10/01/2025

Hướng dẫn xử lý đối với người lang thang nghiện ma tuý

Sở LĐTB&XH Hà Nội vừa có Công văn số 470/SLĐTBXH-PCTNXH về việc Hướng dẫn xử lý đối với người lang thang nghiện ma tuý.

 Hướng dẫn xử lý đối với người lang thang nghiện ma tuý

 

Sở LĐTB&XH Hà Nội vừa có Công văn số 470/SLĐTBXH-PCTNXH về việc Hướng dẫn xử lý đối với người lang thang nghiện ma tuý.

Theo đó, trong quá trình tập trung, tiếp nhận người lang thang, các Trung tâm Bảo trợ xã hội, Trung tâm Cung cấp dịch vụ Công tác xã hội phát hiện người lang thang không có nơi cư trú ổn định nghi sử dụng chất ma tuý thì phối hợp với công an cấp xã nơi thu gom đối tượng để xét nghiệm. Trường hợp người lang thang có kết quả xét nghiệm dương tính với chất ma tuý đề nghị UBND cấp xã nơi thu gom đối tượng chỉ đạo công an xã lập hồ sơ đưa vào cơ sở lưu trú tạm thời trong thời gian làm thủ tục áp dụng biện pháp đưa vào Cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định của pháp luật.

Trườnghợp người lang thang không có nơi cư trú ổn định do các địa phương đưa đến bàn giao tại Trung tâm Bảo trợ Xã hội. Đối với người lang thang không có nơi cư trú ổn định nghi sử dụng chất ma tuý thì Trung tâm tổ chức xét nghiệm. Nếu kết quả xét nghiệm dương tính với chất ma tuý thì Trung tâm không tiếp nhận đổi tượng và đề nghị địa phương chỉ đạo Công an cấp xã tiến hành lập hồ sơ đưa vào cơ sở lưu trú tạm thời trong thời gian làm thủ tục áp dụng biện pháp đưa vào Cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định của pháp luật.

Trong trường hợp người lang thang không có nơi cư trú ổn định đã được tiếp nhận vào Trung tâm nếu nghi ngờ đối tượng trước khi vào Trung tâm có sử dụng chất ma tuý thì tổ chức xét nghiệm. Nếu kết quả xét nghiệm dương tính với chất ma tuý, Trung tâm thông báo và đề nghị UBND cấp xã nơi phát hiện đối tượng lang thang tiến hành lập hồ sơ đưa người nghiện ma tuý không có nơi cư trú ổn định vào cơ sở lưu trú tạm thời trong thời gian làm thủ tục áp dụng biện pháp đưa vào Cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Những đối tượng lang thang không có nơi cư trú ổn định nghiện ma tuý được đưa vào cai nghiện tại các Cơ sở cai nghiện ma tuý của Thành phố sẽ được tính vào kết quả thực hiện chỉ tiêu cai nghiện ma tuý cho địa phương nơi lập hồ sơ, ra quyết định áp dụng biện pháp đưa vào Cơ sở cai nghiện bắt buộc. Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội đề nghị các đơn vị triển khai thực hiện, trong quá trình triển khai nếu có vướng mắc, khó khăn đề nghị phản ánh về Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội để kịp thời tháo gỡ, giải quyết.


huong-dan-xu-ly-doi-voi-nguoi-lang-thang-nghien-ma-tuy-1

ảnh minh họa.

Được biết, hiện cả nước có 120 cơ sở cai nghiện ma tuý, trong đó có 105 cơ sở thuộc hệ thống công lập. Về số người nghiện, cả nước hiện có khoảng 40 nghìn người.

Đánh giá về tình hình triển khai các cơ sở cai nghiện ma tuý thời gian qua, nhất là sau khi triển khai Đề án đổi mới công tác cai nghiện và các cuộc họp của lãnh đạo Chính phủ với các địa phương, đại diện Bộ LĐTB&XH cho biết tuy công tác cai nghiện ma tuý có sự tiến bộ, việc quản lý tại các cơ sở ma tuý đã đạt hiệu quả tốt hơn, nhưng vẫn còn có một số khó khăn nhất định. Thứ nhất là hiện nay hầu hết các cơ sở cai nghiện đều trong tình trạng quá tải, thông thường quá tải gấp hai lần, đặc biệt có một số nơi tỷ lệ quá tải là gấp bốn lần.

Thứ hai là 43% số người nghiện có tiền án tiền sự, đặc biệt là ở các tỉnh phía Nam có đến 90% tỷ lệ người nghiện sử dụng “ma tuý đá”, và tỷ lệ tái nghiện hiện vẫn ở mức cao.

Bên cạnh đó, ở các cơ sở điều trị cai nghiện đang rất thiếu phác đồ điều trị vì có nhiều loại nghiện khác nhau, trong khi mỗi loại nghiện khác nhau lại đòi hỏi phác đồ điều trị khác nhau. Và trong các cơ sở điều trị cai nghiện hiện đều đang thiếu bác sĩ, y sĩ và người có chuyên môn sâu. Mặc dù Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã có phối hợp Bộ Y tế nhưng sự phối hợp chưa thực sự tốt.  Thêm vào đó, vì lý do quá tải tại các cơ sở cai nghiện nên dẫn đến tình trạng học viên cai nghiện phá trại, phá cơ sở, với nhiều lý do khác nhau mà sẵn sàng gây ra xung đột.

Tuy sự phối hợp giữa các ngành chức năng thời gian qua có sự tiến bộ nhất định, nhưng một số địa phương vì có chủ trương “trong sạch địa bàn” mà bằng mọi giá đưa hết người nghiện ra khỏi địa bàn mình, thậm chí cả những đối tượng chưa được phân loại người nghiện.

Để cải thiện tình trạng nghiện ma tuý trong thời gian tới, các nhà chuyên môn cho rằng cần phấn đấu giảm cung, giảm cầu và cuối cùng mới là giảm tác hại. Đồng thời, cần tiến hành tăng cường thực hiện đồng bộ cả ba loại cai nghiện: tại gia đình, cộng đồng và cai nghiện bắt buộc. Trong đó, cai nghiện bắt buộc (tại cơ sở) là giải pháp cuối cùng khi cai nghiện tại gia đình và cộng đồng không đạt hiệu quả.

Lê Hồng