Cảnh giác mỡ nội tạng cao
Mỡ nội tạng quá cao được coi là nguyên nhân trực tiếp làm tăng lượng mỡ trong máu, dẫn đến nguy cơ mắc bệnh như mỡ máu, đái tháo đường, tim mạch…
Cảnh giác mỡ nội tạng cao
Mỡ nội tạng quá cao được coi là nguyên nhân trực tiếp làm tăng lượng mỡ trong máu, dẫn đến nguy cơ mắc bệnh như mỡ máu, đái tháo đường, tim mạch…
Mỡ nội tạng là thứ không nhìn thấy được như mỡ dưới da nên một người nhìn bề ngoài có vẻ không mập vẫn chứa lượng mỡ nội tạng cao.
Không thể đánh giá qua vẻ bề ngoài
TS Trần Quốc Cường (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM) cho biết trung tâm từng tiếp nhận nhiều trường hợp đến khám với vẻ bề ngoài khá cân đối, chỉ số khối cơ thể nằm trong giới hạn cho phép nhưng lượng mỡ nội tạng lại cao, còn lượng cơ và lượng khoáng chất thì thấp.
Mới đây, chị N.T.P.L. (31 tuổi, ngụ quận 1) bất ngờ khi thân hình nhìn bề ngoài khá cân đối nhưng lại “chứa” một lượng mỡ nội tạng vượt mức trung bình khuyến cáo qua lần khám sức khỏe định kỳ. Các bác sĩ khuyến cáo chị L. nên tăng cường vận động, chú ý chế độ dinh dưỡng mỗi ngày…
Theo TS Cường, từ trước đến nay, mọi người đánh giá cơ thể mập hay ốm thường dựa vào cân nặng và nhìn qua vẻ bề ngoài. Tuy nhiên, đánh giá này chỉ mang tính chất tương đối. Chẳng hạn, người thừa cân – béo phì không hẳn là dư cân mà thực chất là dư lượng mỡ nội tạng và lượng mỡ cơ thể.
“Chỉ quan tâm đến cân nặng thì chưa đủ. Chúng ta cần quan tâm đến lượng mỡ phân bố nhiều ở đâu. Có người lượng mỡ tích tụ nhiều ở bụng, nhưng cũng có người thì ở đùi. Trong trường hợp mỡ tích tụ nhiều ở bụng thì không tốt vì lúc này mỡ nội tạng thường có xu hướng cao” - TS Cường nói.
ThS Trương Nhật Khuê Tường (Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM) cho biết mỡ nội tạng vốn dĩ đã có trong cơ thể. Chúng có vai trò quan trọng trong việc dự trữ năng lượng và bảo vệ các cơ quan nội tạng. Mỡ nội tạng quá nhiều hay quá ít đều gây hại cho sức khỏe.
“Những người có mức mỡ nội tạng cao thường có xu hướng bụng to. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng như thế. Bởi lẽ nhìn nhận bằng mắt thường thì khó chính xác vì đôi khi người có vẻ mập thì có khối cơ lớn chứ không nhất thiết là mỡ. Người gầy chưa chắc đã có khối mỡ lý tưởng” – ThS Tường nhận định.
Căn nguyên nhiều bệnh nguy hiểm
ThS Tường cho hay việc chúng ta có bao nhiêu chất béo xung quanh nội tạng được quyết định bởi một phần gen di truyền và phần khác thuộc về lối sống. Mỡ nội tạng tích lũy nhiều hơn khi không vận động.
Trong một nghiên cứu, những người gầy hoặc cân nặng lý tưởng do kiểm soát được chặt chẽ chế độ ăn nhưng không tập thể dục vẫn có nhiều khả năng có quá nhiều chất béo nội tạng.
Các bác sĩ cho biết lượng mỡ cho phép thay đổi tùy theo giới tính và độ tuổi. Tuổi càng lớn thì lượng mỡ cho phép càng nhiều và giới nữ nhiều hơn nam. Việc kiểm soát lượng mỡ nội tạng, lượng mỡ cơ thể ở mức bình thường sẽ không phát sinh bệnh.
Tuy nhiên, khi mỡ nội tạng quá cao được coi là nguyên nhân trực tiếp làm tăng lượng mỡ trong máu, rối loạn đường huyết gây đái tháo đường, tim mạch, thậm chí nguy cơ ung thư vú, đại tràng, gan…
Để phòng tránh lượng mỡ nội tạng cao, TS Cường khuyến cáo người dân cần tăng cường vận động, phần lớn là các loại hình aerobic (đi bộ, chạy bộ, bơi lội, đạp xe…), ngoài ra cần dành 20% thời lượng cho các loại hình vận động kháng lực (cầm nắm những vật dụng nặng) để tăng khối cơ.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, cần vận động 150 phút/tuần và khi vận động phải thở mạnh, nhịp tim hơn 100 lần/phút mới có tác dụng.
Bên cạnh đó, cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng lành mạnh, đảm bảo cân đối giữa các chất xơ, chất đạm, chất béo và tinh bột.
Vận động để kiểm soát lượng mỡ nội tạng
TS Cường cho hay người dân có thể kiểm soát lượng mỡ nội tạng tại nhà qua thông số cơ bản nằm trong giới hạn khuyến cáo: vòng eo đo ngang rốn ≤ 80cm ở nữ, ≤ 90cm ở nam; chỉ số BMI trong giới hạn 18,5 – 23.
Quỹ dân số Liên Hiệp Quốc – UNFPA công bố Việt Nam là một trong 10 nước mà người dân lười vận động nhất thế giới.
Các bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng cho biết mỡ nội tạng tích lũy nhiều hơn khi không vận động.
XUÂN MAI