25/11/2024

Thiền: những điều tưởng vậy mà không phải vậy!

Có người tin, hành thiền rồi sẽ “bách độc bất xâm” – không bệnh, chẳng buồn đau… Có người lại nghĩ thiền là phải ngồi kiểu hoa sen mới chuẩn, phải bỏ mọi suy nghĩ khi thiền… Vậy sự thật, thiền có vạn năng hay khó khăn đến thế?

 

Thiền: những điều tưởng vậy mà không phải vậy!

Có người tin, hành thiền rồi sẽ “bách độc bất xâm” – không bệnh, chẳng buồn đau… Có người lại nghĩ thiền là phải ngồi kiểu hoa sen mới chuẩn, phải bỏ mọi suy nghĩ khi thiền… Vậy sự thật, thiền có vạn năng hay khó khăn đến thế?
 
 
 
 

Thiền là sự tập trung thư giãn tâm trí, vì thế không quan trọng tư thế khi bạn thiền /// Ảnh: Reuters

Thiền là sự tập trung thư giãn tâm trí, vì thế không quan trọng tư thế khi bạn thiền   Ảnh: Reuters

 

 
Sự nở rộ của các hoạt động liên quan đến thiền vài năm trở lại đây cho thấy sự quan tâm đặc biệt của nhiều người đến hành thiền. Tuy nhiên, vẫn còn những ý kiến chưa chính xác về thiền phổ biến trong cộng đồng. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Phó giáo sư, tiến sĩ Neal Newfield và Thạc sĩ Tâm lý lâm sàng Võ Thị Minh Huệ để làm rõ một số hiểu lầm này.
 
* Có phải thiền là kiểm soát tâm trí để không suy nghĩ về bất cứ điều gì?
 
– Th.S Võ Thị Minh Huệ: Thiền là quan sát một đối tượng, có thể là hơi thở, cảm nhận cơ thể, hình ảnh, suy nghĩ, cảm xúc của mình… không để cho những đối tượng khác ảnh hưởng, tác động tới tâm trí bạn. Nhờ hành thiền, khả năng tập trung của bạn sẽ tăng, làm việc hiệu quả hơn. Tâm trí sẽ được nghỉ ngơi thư giãn, cơ thể sẽ khỏe mạnh, tinh thần tỉnh táo. Bạn quản lý cảm xúc tốt nên giảm hành vi cáu gắt, nóng nảy, tiêu cực.
 
Thiền, không phải để đầu óc trống rỗng, mà là tập trung vào những suy nghĩ một cách chủ động.
 
– T.S Neal Newfield: Thiền không phải là dừng suy nghĩ, điều vốn chỉ có khi bạn chết đi. Thiền là huấn luyện tâm trí để nó ngồi xuống, ở yên và nhẹ nhàng kéo nó lại mỗi khi nó lang thang. Mỗi lần bạn chú ý sự lang thang ấy và gọi mời nó trở lại một cách tử tế, dịu dàng thì là bạn đã thành công.
 
Thiền: những điều tưởng vậy mà không phải vậy! - ảnh 1

T.S Neal Newfield (đầu tiên) hướng dẫn người tham gia thực hành thiền đi trong hội thảo “Thực hành phương pháp tập trung “Mindfulness” (tạm dịch: Chánh niệm)  Đặng Thị Đông

 

*Thiền có gắn với tôn giáo?
 
– Th.S Võ Thị Minh Huệ: Thiền là trở về chính mình, hiểu mình, làm chủ được cảm xúc, tỉnh táo trong suy nghĩ, chủ động mọi hành vi. Thiền không phải là niềm tin tôn giáo.
 
– T.S Neal Newfield: Thực hành thiền thì không theo trường phái nào. Không có hệ thống niềm tin gắn liền với nó, không dựa trên đức tin nào cả. Ta chỉ đang học cách chú ý mà thôi.
 
* Đỉnh cao của thiền là không còn vương vấn những thứ trần tục?
 
– Th.S Võ Thị Minh Huệ: Nhiều người nghĩ hành thiền là buông bỏ, không còn có mục tiêu và phấn đấu cho cuộc sống. Họ sợ hành thiền khiến họ không còn khả năng suy nghĩ nhiều, thờ ơ, lãnh cảm. Nhưng thực tế, khi ta biết quan sát đối tượng, tập trung hiện tượng mà không phán xét, sẽ trở nên nhạy cảm và sâu sắc hơn.
 
– T.S Neal Newfield: Hãy nghĩ về nó như một loại bài tập thể dục cho tâm trí, để phát triển thế mạnh sẵn có, sự tập trung, và khả năng ổn định.
 
* Thiền chỉ phù hợp với người trưởng thành?
 
– Th.S Võ Thị Minh Huệ: Trong cuộc sống chúng ta đều từng thực hành thiền, chỉ là chúng ta không biết và gọi tên những cảm giác đó. Bản thân mỗi đứa trẻ sinh ra đã có khả năng quan sát, đã không phán xét. Vì thế, thiền không phải chỉ dành cho người lớn, mà trẻ em cũng có thể thực hành thiền. Khi chúng tôi hướng dẫn yoga và thiền cho trẻ, các em rất thích và hợp tác tốt.
 
* Nhiều người cho rằng thiền là phải ngồi đúng tư thế hoa sen…
 
– Th.S Võ Thị Minh Huệ: Thiền không phải chỉ là ngồi tư thế hoa sen và im lặng. Thiền là sự tập trung thư giãn tâm trí, vì thế không quan trọng tư thế khi bạn thiền. Điều quan trọng là bạn kéo dài thời gian quan sát và tập trung vào việc bạn muốn. Bạn có thể thiền đi, chánh niệm trong từng bước chân. Thiền nằm là khi nằm thả lỏng và quan sát cơ thể mình. Thiền ăn là khi tập trung vào thức ăn mà không bị sao nhãng.

Thiền: những điều tưởng vậy mà không phải vậy! - ảnh 2

Th.S Võ Thị Minh Huệ: “Thiền không phân biệt tuổi tác, giới tính”  NVCC

 

* Thiền được ứng dụng như thế nào trong trị liệu tâm lý?
 
– Th.S Võ Thị Minh Huệ: Trị liệu tâm lý kết hợp với chánh niệm – sự chú tâm đến những gì đang xảy ra trong giây phút hiện tại, một cách vô tư, không phê phán hoặc so sánh – là phương pháp đã phổ biến ở Mỹ và các nước khác. Ở Việt Nam, phương pháp này chưa phổ biến vì rất ít tâm lý gia hành thiền và ứng dụng trong trị liệu.
 
– T.S Neal Newfield: Chánh niệm trở thành một phần của liệu pháp tiếp nhận và cam kết, liệu pháp hành vi biện chứng. Thiền được đề xuất trong điều trị lạm dụng chất gây nghiện, hội chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn, rối loạn lo âu, tức giận, trầm cảm và nhiều rối loạn khác.
 
* Những lưu ý khi thiền?
 
– Th.S Võ Thị Minh Huệ: Thiền tốt cho sức khỏe cơ thể và tâm trí, nhưng cần tìm cho mình phương pháp thực hành phù hợp. Nhất là cần người có kinh nghiệm hướng dẫn.
 
– T.S Neal Newfield: Khi thiền, đừng để bản thân đói vì điều đó khiến bạn tập trung vào cơn đói thay vì hành thiền. Cũng không nên ăn quá no vì khiến bạn buồn ngủ. Ăn một cách khiêm tốn và chăm sóc cơ thể mình. Cơ thể lành mạnh là một phần để tâm trí chuẩn bị tốt cho hành thiền.
 
Thạc sĩ Tâm lý lâm sàng Võ Thị Minh Huệ là Huấn luyện viên Yoga và Thiền, nhà sáng lập Trung tâm yoga và thiền Tâm Lý Trẻ. Cô có nhiều năm kinh nghiệm sử dụng yoga và thiền trong trị liệu tâm lý cho người lớn và trẻ em.
 
Phó giáo sư, Tiến sĩ Công tác xã hội Neal Newfield đang công tác tại Đại học West Virginia (Mỹ). Ông chuyên giảng dạy các khóa học về trị liệu cá nhân. Ông là thành viên lâm sàng, giám sát viên của Hiệp hội Hôn nhân và Gia đình Mỹ, giám sát viên Trung tâm Quin Curtis chuyên Đào tạo, Dịch vụ và Nghiên cứu Tâm lý của Đại học West Virginia. Các ấn phẩm đã xuất bản của ông bao quát từ nghiên cứu đến thực hành.
 
 
TẠ BAN