Thứ Sáu, 18.10.2019 – Ở lại hay ra đi
“Các con hãy đi.” (Lc 10,3)
Tuần XXVIII Mùa Thường Niên
Thánh Luca, tác giả Tin Mừng
2Tm 4,9-17b • Tv 144 • Lc 10,1-9
Lời Chúa
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa chọn thêm bảy mươi hai người nữa và sai các ông cứ từng hai người đi trước Người đến các thành và các nơi mà chính Người sẽ tới. Người bảo các ông rằng: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít; vậy các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đến gặt lúa của Người. Các con hãy đi. Này Ta sai các con như con chiên ở giữa sói rừng. Các con đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép, và đừng chào hỏi ai dọc đường.
“Vào nhà nào, trước tiên các con hãy nói: ‘Bình an cho nhà này’. Nếu ở đấy có con cái sự bình an, thì sự bình an của các con sẽ đến trên người ấy. Bằng không, sự bình an lại trở về với các con. Các con ở lại trong nhà đó, ăn uống những thứ họ có, vì thợ đáng được trả công. Các con đừng đi nhà này sang nhà nọ. Khi vào thành nào mà người ta tiếp các con, các con hãy ăn những thức người ta dọn cho. Hãy chữa các bệnh nhân trong thành và nói với họ rằng: Nước Thiên Chúa đã đến gần các ngươi”.
Nguồn: thanhlinh.net
Nghe suy niệm Lời Chúa
Nguồn: chanlyviet.net – Đài Chân Lý Á Châu
Sống Lời Chúa: Ở lại hay ra đi
“Các con hãy đi.” (Lc 10,3)
Hôm nay Giáo Hội mừng kính Thánh Luca tác giả của sách Tin Mừng. Những lời Phúc Âm chúng ta nghe hôm nay cũng do chính Thánh Luca viết, và Giáo Hội đã chọn để mừng kính ngài.
“Hãy ra đi” và “hãy ở lại” là hai mệnh lệnh mà Chúa Giêsu ưa dùng. Trong Tin Mừng Gioan có lẽ từ “hãy ở lại” trong Chúa là từ được dùng nhiều nhất. Những từ ngữ này làm nên căn tính của người môn đệ, vì nó tóm lại hai hoạt động chính của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu luôn ở lại trong Chúa Cha và Người cũng ra đi đến với con người. Giáo Hội có ý nói Thánh Luca là người biết ở lại với Chúa, để rồi được sai đi; một cách cụ thể, ngài đã cảm nghiệm về Chúa, để tập lắng nghe tiếng Chúa, để rồi viết ra Tin Mừng cho Giáo Hội. Hai hoạt động ở lại và ra đi, tuy ngược nhau nhưng lại chỉ là một hoạt động; cũng như việc cây hút chất từ đất và cho lại đời hoa trái, chỉ là một hoạt động của cây vậy.
Nếu hai động từ “ở lại” và “ra đi” đã nói lên điều quan trọng nơi các tông đồ, thì chúng cũng có mang nghĩa rất tiêu cực, điều này tuỳ thuộc vào đối tượng đi theo sau hai động từ này.
Quả vậy, nếu ở lại với tội, với cái cũ kỹ, cái an toàn, ở lại trong tháp ngà thì hoàn toàn không nên, nhưng hãy học nơi Abraham biết từ bỏ cả quê hương xứ sở để lên đường, để ra đi. Cũng vậy, có khi ra đi lại là điều xấu, ví dụ như: việc ra đi khỏi Thiên Chúa, như các thiên thần phải rời cõi trời, Ađam và Eva buộc rời khỏi vườn địa đàng, người con thứ ra đi khỏi nhà, Giuđa rời khỏi bữa tiệc, hai môn đệ trên đường Emmau không ở lại với nhóm.
Hiểu như thế ra đi hay ở lại chỉ có ý nghĩa thật sự khi lấy Chúa làm điểm quy chiếu: ở lại là ở lại với Chúa và ra đi là đi đến với Chúa và đem Chúa đến cho người khác; và cũng cần ra khỏi chính mình để ở lại với Chúa.
Lm. Giuse Vũ Uyên Thi, Sj
Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết sống các chiều kích ở lại và ra đi, và dù có ở lại hay ra đi, xin cho chúng con qui hướng về Chúa
Nguồn: Sống Lời Chúa – Bayard Việt Nam