24/01/2025

Chúa Nhật XXIX TN C 2019: Truyền giáo cho người thời nay

Chỉ có những giá trị của “sự thật và sự sống, của ân sủng và thánh thiện, của công bằng, tình yêu và hoà bình” mới có thể thuyết phục con người thời nay tin theo Chúa Giêsu Kitô.

 

Chúa Nhật XXIX TN C 2019

Truyền giáo cho người thời nay

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Hôm nay là ngày Thế giới Truyền giáo và chúng ta đang ở trong tháng truyền giáo ngoại thường được ĐTC Phanxicô cổ vũ nhân dịp kỷ niệm 100 năm tông thư Maximum Illud của Đức Giáo hoàng Bênêđictô XV để mời gọi mỗi người tín hữu chúng ta suy nghĩ về sứ mạng loan báo Tin Mừng của mình cho thế giới ngày nay, đặc biệt cho dân tộc Việt Nam chúng ta.

1. Loan báo Tin Mừng cho người thời xưa

Có thể nói Giáo hội Việt Nam suy nghĩ rất nhiều về sứ mạng loan báo Tin Mừng, nhất là những người có trách nhiệm như giám mục, linh mục cũng như các tu sĩ và giáo dân, bởi vì hiện trạng của đất nước làm cho chúng ta bức xúc.

Từ 1885 đến nay, nghĩa là qua 134 năm, tỷ lệ dân số Công giáo Việt Nam không tăng được 1% mà còn giảm đi một chút. Vào năm 1885, chúng ta có 8% dân số Công giáo, bây giờ chúng ta còn 7% dân số Công giáo. Đó là chưa kể trong vòng chỉ 45 năm (1840-1885), chúng ta có rất nhiều người Công giáo bị giết hại trong thời vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức nên tỷ lệ giảm từ 12% xuống còn 8%.

Thời đó, dù bị bách hại dữ dội, biết mình theo đạo là có thể bị giết chết, bị cướp bóc,  bị bắt làm nô lệ theo quy định “phân sáp” của vua, nhưng người Việt Nam vẫn tin theo Đức Giêsu bởi vì thấy người có đạo sống khoẻ mạnh, hạnh phúc và xứng đáng với con người.

Đất nước ta theo chế độ quân chủ suốt từ năm 938 khi Ngô Quyền đại thắng quân Nam Hán tại sông Bạch Đằng cho đến năm 1945 với triều vua cuối cùng là Bảo Đại. Sống trong chế độ quân chủ chuyên chế, vua là thiên tử, là “con Trời” có toàn quyền sinh sát trong tay. Vua bắt thần dân chết mà thần dân không chết là bất trung: “quân xử thần tử, thần bất tử bất trung”. Ngoài xã hội nam nữ không bình đẳng: người con trai được coi trọng, còn con gái kể như không vì “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”. Trong gia đình, người đàn ông có thể lấy 5 thê 7 thiếp, trong khi người đàn bà được gọi là chính chuyên chỉ có 1 chồng, nên việc ghen tuông giữa các bà vợ, ganh ghét giữa các con cái đã làm cho gia đình không có hạnh phúc. Dân chúng không biết đến khoa học kỹ thuật: cả làng có vài ba cái ao, tất cả đều tắm rửa, ăn uống từ những cái ao đó, nên có thể nói trẻ con cứ 10 đứa thì 7 đứa chết yểu; rất nhiều người lớn bị bệnh toét mắt, ghẻ lở, tiêu hoá.

Trong khi những người theo đạo Công giáo được dạy về cách sống theo khoa học: mỗi nhà có lu nước đổ than-cát-sỏi vào đó để lọc nước cho sạch mới dùng,  phải đun sôi để nguội mới uống nên ai cũng khoẻ mạnh, đẹp đẽ. Cả làng chỉ có vài ba người đi học chữ Hán, trong khi người Công giáo – nam hay nữ – đều biết đọc biết viết, trước là chữ Hán, chữ Nôm, sau là chữ Quốc ngữ do các cha dòng Tên  phát minh trong khoảng năm 1615-1665 nhờ đọc kinh sách hằng ngày. Nhờ được dạy dỗ nên tín hữu hiểu được rằng người dân mới thật sự là chủ đất nước. Ý niệm dân chủ này khiến cho chế độ quân chủ chuyên chế không bằng lòng, và muốn tiêu diệt những người theo đạo Công giáo. Hơn nữa, Chúa Giêsu là thiên tử, là con Trời, mà còn hy sinh chịu chết để đền tội thay cho tất cả, thì người tín hữu cũng sẵn sàng làm chứng cho tình yêu bằng cái chết của mình.

Đạo Công giáo lúc đó không có nhà thờ, trường học, đoàn hội, và các phương tiện vật chất cũng như tinh thần như bây giờ. Mỗi người chỉ biết sống gắn bó với Chúa Giêsu, làm chứng cho Tin Mừng, cầu nguyện bằng cách lần hạt Mân Côi để nói lên tình yêu chân thành đối với mọi người mọi vật. Người lương dân chỉ cần nhìn vào cộng đồng tín hữu và những gia đình Công giáo là thấy ngay những giá trị nhân bản sâu xa như “sự thật, sự sống, tình yêu, công bằng, bình an” qua những con người khoẻ mạnh, xinh đẹp, giỏi giang, qua những gia đình hạnh phúc vì chỉ có một vợ một chồng. và những xứ đạo giàu có vì biết nâng đỡ nhau trong hoàn cảnh khó khăn, cấm cách. Đó là cách truyền giáo mà cha ông chúng ta đã thực hiện trong thời của các ngài.

2. Loan báo Tin Mừng cho người thời nay

Chúng ta tự hỏi, tại sao qua 134 năm chúng ta không tăng được 1% dân số Công giáo? Có phải vì chúng ta đang nghĩ rằng truyền giáo là phải xây nhiều nhà thờ,  trường học, lo kiếm đất để lập xứ đạo, lo mua sẵn cả những căn hộ trong các toà nhà chúng cư để làm nơi đọc kinh thờ phượng Chúa không? Có phải là hô hào lập được nhiều đoàn thể Công giáo Tiến hành, tham dự những khoá học Kinh Thánh để giải thích Tin Mừng cho người lương dân không? Có phải là tổ chức những đoàn đến những vùng sâu, vùng xa phát quà, phát gạo, chữa bệnh cho người nghèo không? Có phải là tổ chức những đoàn hành hương vừa đi chơi vừa cầu nguyện để thấy đạo là nguồn vui cho những người giàu không? Đâu là những giá trị của nền văn hoá Công giáo khi chúng ta thực hiện những hoạt động đó?

Người thời nay cũng đang rất cần những giá trị của Nước Trời như thời cha ông chúng ta nhưng chúng ta đang loan báo những giá trị cũa Tin Mừng như thế nào? Chúng ta cần trình bày sự thật về Thiên Chúa, về con người về vạn vật qua những khoa học tự nhiên cũng như siêu nhiên. Chúng ta cần minh chứng sự sống qua cách sống hào hùng, cao thượng, khoẻ mạnh, xinh đẹp và tràn đầy ân sủng của Thánh Thần. Chúng ta cần biểu lộ tình yêu trong sáng, quảng đại đến độ tha thứ cho cả những kẻ giết chết mình. Chúng ta cần giữ sự công bằng bằng cách chỉ buôn bán hàng tốt, hàng thật, sẵn sàng cộng tác với nhau, truyền nghề cho nhau để cho mọi người đều ấm no, hạnh phúc…

Nói như vậy, để chúng ta biết rằng việc loan báo Tin Mừng hôm nay giống như một cuộc chiến chống lại những thế lực của bóng tối, của ma quỷ, của thế giới vô thần đang hô hào hưởng thụ vật chất, nên đòi hỏi trước tiên là chúng ta phải cầu nguyện rất nhiều. Chúng ta giống như dân Do Thái phải liên kết với nhau: ông Giosuê cùng đoàn quân ra trận để chiến đấu như một số linh mục, tu sĩ giáo dân đi loan báo Tin Mừng, những nếu không có những Moisê, Aharon và Khua giang tay cầu nguyện cho Giosuê thì công việc truyền giáo không thể nào có kết quả tốt đẹp (x. Xh 17, 8-13). Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng (x. Lc 18,1-8) cũng “dạy chúng ta phải cầu nguyện luôn, không được nản chí”.

Hơn nữa, chúng ta cần loan báo Lời Chúa như thánh Phaolô nhắc nhở hôm nay (x. 2 Tm 3,14-4,2) “Hãy loan báo Lời Chúa, hãy lên tiếng, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện”. Loan báo lời Chúa không phải chỉ là việc chúng ta học hỏi và giải thích một số lời Kinh Thánh. Lời Chúa không phải là con chữ, nhưng là Ngôi Lời Thiên Chúa đã làm người, là chính Chúa Giêsu sống động trong cuộc đời của mỗi người chúng ta. Khi ta gắn bó với Người, như ĐTC Phanxicô nhắc nhở, thì Người chuyển thông cho ta sức mạnh, tình yêu và cả quyền năng của Người để ta có thể loan báo Tin Mừng một cách hiệu quả qua đời sống tốt đẹp, qua các ân sủng của Thánh Thần để ta lại tiếp tục chữa lành bệnh nhân, xua trừ ma quỷ, tha thứ tội lỗi, thậm chí làm cho kẻ chết sống lại như Người để làm chứng cho Tin Mừng.

Chỉ có những chứng nhân như vậy mới có thể chuyển hoá được xã hội hôm nay đang rất cần người Công giáo biến đổi một lần nữa. Người Công giáo đã biến đổi một xã hội quân chủ chuyên chế, đa thê, bất bình đẳng nam nữ, ngu dốt lạc hậu, dùng chữ Hán chữ Nôm thành một xã hội dân chủ, bình đẳng nam nữ, hôn nhân một vợ một chồng, biết đến khoa học, biết chữ quốc ngữ như hiện nay. Nhưng ta đừng tự mãn trong việc chuyển hoá thành công xã hội thời xưa, mà chúng ta phải bắt đầu một giai đoạn mới, như ĐTC Phanxicô nhắc nhở trong tông thư truyền giáo ngày 15/8/2019 “Được rửa tội và được sai đi”, để giới thiệu những giá trị của nền văn hoá Công giáo.

Lời kết

Chỉ có những giá trị của “sự thật và sự sống, của ân sủng và thánh thiện, của công bằng, tình yêu và hoà bình” (x. Kinh Tiền tụng lễ Chúa Giêsu, Vua vũ trụ) mới có thể thuyết phục con người hôm nay tin theo Chúa Giêsu.