31/12/2024

Ngày Hang Toại đạo Roma: “Cuộc sống sau cái chết”

“Cuộc sống sau cái chết” là đề tài cho lần tổ chức thứ hai “Ngày Hang Toại Đạo”, ngày 12 tháng 10 tới đây. Qua khảo cổ học, các Hang Toại Đạo cho thấy kinh nghiệm Kitô giáo không chỉ về sự hiện hữu sau cái chết mà còn đi xa hơn nữa, đó là con người được tái tạo trong một chiều kích mới.

 Ngày Hang Toại đạo Roma: “Cuộc sống sau cái chết”

 

 

 

“Cuộc sống sau cái chết” là đề tài cho lần tổ chức thứ hai “Ngày Hang Toại Đạo”, ngày 12 tháng 10 tới đây. Qua khảo cổ học, các Hang Toại Đạo cho thấy kinh nghiệm Kitô giáo không chỉ về sự hiện hữu sau cái chết mà còn đi xa hơn nữa, đó là con người được tái tạo trong một chiều kích mới.

Ngày Hang Toại đạo


Lần tổ chức đầu tiên đã mang lại nhiều kết quả tốt đẹp: hàng ngàn du khách và tín hữu hành hương tham gia sự kiện đặc biệt này. Với lần thứ hai này, các nhà tổ chức cho biết một hành trình sẽ được đề xuất cho những ai tham dự: qua các con số và nhiều bằng chứng khảo cổ học về Hang Toại Đạo, người ta có thể nắm bắt được một chiều kích thiết yếu kinh nghiệm Kitô giáo về sự hiện hữu, nó không chỉ dừng lại sau cái chết mà còn đi xa hơn, được tái tạo trong một chiều kích mới, được Chúa Kitô mạc khải.

Do bối cảnh văn hoá ngày nay làm cho cái nhìn về chân trời tương lai dường như không chắc chắn hoặc thậm chí vắng mặt; trong đó vấn đề hiện hữu sau cái chết dường như bị lãng quên. Thăm Hang Toại Đạo, với một ngôn ngữ đặc biệt, du khách sẽ có những suy tư rất khác nhau. Người viếng thăm sẽ khám phá ra rằng ở một nơi rõ ràng cái chết đang thống trị nhưng sự sống vẫn không bị cản trở. Tất cả các dấu hiệu mà các Kitô hữu của các thế hệ đầu tiên để lại chứng tỏ điều này. Từ các nét chữ đến các biểu tượng được khắc trên tường đều nói về sự sống lại, về sự giải thoát đàng sau cái chết, về sự chữa lành. Những hình ảnh đại diện cho hoàn cảnh nghịch lý, nhưng biểu lộ sự thanh thản và hạnh phúc, những bữa tiệc và giây phút hạnh phúc của cá nhân cũng như của gia đình và cộng đoàn. Ngay cả những cảnh, thường được lấy từ các sách của Cựu Ước và Tân Ước nói về bạo lực, đau khổ và bắt bớ đều dẫn đến kết quả hạnh phúc, giải thoát và cứu rỗi.

Có một đề nghị đặc biệt mà các nhà tổ chức muốn gửi đến du khách, đó là câu chuyện của Giôna, đây cũng là “biểu tượng” cho Ngày Hang Toại Đạo lần này. Giôna chính là hình ảnh, “khuôn mặt” của Chúa Kitô Phục Sinh. Chính Ngài là “cánh cửa” cho chúng ta bước vào thế giới của Thiên Chúa, thế giới mới bình an và hạnh phúc. Vì thế, trong lần tổ chức đầu tiên, các nhà tổ chức muốn “đưa ra ánh sáng” một di sản vô giá cả về đức tin lẫn văn hoá; nhưng với lần tổ chức lần hai này, các nhà tổ chức muốn đề xuất với du khách mở lại chân trời tương lai, để những chứng nhân của thế hệ Kitô giáo đầu tiên khích lệ chúng ta biết nhìn xa hơn, sau cái chết có sự hiện hữu.

Nhân dịp này, các Hang Toại Đạo sẽ được mở cửa tự do cho các tín hữu và du khách viếng thăm (cần đăng ký trước tại: [email protected]). Bên cạnh đó còn có các buổi hòa nhạc ở các vương cung thánh đường và nhà thờ ở Roma. Các hoạt động chính của sự kiện sẽ được tổ chức tại Hang Toại Đạo Thánh Marcellinô và Phêrô trên đường Casilina. (CSR_5810_2019)
 
 

Ngọc Yến