29/12/2024

Chúa Nhật XXX TN C 2019: Chiến đấu khi cầu nguyện

Khi cầu nguyện, chúng ta phải chiến đấu với rất nhiều người và có khi với cả một xã hội có quan niệm sai lầm về cầu nguyện.Chúng ta còn phải chiến đấu với chính mình để chống lại tình trạng chia trí, thiếu tỉnh thức, nguội lạnh.

 

Chúa Nhật XXX TN C 2019

Chiến đấu khi cầu nguyện

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn

 

Lời mở

Các bài Thánh Kinh tuần này mời gọi chúng ta cầu nguyện. Chúng ta đã biết, cầu nguyện được định nghĩa như một cuộc nói chuyện thân tình với Chúa (x. Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 2709), nhưng thánh Phaolô hôm nay lại báo cho chúng ta biết cầu nguyện là một cuộc chiến đấu trường kỳ. Ngài nói trong lời trăn trối với Timôthê: “Tôi đã chiến đấu trong trận chiến cao đẹp, đã chạy hết chặn đường và giữ vững nềm tin. Giờ đây, tôi chỉ còn chờ đợi vòng hoa dành cho người công chính” (2 Tm 4,7-8).

Qua sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo từ số 2725 – 2733, Giáo Hội dạy chúng ta biết phải chiến đấu khi cầu nguyện. Vì thế, trong ít phút này, chúng ta hãy cùng tìm hiểu cuộc chiến đấu diễn ra như thế nào.

1. Chiến đấu với con người

Khi cầu nguyện, chúng ta phải chiến đấu với rất nhiều người và có khi với cả một xã hội có quan niệm sai lầm về cầu nguyện. Ngày nay nhiều người sống thực dụng, đo lường hiệu quả của đời sống qua những kiến thức họ nhận được, qua những công việc họ hoàn thành, qua những kết quả cụ thể như danh vọng, địa vị, tiền bạc, của cải họ có.

Nếu tính chung giờ cầu nguyện: mỗi ngày dâng lễ mất một tiếng, lần hạt vài chục phút, các giờ kinh sáng, kinh sách, kinh trưa, kinh chiều, kinh tối, đàng thánh giá và các giờ cầu nguyện riêng tư… trung bình linh mục và tu sĩ cầu nguyện mỗi ngày khoảng 3 giờ.

Nếu dùng 3 giờ đó để đọc sách, học hành, ta có thể thu được nhiều kiến thức, trong khi cầu nguyện, dự lễ chỉ có ít tư tưởng, cử chỉ lặp đi lặp lại mà không thấy hiệu quả mới mẻ nào. Nếu dùng 3 giờ đó lao động, ta có thể làm được khá nhiều việc cho mình và cho người khác. Nếu dùng thời giờ đó để nghỉ ngơi, xem phim, nghe nhạc, ta sẽ cảm thấy khoẻ khắn, thoải mái, thích thú. Hơn nữa, nhiều người còn nghĩ rằng trong một xã hội đầy những người nghèo đói, khốn khổ, bệnh tật, hãy dành những giờ đó để phục vụ những người khốn cùng thì tốt hơn là ngồi không cầu nguyện. Ngay cả những người nghèo, thay vì cầu nguyện rồi ngửa tay xin trợ giúp, họ hãy chịu khó lao động thì sẽ kiếm được phương tiện nuôi sống chính mình. Có người còn chê trách những người cầu nguyện là chạy trốn thực tại, xa rời xã hội mình đang sống để ẩn mình vào Thiên Chúa.

Bài đọc I (x. Hc 35,12-18), sách Huấn ca nhắc nhở chúng ta: Thiên Chúa lắng nghe lời cầu nguyện của những người nghèo khổ, mồ côi, goá bụa, đang bị áp bức. Ngài sẽ chấp nhận lời họ kêu xin.

Vì thế, ta hãy dành thời giờ để cầu nguyện với Chúa, ta sẽ thấy Ngài hướng dẫn đời ta. Ngài là nguồn của sự thật nên khi cầu nguyện Ngài soi sáng cho ta những hiểu biết còn hiệu quả hơn nhiều lần những giờ học hành, suy nghĩ. Qua 71 năm sống, tôi xin thú thực rằng tất cả những cuốn sách tôi viết, tư tưởng tôi có, đều bắt nguồn từ những giờ cầu nguyện. Ngài là nguồn hạnh phúc nên trong lúc cầu nguyện ta tìm tược niềm vui, thư giãn và phục hồi sức khoẻ hơn nhiều lần so với những giờ giải trí, nghe nhạc, xem phim.

Chúng tôi muốn nói cho con người thực dụng của thời nay rằng: những giờ cầu nguyện là hết sức cần thiết trong cuộc sống nếu ta muốn sống dối dào, cao thượng, hạnh phúc và phi thường. Dành một vài giờ cầu nguyện chúng ta không thiệt thòi gì mà còn được Chúa ban cho ta sự sống kỳ diệu, tình yêu trong sáng, hạnh phúc vô biên và sự giàu sang vô tận của Ngài.

2. Chiến đấu với chính mình

Khi cầu nguyện, chúng ta còn phải chiến đấu với chính mình để chống lại tình trạng chia trí, thiếu tỉnh thức, nguội lạnh.

Trước hết chia trí là tình trạng thường xuyên xảy ra khi ta cầu nguyện. Rất nhiều khi chúng ta cầu nguyện ở nhà thờ hay trong gia đình, tâm trí ta đầy những hình ảnh, sự kiện, công việc phải làm, phải nghĩ và chúng kéo ta thoát ra khỏi sự thân mật với Chúa. Vì thể, chia trí có thể bắt nguồn từ chính ta khi chỉ quan tâm đến chuyện của mình mà không nói chuyện với Chúa. Chia trí cũng có thể là do ma quỷ tác động vào tinh thần của ta để lôi ta thoát ra khỏi câu chuyện với Chúa hoặc có thể là do Chúa muốn soi sáng cho ta một điều gì đó khi ta cầu nguyện với Ngài.

Do đó, để thoát khỏi tình trạng chia trí, ta trình bày với Chúa về những điều ta đang bận tâm vì đó cũng là nội dung của lời cầu nguyện. Ta nói với Chúa: “Lạy Chúa, con đang nghĩ đến công việc phải làm, đến người bạn đau bệnh, con phải làm gì? Đó có phải là do Chúa soi sáng cho con không?”. Nếu chia trí là do ta hay ma quỷ, tâm trí ta sẽ tìm lại được sự tập trung vào Chúa.  

Điểm thứ hai là tình trạng thiếu tỉnh thức. Đây là cuộc chiến chống lại “cái tôi” thích chiếm hữu và thống trị của ta khi cầu nguyện (x. GLHTCG, số 2730). Chúng ta quên mất sự hiện diện của Chúa khi Ngài đang ở rất gần mình. Đầu óc ta mê muội nên chỉ nghĩ đến công việc của mình, đến tình trạng hạnh phúc hay đau khổ của mình. Chúng ta quên mất cầu nguyện là dịp nói chuyện thân mật với Chúa đang ở bên ta như một người bạn, một người yêu, một vị Chúa của lòng ta.

Đó là thái độ của người Pharisêu trong dụ ngôn Tin Mừng (x. Lc 18,9-14): ông chỉ nghĩ đến tình trạng của mình: “Lạy Chúa, con tạ ơn Chúa vì con không giống như những người khác: tham lam, bất công, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, đóng góp 1 phần 10 thu nhập của con”…. Ông kể những điều rất thật trong cuộc sống. Không phải ông tự mãn, nhưng điều quan trọng là ông thiếu tỉnh thức, quên đi Thiên Chúa đang hiện diện ở bên ông. Còn người thu thuế, hiểu rõ tình trạng tội lỗi của mình và cũng biết là Chúa đang ở bên mình nên dù đứng cuối đền thờ, ông vẫn nói: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”. Ông biết Chúa đang hiểu rõ đời ông, nên không cần kể lể, van xin. Chính vì thế ông được nên công chính trước mặt Chúa. Quả thật, khi cầu nguyện chúng ta rất dễ đánh mất sự tỉnh thức này. Vì thế Đức Giêsu nhắc nhở ta; “Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện để khỏi lâm vào cơn cám dỗ” (Mt 26,41).

Thái độ thứ ba đó là sự khô khan, nguội lạnh. Có những thời điểm ta cảm thấy mình cầu nguyện rất sốt sắng, nhưng có những lúc ta lại thấy nhạt nhẽo và chẳng nhận được ơn an ủi nào. Giờ cầu nguyện trở thành nặng nề, mệt mỏi, khiến ta nản chí, phiền muộn và ta không muốn cầu nguyện nữa. Đó là giai đoạn Chúa muốn thử thách ta để ta trưởng thành và kiên trì trong cầu nguyện. Không phải mỗi lần cầu nguyện là ta được Chúa ban cho một ơn lành nào đó giống như viên kẹo thưởng cho đứa nhỏ mỗi khi nó vâng lời hay làm theo ý mẹ cha. Chúng ta không phải là đứa con nít!

Trong cầu nguyện, chúng ta trở thành chiến sĩ để chiến đấu trong cuộc chiến chính nghĩa với Chúa Giêsu. Thánh Phaolô đã cảm nghiệm được điều đó. Trong cuộc sống ngài đã chịu bao gian nan, khốn khổ. Ngài cầu nguyện rất nhiều “nhưng không biết cầu nguyện thế nào cho phải” (Rm 8,26). Chúa không ban những ơn theo ý ngài xin, vì Chúa muốn cho ngài kiên trì cầu nguyện, không phải bằng sự cố gắng của riêng mình, nhưng nhờ “chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta bằng những tiếng rên siết khôn tả” (Rm 8,26).

Chúng ta cần kiên trì cầu nguyện, giống như bà goá trong Phúc Âm tuần trước. Chúng ta cũng cần trợ giúp nhau kiên trì cầu nguyện như Môsê đã được hai người bạn nâng đỡ cánh tay mình. Có thế, ta mới nhận được triều thiên vinh quang mà Chúa dành cho ta vào phút cuối đường đời. Còn những ơn lành cần thiết Chúa sẽ ban cho ta, vì Ngài là người cha rất nhân từ.

Lời kết

Hôm nay, tìm hiểu về cuộc chiến đấu khi cầu nguyện, chúng ta hãy bắt chước Chúa Giêsu cầu nguyện trong Bữa Tiệc Ly (x. Ga 17) cũng như trong vườn Cây Dầu: cầu nguyện trong tinh thần khiêm tốn, tỉnh thức và kiên trì trong tình yêu (x. GLHTCG, số 2742-2746).