31/12/2024

‘Thời kỳ tranh giả, tranh rởm Việt Nam bùng nổ’?

Hai bức tranh Lá thư của danh họa Tô Ngọc Vân và Hai cô gái của danh hoạ Trần Văn Cẩn vừa được Sotheby’s Hong Kong đấu giá bị nghi ngờ tranh giả vì Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam mới là nơi giữ hai tác phẩm này…

 

‘Thời kỳ tranh giả, tranh rởm Việt Nam bùng nổ’?

Hai bức tranh Lá thư của danh họa Tô Ngọc Vân và Hai cô gái của danh hoạ Trần Văn Cẩn vừa được Sotheby’s Hong Kong đấu giá bị nghi ngờ tranh giả vì Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam mới là nơi giữ hai tác phẩm này…
 
 
 
 


Thời kỳ tranh giả, tranh rởm Việt Nam bùng nổ? - Ảnh 1.

Ảnh chụp bài viết trên The New York Times cảnh báo nạn tranh giả Việt Nam hồi năm 2017

 

Hai bức tranh Lá thư, Hai cô gái chỉ là số ít trong những vụ việc công chúng phát hiện nhà đấu giá quốc tế bán tranh giả (Tuổi Trẻ 22-9). Và buồn thay, nghi vấn tranh giả vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến cái nhìn về thị trường nghệ thuật Việt Nam.

Ít năm trước, vài bức tranh của họa sĩ Lê Phổ đã dần cán mốc 1 triệu USD trên sàn đấu giá quốc tế mặc cho những nghi vấn xoay quanh nguồn gốc tranh bởi những chi tiết về mặt giải phẫu lẫn bố cục, màu sắc không thể hiện đúng tài năng của danh họa. 

Khi ấy, Phạm Long – người quan sát lĩnh vực mỹ thuật nhiều năm – đã dự báo: “Đây là những phát pháo mở màn cho một thời kỳ tranh giả, tranh rởm Việt Nam bùng nổ”.

Một thị trường hỗn loạn?

Mới đây, khi hai bức tranh Lá thư của danh họa Tô Ngọc Vân và Hai cô gái của danh họa Trần Văn Cẩn được Sotheby’s Hong Kong đấu giá bị nghi ngờ tranh giả vì Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam mới là nơi giữ hai tác phẩm này, lời dự báo năm xưa đã được nhiều người quan tâm đến mỹ thuật nhắc lại.

Họa sĩ Uyên Huy – chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM – phân tích: “Sau giai đoạn mở cửa, nhiều nhà sưu tập nước ngoài săn lùng tác phẩm của các danh họa miền Bắc. Chỉ một thời gian sau, tranh giả xuất hiện, có người còn gọi thợ đến chép tranh của chính cha, ông mình. Nhà sưu tập chuyển sang tìm mua tác phẩm của họa sĩ trẻ nhưng cũng bị tranh giả. Từ đó đến nay, tranh giả liên tục lũng đoạn thị trường và tuồn vào sàn đấu giá nước ngoài không ít”.

Hầu như những vụ việc tranh giả, tranh chép chỉ mới được phát hiện ở nhà đấu giá danh tiếng. Trong khi đó, ông Phạm Long lại lo ngại về tình trạng tranh giả ở những gallery nhỏ lẻ. 

“Tranh của họa sĩ Lê Phổ, Lê Thị Lựu, Vũ Cao Đàm, Mai Trung Thứ chủ yếu nằm trong tay các gallery ở Pháp. Tranh giả có thể đi từ gallery này đến gallery khác, dần dần hợp thức hóa và được đưa ra sàn đấu giá quốc tế với một hồ sơ lý lịch minh bạch. Rất khó để tìm hiểu tình hình mua bán tranh ở các gallery này nên dường như chúng ta chỉ còn biết trông đợi vào đạo đức nghề nghiệp của họ” – ông nói.

Ông Ngô Kim Khôi – hiện đang sinh sống ở Pháp – nhận định các nhà đấu giá Pháp đánh giá rất cao tranh của họa sĩ thế hệ Đông Dương. Ngay khi sở hữu tác phẩm của các danh họa này, lập tức họ sẽ làm truyền thông và đưa ra đấu giá.

 

“Đa số trường hợp tranh giả là do người Việt hại chính người Việt. Họa sĩ Việt Nam chép tranh, giả tranh của danh họa thế hệ Trường Mỹ thuật Đông Dương rồi đưa vào các gallery bên Pháp. Các nhà sưu tập Việt Nam tưởng rằng tranh ở Pháp đã được kiểm chứng nên mua về. Trong khi đó, mối quan hệ của gallery với những người chép tranh, môi giới rất phức tạp. Không ít gallery biết tranh giả nhưng vì lợi nhuận vẫn cố tình đưa ra thị trường” – ông Ngô Kim Khôi chia sẻ.

Thời kỳ tranh giả, tranh rởm Việt Nam bùng nổ? - Ảnh 2.

Hoạ sĩ Uyên Huy

 

Tranh giả hại tranh thật

Thị trường tranh Việt Nam trên sàn quốc tế chỉ mới nổi bật lên trong vài năm gần đây nhưng liên tục vướng nghi án tranh dỏm. Trong 60 tranh Việt Nam tham dự phiên đấu giá mùa thu vào tháng 10 tới đây của Sotheby’s Hong Kong đã có 3 bức bị dư luận nghi ngờ. Nhà đấu giá quyết định rút xuống 2 tác phẩm trong khi bức Dân quê Việt (nhà đấu giá ghi tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Sáng) bị đánh giá là một bản sao chép “tệ hại” đang được giữ nguyên. 

Một số họa sĩ cho rằng những bức tranh giả có chất lượng kém thế này lưu hành trên thị trường sẽ khiến nhà sưu tập thế giới đánh giá sai lệch tài năng của danh hoạ.

“Cùng thời với các danh họa Đông Dương, tranh của các họa sĩ Từ Bi Hồng, Foujita lên đến hàng chục triệu đô, còn Việt Nam chỉ mới có vài bức đạt hàng triệu gần đây. Đó là điều đáng buồn nhưng phải thẳng thắn thừa nhận rằng tranh giả đang ảnh hưởng rất lớn đến giá tranh thật, nhà đấu giá chẳng biết đâu mà lần, người sưu tập cũng ngần ngại mua” – ông Ngô Kim Khôi nhận định.

Họa sĩ Uyên Huy cho biết trong cuộc họp hồi đầu năm với Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM về việc đón nhận bộ sưu tập tranh hoạ sĩ Lê Bá Đảng từ Pháp sang, ông đã bày tỏ quan điểm dù các bộ sưu tập tranh được trở về nước là cơ hội rất quý giá nhưng các bảo tàng cần kiểm duyệt chặt chẽ, để tranh giả không được lọt qua cửa.

Nạn “rửa tranh” với cả tác giả đương thời

Tình trạng “rửa tranh” không chỉ diễn ra ở các gallery hay sàn đấu giá quốc tế mà còn ở chính Việt Nam, ngay cả khi tác giả đang sáng tác. Hoạ sĩ Uyên Huy nhắc lại câu chuyện về triển lãm Những bức tranh từ châu Âu trở về cách đây 3 năm, công chúng đã phát hiện 15/17 bức tranh tại triển lãm là tranh giả. Trong đó, tranh họa sĩ Thành Chương ngang nhiên bị nhà sưu tập xoá chữ ký, thay vào đó là tên hoạ sĩ Tạ Tỵ.

“Nhà sưu tập mượn danh các tác phẩm của mình từng trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam để tổ chức triển lãm ở Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM. Nếu vụ việc trót lọt thì trong hồ sơ bộ sưu tập giả ấy đã có thêm một nơi để bảo chứng” – hoạ sĩ Uyên Huy cho hay.

 

MAI THỤY