11/01/2025

Xoá bỏ cát cứ dữ liệu, ngăn cách địa giới hành chính

Một người dân ở Bình Phước hay Tây nguyên có thể đề nghị Sở GTVT Hà Nội cấp đổi giấy phép lái xe mà không cần phải quay về sở GTVT địa phương, khi cổng dịch vụ công quốc gia chính thức vận hành vào cuối tháng 11 này.

 

Xoá bỏ cát cứ dữ liệu, ngăn cách địa giới hành chính

Một người dân ở Bình Phước hay Tây nguyên có thể đề nghị Sở GTVT Hà Nội cấp đổi giấy phép lái xe mà không cần phải quay về sở GTVT địa phương, khi cổng dịch vụ công quốc gia chính thức vận hành vào cuối tháng 11 này.
 
 
 
 
 
Người dân, doanh nghiệp sẽ vào trang dichvucong.gov.vn để đăng ký cung cấp dịch vụ /// Chụp lại màn hình

Người dân, doanh nghiệp sẽ vào trang dichvucong.gov.vn để đăng ký cung cấp dịch vụ   Chụp lại màn hình

 

 
Đó là thông tin được Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, nhấn mạnh khi chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành và địa phương để chuẩn bị khai trương cổng dịch vụ công quốc gia (DVCQG) dự kiến chính thức vận hành ngày 29.11.

Hàng chục dịch vụ thiết yếu sẽ được cấp qua mạng

Ông Nguyễn Đình Lợi, thuộc Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ), cho biết ngay khi khai trương, cổng DVCQG sẽ cho phép người dân, doanh nghiệp (DN) thực hiện các thủ tục sau: đổi giấy phép lái xe – GPLX (mức độ 3); cấp GPLX quốc tế; đăng ký khuyến mãi; cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa; nộp thuế điện tử với DN; cấp mới điện hạ áp và trung áp; thanh toán tiền điện. Tiếp đó, trong tháng 12, sẽ tích hợp thêm các dịch vụ công: nộp thuế điện tử cá nhân; hủy tờ khai hải quan; bổ sung hồ sơ hải quan; nhóm thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm.
 
Đến quý 1/2020, các dịch vụ như nộp tiền phạt vi phạm giao thông đường bộ; đổi GPLX (mức độ 4), cấp mới GPLX; đăng ký kinh doanh; thu phí, lệ phí trước bạ ô tô, xe máy…
 
Theo đó, người dân muốn được cung cấp các dịch vụ này qua mạng sẽ vào địa chỉ dichvucong.gov.vn để đăng ký tài khoản và được xác thực thông qua số điện thoại, số chứng minh thư/căn cước công dân, hoặc số thẻ bảo hiểm. Sau khi có tài khoản xác thực sẽ dễ dàng truy cập vào cổng DVCQG bất cứ lúc nào và ở đâu để đăng ký sử dụng các dịch vụ công hoặc để giám sát, đánh giá việc giải quyết thủ tục hành chính.
 
“Thông tin của cá nhân, tổ chức đã cung cấp một lần thành công thì được sử dụng khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến lần sau và kết quả giải quyết được công nhận tính pháp lý trên toàn hệ thống”, ông Lợi cho hay.
 
Trong khi đó, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh việc cung cấp dịch vụ công vẫn được thực hiện bởi các địa phương, bộ, ngành. Cổng DVCQG chỉ kết nối, chia sẻ để tạo thuận lợi cho người dân vào một chỗ thì vẫn được cung cấp nhiều dịch vụ chứ cổng không làm thay chức năng của bộ, ngành, địa phương.
 
“Ví dụ, với thủ tục đổi GPLX, một công dân ở Bình Phước, nhưng đang ở Hà Nội thì không cần về Bình Phước để đổi bằng mà có thể yêu cầu Sở GTVT Hà Nội cấp đổi. Muốn vậy, hồ sơ dữ liệu ban đầu lưu ở Bình Phước phải được chia sẻ lên hệ thống để không còn bị giới hạn bởi địa giới hành chính, cát cứ dữ liệu như trước”, ông Dũng nhấn mạnh.

Đơn giản thì người dân mới dùng

Dù vậy, ông Dũng cũng thừa nhận, một số lĩnh vực, tình trạng cát cứ thông tin dữ liệu, thậm chí tính kết nối trong phạm vi một tỉnh vẫn là vấn đề lớn, song phải kiên trì, làm từng bước trên tinh thần làm đến đâu (dịch vụ nào) thì chắc đến đấy.
 
“Tương tự là việc xác thực thông tin của người dân. Có ý kiến lo ngại an ninh an toàn, nên đòi hỏi cấp độ cao, như mã OTP hay số định danh… Nhưng mỗi dịch vụ cần có mức độ khác nhau, ví dụ như khi đi gửi tiền thì không cần xác thực chặt như đi rút tiền được. Chúng ta phải làm sao ban đầu đơn giản, dễ gần thì người dân mới dùng, sau đó sẽ nâng cấp lên và làm giàu thêm cơ sở dữ liệu, đồng thời khuyến khích địa phương đưa càng nhiều dịch vụ lên dần”, ông Dũng nói.
 
Đối với địa phương, thì TP.HCM, Hà Nội và tỉnh Quảng Ninh là 3 tỉnh, thành đầu tiên thực hiện thí điểm ngay từ ngày đầu cổng DVCQG vận hành. Ông Đặng Huy Hậu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, cho biết tỉnh sẽ triển khai ngay 3 dịch vụ qua cổng quốc gia là cấp giấy khai sinh, đổi GPLX và đăng ký khuyến mãi. Hiện nay, hệ thống thông tin của tỉnh đã liên thông về tận xã. Địa phương cũng liên kết với một ngân hàng thương mại nhà nước để mở các trạm thanh toán dịch vụ công nhằm tạo thuận lợi tối đa cho người dân.
 
Tương tự, ông Hà Phước Thắng, Chánh văn phòng UBND TP.HCM, khẳng định nhóm 7 thủ tục đầu tiên đã được TP chuẩn bị sẵn sàng để chậm nhất là ngày 15.11 kết nối với cổng DVCQG. Các thủ tục phải kết nối trong quý 1/2020 thì trong tháng 12.2019 cũng sẽ hoàn tất.
 
Còn ông Ngô Văn Quý, Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội, cho hay từ tháng 10.2018, TP triển khai dịch vụ công trực tuyến và hiện có 70% dịch vụ công được cấp qua mạng nên sẽ không khó khăn gì khi kết nối 7 nhóm thủ tục đợt đầu lên cổng DVCQG trong tháng 11.
 
Ông Nguyễn Trí Đức, Chánh văn phòng Bộ GTVT, cho hay Tổng cục Đường bộ VN đã hoàn tất kết nối kỹ thuật lên hệ thống quốc gia và đang làm việc với 2 sở GTVT Hà Nội, TP.HCM ở những bước cuối cùng để sẵn sàng cấp bằng lái xe lẫn thanh toán tiền nộp phạt vi phạm giao thông đường bộ qua mạng.
 
Theo ông Nguyễn Đình Lợi, cổng DVCQG cũng là địa chỉ cung cấp các thông tin về thủ tục hành chính, dịch vụ công đầy đủ, tin cậy, chính xác, được bảo đảm thi hành của Chính phủ, tạo môi trường công khai, minh bạch, giúp người dân, DN thực hiện giám sát, kiến nghị về quy định và việc thực hiện của cơ quan nhà nước.
 
Với nhà nước, sẽ hạn chế việc đầu tư dàn trải hệ thống thông tin qua việc cung cấp các nền tảng, dữ liệu dùng chung, bao gồm cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính; hệ thống phản ánh, kiến nghị… Cổng DVCQG cũng sẽ giúp chuẩn hóa việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, DN trên cổng dịch vụ công, hệ thống một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh…
 
 
 CHÍ HIẾU