26/12/2024

Cách nào hạn chế tác hại của bụi không khí?

Chỉ số chất lượng không khí đang liên tục ở mức kém và xấu suốt nhiều ngày vừa qua. Bác sĩ Vũ Văn Giáp, phó giám đốc Trung tâm Hô hấp, bệnh viện Bạch Mai vừa khuyến cáo một số biện pháp giảm hại.

 

Cách nào hạn chế tác hại của bụi không khí?

Chỉ số chất lượng không khí đang liên tục ở mức kém và xấu suốt nhiều ngày vừa qua. Bác sĩ Vũ Văn Giáp, phó giám đốc Trung tâm Hô hấp, bệnh viện Bạch Mai vừa khuyến cáo một số biện pháp giảm hại.

 

 

Cách nào hạn chế tác hại của bụi không khí? - Ảnh 1.

Mặt đường luôn bị đào xới và lấp sơ sài góp phần làm chỉ số bụi không khí tăng cao. Ảnh chụp tại phố Đào Tấn, Hà Nội: Ảnh: XUÂN LONG

Theo bác sĩ Giáp: Ô nhiễm không khí ảnh hưởng tới người dân nói chung, đặc biệt đối với những người dễ bị cảm thụ như người già, phụ nữ có thai, trẻ em, người có bệnh lý hô hấp, tim mạch…

Trong các thành phần của không khí ô nhiễm, thì các hạt bụi có vai trò quyết định chất lượng không khí. Thông thường các hạt bụi mà chúng ta nhìn thấy và có thể cảm nhận được là bụi kích thước lớn, còn các hạt bụi siêu mịn, kích thước dưới 2,5 micromet thì chúng ta không cảm nhận được rõ. Nhưng khi hít vào phổi chúng sẽ đi theo đường máu vào cơ thể, gây ra phản ứng viêm và có thể gây bệnh ở nhiều cơ quan khác nhau.

Bác sĩ Giáp cũng dẫn thông tin từ Tổ chức Y tế thế giới cho biết: ước tính 30% ca tử vong do ung thư phổi có liên quan đến ô nhiễm không khí, tương tự ô nhiễm không khí liên quan 25% ca đột quỵ não và các bệnh lý tim mạch. Với nhóm bệnh lý hô hấp, 43% ca tử vong do bệnh lý hô hấp có liên quan ô nhiễm không khí.

Cách nào hạn chế tác hại của bụi không khí? - Ảnh 2.

Ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn – Ảnh: TTO

Cần làm gì khi ô nhiễm không khí mức cao?

Theo bác sĩ Giáp, khi chất lượng không khí kém, khói bụi trong môi trường nhiều thì người ảnh hưởng đầu tiên và rõ rệt nhất là những bệnh nhân có sẵn bệnh lý hô hấp, người bệnh thấy khó thở, ho nhiều hơn, kèm theo tức nặng ngực và các dấu hiệu của một đợt bệnh cấp tính mới xuất hiện. “Những thời điểm thời tiết khắc nghiệt hoặc có ô nhiễm không khí cao thì tần suất bệnh nhân nhập viện do các nguyên nhân hô hấp và tim mạch tăng cao hơn”- bác sĩ Giáp cho biết.

Vì vậy, bác sĩ khuyến cáo: thời điểm chất lượng không khí xấu, người đã mắc bệnh hô hấp không nên ra ngoài khi không có việc thật sự cần thiết. Bệnh nhân hen phế quản và phổi tắc nghẽn mãn tính cần tuân thủ, duy trì thuốc hàng ngày theo chỉ định của bác sĩ. Khi có dấu hiệu khó thở, khó chịu cần tăng liều thuốc giãn phế quản theo chỉ dẫn của bác sĩ. Tình hình không cải thiện thì cần liên lạc với cơ sở y tế ngay.

Khi ra đường, mọi người cũng nên sử dụng khẩu trang có thể lọc bụi mịn. Ngoài ra, điều quan trọng theo bác sĩ Giáp là mỗi người góp những hành động nhỏ để giữ môi trường trong sạch, chung tay giúp môi trường sống trong lành. Bao gồm hạn chế tối đa đốt vàng mã ngày rằm và mồng 1, việc đốt nhang cũng không tốt cho sức khoẻ, vài ngày nay vùng ngoại thành đốt rơm rạ làm không khí ngột ngạt, ô nhiễm hơn.

“Nên sử dụng các nhiên liệu không gây bụi khi đun nấu, như ngưng dùng bếp than mà chuyển sang bếp từ, bếp điện. Khi dừng đèn đỏ, hãy tắt máy xe, thấy xe ô tô nào phát thải nhiều khói bụi, công trình xây dựng nào không che chắn kỹ, phương tiện nào chở vật liệu, đá đá phát bụi ra môi trường, mọi người có thể nhắc nhở hoặc báo cơ quan chức năng xử lý” – bác sĩ Giáp cho biết.

L.ANH ghi