. T.B., ở thôn Trường Lộc, được người địa phương giới thiệu là đầu mối lớn nhất.
Theo những người từng đi Anh ở Thiên Lộc, T.B. khá “mát tay”. Theo “cầu” này, nhiều người ở Thiên Lộc đã qua được Anh và sau đó gửi khá nhiều tiền về cho gia đình. Uy tín của T.B. cũng ngày càng được nâng lên theo đó.
Tìm được “hàng”, T.B. lo hộ chiếu giấy tờ để bay sang Trung Quốc. T.B. luôn khoe rằng chỉ cần đặt chân sang Trung Quốc được ít ngày là có visa bay sang Pháp. “Khi nào đưa được người sang Anh an toàn thì T.B. mới lấy tiền. Sau mỗi lần đưa được một lao động sang Anh trót lọt, T.B. chỉ được vài ba nghìn đô tiền hoa hồng” – anh N. thông tin.
Cuối tháng 10, sau khoảng một tuần từ khi sự việc đau lòng xảy ra ở Anh, chúng tôi tìm đến nhà của T.B.. Đó là một ngôi nhà nằm sâu trong con ngõ ở thôn Trường Lộc. Phải gọi rất lâu bà Tr., mẹ của T.B., mới ra mở cửa. Nhưng vừa mở cửa, bà Tr. đã đuổi khách: “Nó đi khỏi nhà mấy ngày rồi. Không biết đi đâu. Các chú đừng hỏi nữa”.
Đi “chui” vào 26 nước châu Âu?
Những ngôi nhà cao tầng san sát nhau đang mọc lên từng ngày ở xã Đô Thành, được xem là một trong những địa phương có số người đi nhiều nhất ở huyện Yên Thành, Nghệ An, đặc biệt là đi các nước châu Âu.
Hầu hết những người đi “chui” đều thông qua một mạng lưới “cò” ở địa phương. Các “cò” đều là các mắt xích ở các ngôi làng có người thân đi nước ngoài thành công và móc nối được với đường dây lớn hơn. Đằng sau những cái mác là “công ty xuất khẩu lao động”, các “chân rết” này đứng ra môi giới đưa người đi châu Âu với giá trên dưới 1 tỉ đồng.
Ông H. – một chủ tiệm tạp hóa ở trung tâm xã Đô Thành – được người địa phương giới thiệu là môi giới đi nước ngoài. Ông H. khoe với chúng tôi: “Đi đường dây của anh rất an toàn nên các em cứ yên tâm, không sợ mất tiền oan đâu. Thế nhưng bây giờ đi Anh khó lắm, các em đi 26 nước còn lại ở châu Âu, nước nào anh cũng đưa đi được”.
Ông H. giải thích: “Vừa qua có chuyện 39 người chết trong thùng container đông lạnh ở Anh chưa rõ nguyên nhân nên các tuyến biên giới họ kiểm soát gắt gao hơn, bên đầu mối vừa báo lại thị trường này phải tạm dừng”.
Giới thiệu với chúng tôi về đường dây “xuất cảnh nhanh không cần học tiếng” sang châu Âu để có “việc nhẹ, lương cao”, ông H. nói chúng tôi chỉ cần đóng 16.000 USD sẽ được “lo trọn gói”.
“Bên anh sẽ làm visa, thủ tục mất khoảng 3 tháng. Em chỉ cần sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân và hộ chiếu. Nếu em muốn đi nhanh thì hết khoảng 23.000 USD, hơn một tháng là đi ngay. Quan trọng nhất là em phải có người thân quen, bạn bè đang làm việc ở bên đó mới dễ tìm việc” – ông H. hứa hẹn.
Để thêm thuyết phục, ông H. giải thích rõ: “Bên anh chỉ lo visa đi theo dạng “khách du lịch”, qua đó em sẽ không còn giấy tờ tùy thân và có thể làm nail (làm móng tay, chân – PV), nhà hàng, quán ăn… Thu nhập không dưới 2.000 USD/tháng. Làm ít tháng là em có thể lấy lại vốn” – ông H. quả quyết.
Chúng tôi tìm gặp bà T. (40 tuổi, ngụ xã Đô Thành) có hai người con đang “du lịch” ở nước Anh. Cũng giống như ông H., bà T. cũng giới thiệu cho chúng tôi về đường dây “chạy” đi lao động ở các nước châu Âu với giá từ 16.000 USD.
5 năm trước, con trai đầu bà T. vừa học xong lớp 9, do không tìm được việc làm nên vợ chồng bà vay mượn hơn 400 triệu đồng cho con đi nước ngoài với mong ước “đổi đời”. “Chạy” qua được nước Anh, con trai bà T. làm ở một tiệm nail, dành dụm tiền gửi về cho bố mẹ. Đến nay, vợ chồng bà T. đã trả hết nợ và cất được ngôi nhà 2 tầng khang trang cạnh gian nhà cấp 4 đã xuống cấp.
“Cả làng này, cả xã này, nhà nào cũng có 1-2 người đi lao động nước ngoài. Nếu em muốn đi châu Âu sẽ hết khoảng 16.000 USD, đường dây này rất an toàn. Nếu không quen biết thì em phải cọc 1.000 – 2.000 USD cho bọn chị. Lúc nào em qua đến nơi an toàn thì ở nhà mới đóng số tiền còn lại” – bà T. giới thiệu.
Hơn một tháng trước, đứa con trai thứ hai của bà T. cũng theo anh trai “xuất ngoại”. Bà T. cho biết theo lời kể của con trai và những “đầu mối cấp cao” thì sau khi làm thủ tục visa “đi du lịch”, con bà bay qua Nga nhập cảnh ở đây rồi vượt biên bằng đường rừng hoặc theo các xe tải để vào châu Âu làm việc “chui”.
“Cầu thẳng”, “cầu ngang”
Anh N., một người từng đi Anh về, cho biết “cầu” T.B. chuyên đưa người ở xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) đi Anh chỉ là một mắt xích trong đường dây đưa người đi châu Âu. Nhiệm vụ của T.B. là gom người và ra giá đi Anh. T.B. có thể làm đầu mối cho cả “cầu thẳng” và “cầu ngang”.
Giá đi “cầu thẳng” của T.B. rất “chát”, cả tỉ bạc. Nếu đi cầu này, người lao động sẽ được đưa qua Trung Quốc bay thẳng qua Pháp rồi sẽ có cầu khác lo tiếp chuyện qua Anh. Nếu chọn “cầu ngang”, T.B. sẽ kết nối cho người lao động đi qua Nga, Cộng hòa Czech hoặc một số nước ở Đông Âu. Sau đó, người lao động sẽ được đưa qua rất nhiều nước khác. Có khi hàng tháng trời mới đến Pháp để qua Anh.
Khấm khá hơn nhờ… đi châu Âu
Ông Lê Xuân Dương – phó chủ tịch UBND xã Đô Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) – không giấu giếm chuyện con đi lao động ở Đức theo dạng “đi du lịch” từ ba năm trước. “Trong xã có nhiều người bỏ mạng khi làm việc ở xứ người, tiềm ẩn rủi ro khi không có giấy tờ hợp lệ, có thể bị trục xuất về nước nhưng không còn cách nào khác. Cũng nhờ đi châu Âu, nhiều gia đình mới khấm khá hơn trước” – ông Dương bộc bạch.