Lá vàng, cỏ khô, vỏ chuối… cũng gây ô nhiễm
Không như những gì chúng ta nghĩ, rác thải sinh học đến từ tự nhiên như lá vàng, cỏ khô, vỏ chuối… cũng có thể gây ô nhiễm cho môi trường.
Lá vàng, cỏ khô, vỏ chuối… cũng gây ô nhiễm
Không như những gì chúng ta nghĩ, rác thải sinh học đến từ tự nhiên như lá vàng, cỏ khô, vỏ chuối… cũng có thể gây ô nhiễm cho môi trường.
Cảnh báo về chuyện vứt vỏ chuối trên trang Facebook của công viên quốc gia Glacier (Mỹ) – Ảnh chụp màn hình
Chúng ta thường ăn quả chuối, quả táo rồi thản nhiên vứt vỏ hoặc lõi quả táo ngoài tự nhiên với suy nghĩ “chúng sẽ tự hủy vì đó là sản phẩm của tự nhiên”. Điều đó là “không thuận tự nhiên” theo một cảnh báo của công viên quốc gia Glacier tại Mỹ.
Trên trang Facebook của công viên quốc gia thuộc bang Montana miền tây bắc Mỹ ngày 12-9, các nhân viên kiểm lâm đã đưa ra cảnh báo với hình ảnh vỏ chuối khiến nhiều người ngỡ ngàng: “Các rác thải tự nhiên này không tự huỷ nhanh như ta tưởng”. Qua đó họ kêu gọi những người đi tham quan phải mang theo rác thải của mình rời khỏi rừng sau chuyến đi.
Theo báo Huffington Post, những người bảo vệ của công viên quốc gia sát cạnh biên giới với Canada dẫn chứng rằng rác thải từ một số trái cây có thể mất “đến nhiều năm” để tự huỷ trong tự nhiên nếu động vật trong rừng không ăn hết những thứ mà con người bỏ lại.
Bằng chứng là vỏ chuối mất đến 2 năm để “tự huỷ theo cách tự nhiên”, còn lõi của quả táo cũng mất đến 8 tuần. Cảnh báo của những nhân viên trên dựa theo quan sát và ghi nhận trong thực tế.
Thậm chí nếu hệ động vật hoang dã trong rừng ăn những rác thải từ trái cây của con người thì chúng cũng khó lòng tiêu hóa dễ dàng những thực phẩm đó bởi không phải là những thứ quen thuộc với chúng.
Xa hơn chút là hạt từ các thứ trái cây hoặc rau củ mà du khách mang từ nơi khác đến có thể tạo ra những cây cối “ngoại lai” làm ảnh hưởng đến hệ thực vật của khu vực.
Chuyện con người thản nhiên vứt rác thải thực phẩm khi đi du lịch trong rừng cũng có thể làm thay đổi phương thức kiếm ăn và gây ra mối nguy hiểm cho động vật tự nhiên.
Các nhân viên kiểm lâm chỉ rõ: “Chẳng hạn khi quý vị vứt phần thừa của quả táo qua cửa xe khi đi ngang qua khu rừng thì điều đó có thể khiến các con vật tạo thói quen mới là đi tìm thức ăn ở dọc đường có xe cộ. Khi chúng càng dành nhiều thời gian kiếm ăn ở ven đường hơn thì chúng càng gặp nguy cơ bị xe đụng trúng!”.
Trong khi đó, báo Express dẫn nghiên cứu của Cơ quan Rừng quốc gia Pháp (ONF) cho biết lá vàng, cỏ khô (sau khi cắt cỏ làm đẹp vườn) cũng có thể gây ô nhiễm cho tự nhiên.
ONF cho biết ở Pháp có quy định mức phạt 30-1.500 euro với những trường hợp bị bắt gặp xả rác “tưởng như vô hại” ra môi trường tự nhiên. Những thứ rác thải được nêu là lá vàng, cỏ khô, cây mục, cọc làm vườn, phân động vật…
Lời giải thích của ONF rất rõ: chúng ta những tưởng rác thải “tự nhiên” mà chúng ta vứt ra thiên nhiên sẽ tự hủy và tạo thành phân bón tốt cho đất rừng nhưng kỳ thực ngược lại, bởi những thứ rác “ngoại lai” đó làm thay đổi hệ động thực vật ở nơi mà người ta đổ đống vào.
Rác thải đó có thể lẫn thực vật ngoại lai làm ảnh hưởng môi trường tự nhiên địa phương hoặc những con vật “ăn tạp” như heo rừng có thể tìm đến nơi có rác thải kiếm ăn và làm hang sinh sống, làm thay đổi môi trường vốn có.