10/01/2025

79% chất thải nhựa tích luỹ trong bãi chôn lấp, môi trường tự nhiên

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà cho biết trong tổng số nhựa được sản xuất, chỉ 9% chất thải nhựa được tái chế, khoảng 12% bị thiêu hủy, 79% còn lại đã tích lũy trong các bãi chôn lấp, bãi rác hoặc môi trường tự nhiên.

 

79% chất thải nhựa tích luỹ trong bãi chôn lấp, môi trường tự nhiên

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà cho biết trong tổng số nhựa được sản xuất, chỉ 9% chất thải nhựa được tái chế, khoảng 12% bị thiêu huỷ, 79% còn lại đã tích luỹ trong các bãi chôn lấp, bãi rác hoặc môi trường tự nhiên.


 

79% chất thải nhựa tích lũy trong bãi chôn lấp, môi trường tự nhiên - Ảnh 1.

Bộ TN-MT ký kết biên bản ghi nhớ với Liên minh tái chế bao bì VN với mục tiêu thúc đẩy, hỗ trợ các hoạt động giảm thiểu, phân loại chất thải tại nguồn, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam – Ảnh: XUÂN LONG

 

Sáng 11-9, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà đã ký biên bản ghi nhớ giữa Bộ Tài nguyên và môi trường với các thành viên Liên minh tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) với mục tiêu thúc đẩy, hỗ trợ các hoạt động giảm thiểu, phân loại chất thải tại nguồn.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà nêu thực trạng rác thải biển và ô nhiễm nhựa đang trở thành một trong những thách thức lớn nhất mà loài người đang phải đối mặt.

Ông Hà dẫn chứng cứ mỗi phút có 1 triệu chai nước uống bằng nhựa được bán ra trên khắp thế giới và có tới 5 nghìn tỉ túi nhựa sử dụng một lần được sử dụng trên toàn thế giới mỗi năm.

Đáng nói, một nửa tổng số nhựa được thiết kế chỉ sử dụng một lần và sau đó vứt đi. Trong tổng số nhựa từng được sản xuất, chỉ 9% chất thải nhựa được tái chế, khoảng 12% bị thiêu hủy, trong khi phần còn lại khoảng 79% đã tích luỹ trong các bãi chôn lấp, bãi rác hoặc môi trường tự nhiên.

Thực tế ô nhiễm nhựa đang gây thiệt hại to lớn cho môi trường và hệ sinh thái.

“Rác thải nhựa bóp nghẹt dòng chảy của các dòng sông, gây phá hủy hoặc suy giảm đa dạng sinh học. Nhiều loài sinh vật bị chết do ăn nhầm nhựa trôi nổi. Các hạt vi nhựa có lẫn trong nước biển có khả năng hấp phụ các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy có sẵn trong nước biển và trầm tích biển.

Các hạt này theo chuỗi thức ăn sẽ làm tăng nguy cơ dẫn đến nhiều bệnh lý cho các loài sinh vật bậc cao hơn, bao gồm cả con người” – ông Hà cảnh báo.

Ở Việt Nam, theo bộ trưởng Trần Hồng Hà, dù tỉ lệ sử dụng nhựa bình quân trên đầu người không cao như nhiều nước phát triển, nhưng với quy mô dân số gần 100 triệu dân cùng với hệ thống hạ tầng quản lý chất thải rắn chưa hoàn thiện, chất thải nhựa đang là thách thức lớn Việt Nam phải đối mặt.

Tại hội nghị thượng đỉnh G7 ở Canada năm 2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã cam kết hành động cũng như kêu gọi hợp tác toàn cầu trong việc giải quyết vấn đề nhựa trên biển.

Bộ Tài nguyên và môi trường đã tổ chức phát động phong trào “chống rác thải nhựa” nhằm hưởng ứng chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2018. Phong trào này được Thủ tướng Chính phủ nâng tầm qua lễ ra quân toàn quốc thực hiện phong trào chống rác thải nhựa nhằm nâng cao nhận thức chung của toàn xã hội trong việc nói không với túi nilon và đồ nhựa dùng một lần vào ngày 6-9 vừa qua.

 

Sau đó, hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ, các cơ quan hành chính, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, đặc biệt là các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp đã có những hành động cụ thể, thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp để giảm thiểu chất thải đặc biệt là chất thải nhựa.

Vì vậy, theo ông Hà, với việc ký kết biên bản ghi nhớ, Bộ Tài nguyên và môi trường kỳ vọng các thành viên Liên minh tái chế bao bì Việt Nam sẽ đi tiên phong, tạo niềm cảm hứng và thành phong trào kết nối thêm nhiều doanh nghiệp cùng hành động có trách nhiệm với môi trường, với đất nước.

Ông Phạm Phú Ngọc Trai – chủ tịch Liên minh tái chế bao bì Việt Nam – cho biết PRO Việt Nam có 12 thành viên, trong đó có 9 thành viên sáng lập.

Sau khi ký biên bản ghi nhớ, Bộ Tài nguyên và môi trường và PRO Việt Nam sẽ xây dựng chương trình, kế hoạch, dự án hợp tác cụ thể nhằm thực hiện 5 nhiệm vụ: 

Thứ nhất, thúc đẩy, hỗ trợ các hoạt động giảm thiểu, phân loại chất thải tại nguồn. 

Thứ hai, hỗ trợ, tăng cường năng lực, hiệu quả của hệ thống thu gom, vận chuyển, xử lý và tái chế chất thải. 

Thứ ba, tăng cường trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu trong việc thu hồi, tái chế sản phẩm sau khi người tiêu dùng thải bỏ. 

Thứ tư, thúc đẩy hình thành ngành công nghiệp tái chế và hỗ trợ các sản phẩm tái chế, thân thiện môi trường. 

Thứ năm, truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng về giảm thiểu, phân loại, thu gom, tái chế chất thải và nền kinh tế tuần hoàn.

 

XUÂN LONG