Người học giỏi toán lớn lên có giàu không?
‘Học giỏi toán sau này tính toán làm ăn nhanh’ là suy nghĩ của không ít người. Nghiên cứu khoa học gần đây cho thấy điều đó đúng, nhưng chỉ một phần.
Người học giỏi toán lớn lên có giàu không?
‘Học giỏi toán sau này tính toán làm ăn nhanh’ là suy nghĩ của không ít người. Nghiên cứu khoa học gần đây cho thấy điều đó đúng, nhưng chỉ một phần.
Các nhà nghiên cứu tâm lý học nhận thấy rằng chìa khóa thành công trong tài chính cá nhân và đối phó với một căn bệnh nan y là sự tương thích giữa khả năng toán học và sự thoải mái, tự tin của một người khi sử dụng những kỹ năng đó. Ảnh: Conversation
Nghiên cứu từ 4.572 tình nguyện viện của Đại học Nam California đăng trên tạp chí PNAS mới đây cho thấy việc một người có sự tự tin cao về khả năng toán học của mình tương đương với việc họ có thêm 94.000 USD thu nhập hàng năm, ít bị nợ nần, giỏi đầu tư kinh doanh và dễ dàng có cuộc sống thoải mái về tài chính. Người giỏi làm toán nhưng không tự tin sẽ không có khả năng tăng thêm thu nhập này.
“Sự thiếu tự tin về việc mình làm đúng các phép tính cơ bản có thể xoá sạch hầu hết lợi thế của một người có kỹ năng toán học tốt”, theo Ellen Peters, giáo sư tâm lý học tại Đại học bang Ohio (Mỹ).
Một nghiên cứu khác dựa trên kết quả sức khoẻ của 91 bệnh nhân tại Trung tâm y tế Wexner bang Ohio đang điều trị bệnh lupus. Kết quả cho thấy những người đạt điểm cao về kỹ năng và sự tự tin môn toán học bệnh sẽ ít tiến triển hơn so với những người có kỹ năng nhưng không tự tin.
Lupus không có cách chữa trị, nhưng các can thiệp y tế và thay đổi lối sống có thể giúp kiểm soát nó. Tuy nhiên, cần có các kỹ năng toán học tốt để điều hướng căn bệnh, chẳng hạn như hiểu được rủi ro và lợi ích của thuốc, sử dụng liều thuốc chính xác và đưa ra lựa chọn nhà cung cấp và bảo hiểm y tế tốt.
“Một điều quan trọng không kém, vì đây là một căn bệnh mãn tính nên bệnh nhân phải kiên trì sử dụng các kỹ năng toán học này trong suốt cuộc đời để tuân thủ nhiều loại thuốc theo thời gian, thay đổi điều trị thường xuyên và áp dụng các lối sống lành mạnh”, giáo sư Ellen Peters nói.
Nhưng kết quả tồi tệ nhất không phải ở người giỏi nhưng thiếu tự tin mà đến với những người không giỏi toán nhưng tự tin thì thừa. Những người này có nguy cơ khiến bệnh tình nặng hơn tới 44% so với người giỏi và tự tin.
“Nếu một người không giỏi nhưng sự tự tin cao có thể sẽ mắc phải những sai lầm không nhận ra. Họ không đến bệnh viện vì nghĩ rằng bạn không cần nó. Thế nên họ sẽ rơi vào tình trạng sức khoẻ tồi tệ hơn”, Peters nói.