07/01/2025

Hoả hoạn có chất độc, hậu hoạ khôn lường

Trong các tai hoạ gây ra cho con người thì hoả hoạn luôn được xếp thứ hai “Thuỷ, hoạ, đạo, tặc”. Nhưng hoả hoạn lại có chất độc hại thì hậu hoạ khôn lường.

 

Hoả hoạn có chất độc, hậu hoạ khôn lường

Trong các tai hoạ gây ra cho con người thì hoả hoạn luôn được xếp thứ hai “Thuỷ, hoạ, đạo, tặc”. Nhưng hoả hoạn lại có chất độc hại thì hậu hoạ khôn lường. 
 
 
 
 
Khu vực bị cháy của Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông /// Lê Quân

Khu vực bị cháy của Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông   Lê Quân

 

 
Sau sự cố cháy Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông người dân rất hoang mang vì nhiễu loạn thông tin về mức độ ô nhiễm môi trường có yếu tố thủy ngân độc hại.

 Ngay từ đầu phường Hạ Đình có thông báo về nguy cơ tác động xấu của vụ cháy, do ở đây có sử dụng thủy ngân (Hg) thể hiện sự năng động nhưng không có số liệu minh chứng cụ thể, ngay sau đó lại bị quận Thanh Xuân đòi thu hồi công văn nói trên dễ dẫn đến hiểu sai về việc chỉ đạo của chính quyền. Tiếp đến, ngày 4.9 Bộ Tài nguyên – Môi trường công bố có khoảng 15,1 – 27,2 kg thủy ngân phát tán ra môi trường. 8 ngày sau vụ cháy, UBND TP.Hà Nội có công văn hỏa tốc về việc tiếp tục quan trắc, đánh giá theo dõi ảnh hưởng ô nhiễm môi trường và thực hiện khắc phục ô nhiễm.

Mức độ ô nhiễm độc hại

Phân tích đánh giá chính xác nồng độ thủy ngân không dễ, thường dùng phương pháp quang phổ nên có thể bị ảnh hưởng của các vạch quang phổ của các kim loại khác, trong khi giá trị giới hạn cho phép của thủy ngân trong các quy chuẩn Việt Nam (QCVN) rất nhỏ nên càng khó phát hiện (0,001 mg/l trong nước (nước mặt và nước ngầm); 0,0003 mg/m3 trong không khí; 0,5 mg/kg trong trầm tích (không có quy định giới hạn Hg trong đất trong QCVN 03.2015).
 
Phương pháp kiểm tra nhanh thủy ngân (Hg) chỉ để biết có ô nhiễm hay không; còn giá trị đo được có thể chấp nhận sai số rất lớn, không có độ tin cậy cho các báo cáo khoa học hay báo cáo chính thức. Còn nồng độ Hg đo được vượt 10 -30 lần tiêu chuẩn là ở trong hiện trường đám cháy giữa các đống đổ nát.
 
Các số liệu được công bố còn nhiều vấn đề bất cập ở chỗ: khối lượng Hg thoát ra là từ 15,1 đến 27,2 kg là số liệu lấy từ đâu? Nếu lấy từ tổng số các loại bóng đèn có chứa Hg bị phá hủy thì cũng chưa chính xác, vì trong quá trình cháy suốt 5 giờ ấy có phải tất cả Hg trong bóng đèn đều bị bay hơi vào không khí không? và nếu không chính xác thì không nên đưa ra con số cụ thể như thế khiến dư luận xôn xao rằng khối lượng từng ấy kg Hg nó đang ở đâu…?
 
Sau vụ cháy vài ngày mới lấy mẫu phân tích quan trắc. Cứ cho là việc lấy mẫu và phân tích là chính xác đi (nhưng tất nhiên là không được vậy) thì Hg trong không khí đo được không phải là nồng độ khi cháy và lan tỏa (do đó tất nhiên là gần như là không ô nhiễm). Nhưng trong thông báo lại nói là không khí trong nhà xưởng bị cháy có nồng độ vượt ngưỡng cho phép, nên đã gây ra một mối lo ngại là Hg vẫn đang tiếp tục phát thải vào không khí đấy!
 
Thông báo nói là theo tiêu chuẩn Canada, hay tiêu chuẩn Mỹ… thì ô nhiễm còn theo tiêu chuẩn Việt Nam thì không ô nhiễm lại gây ra sự nghi ngờ và thắc mắc: Vậy tiêu chuẩn Việt Nam so với thế giới là như thế nào? Việt Nam thì chỉ cần nói so với tiêu chuẩn của ta, sao phải so với nước khác làm gì? (đây không phải là hội thảo khoa học để so sánh quy chuẩn môi trường giữa các nước).
 
Ngoài ra, lính cứu hỏa hôm đó, không ai mang mặt nạ chống độc hay thậm chí chỉ là khẩu trang. Vậy họ có nghiệp vụ không? Có biết cháy phá huỷ bóng đèn có chứa Hg và trong kho còn có nguyên liệu Hg nữa thì rất nguy hiểm không?
 
Nhưng cũng may là sau đó có mưa dông, nên không khí, môi trường có khả năng lan truyền lớn nhất được rửa sạch nhiều. Vậy còn nước và đất, nơi tiếp nhận Hg từ không khí thì phải được quan tâm đúng mực, khảo sát phân tích đánh giá mức độ độc hại để xử lý.
 
Hỏa hoạn có chất độc, hậu họa khôn lường - ảnh 1

Cán bộ Viện Sức khoẻ nghề nghiệp và Môi trường làm việc tại hiện trường đám cháy Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông

Ngọc Hải

 

Kết quả sau quan trắc sau thời gian dài mới đáng tin cậy

Bộ Tài nguyên – Môi trường luôn lấy khu vực bị ảnh hưởng rộng hơn so với những số liệu mà họ có. Như thế là hợp lý vì trong ô nhiễm môi trường có nhiều yếu tố bất thường phải cộng thêm % an toàn.
 
Theo tôi được biết thì các chuyên gia mô hình đã có các mô hình phát tán Hg theo thời tiết và khí hậu xảy ra vụ cháy và cũng có các kịch bản mô phỏng. Như vậy, cần kết hợp mô hình phát tán Hg và quan trắc một thời gian đủ dài để có kết quả đáng tin cậy và công báo kịp thời, rộng rãi mới là giải pháp đúng đắn.
 
Công ty Rạng Đông đã che bạt khu vực cháy lại. Mong chờ họ có hợp đồng xử lý chất thải nguy hại để dọn cái đống còn lại càng sớm càng tốt. Chỉ khi dọn xong dân ở ngay đấy mới cảm thấy yên tâm. Còn việc xử lý Hg ở đống đổ nát trong hiện trường vụ cháy thì không khó. Có thể dùng lưu huỳnh thì xử lý được Hg kim loại, còn Hg2^+ cũng rất nguy hiểm thì phải dùng Na2S mới được vì chúng sẽ chuyển hóa thành HgS không độc hại rồi chôn lấp hay đóng rắn là được.

Ứng phó của chính quyền kém

Việc thông báo khuyến cáo về ô nhiễm (pollution) môi trường và độc tính (toxicity) đối với sức khỏe từ bất cứ sự cố nào là cần thiết. Tuy nhiên, khuyến cáo nhanh ngay từ đầu chỉ nên chung chung để cộng đồng biết mà đề phòng (thậm chí cháy chợ dân sinh ai dám bảo không phát tán chất ô nhiễm và không gây độc hại đến sức khoẻ?); sau đó phải có thông báo cụ thể (cháy gì? quy mô, phạm vi và mức độ ảnh hưởng?) minh bạch và công khai.
 
Hiện nay, thông tin bát nháo hầu hết từ kiến thức lý thuyết chung (thủy ngân là kim loại duy nhất dễ bay hơi, phát tán, là kim loại duy nhất rất kỵ nước (nên mới bám vào bề mặt, vi khuẩn, mô mỡ) là kim loại duy nhất ở nồng độ rất thấp (10 mũ trừ 12 Mol) có thể tích luỹ theo chuỗi thức ăn… ), chưa kể càng lan truyền thì thông tin càng bị thổi phồng. Cũng phải nói rằng, phân tích Hg trong môi trường không dễ và nhanh, phân tích Hg trong máu càng khó, đến Mỹ mà không có nhiều phòng thí nghiệm được cấp phép xác nhận có năng lực này.
 
Đưa thông tin vội vàng có khi “lợi bất cập hại”, rồi lại phải thanh minh rất mệt mỏi. Đây có thể lại là một khủng hoảng truyền thông, chứ thực tế các vụ cháy khác ở Hà Nội (ví dụ Zona 9, Karaoke Trần Thái Tông) có khi còn ảnh hưởng đến sức khoẻ cộng đồng xung quanh hơn nhiều vì cháy xốp cách âm, cách nhiệt có thể phát thải các hợp chất hữu cơ clo (bao gồm cả dioxin, furan), nhưng vì đây là nguy cơ phát thải thuỷ ngân nên nhiều người lo sợ vì nhớ lại thảm hoạ Minamata!!!.
 
Phải nói thật rằng cái đáng phê bình nhất từ vụ này là quy trình ứng phó sự cố cháy liên quan đến hoá chất của chính quyền rất kém, vì thế mới xảy ra chuyện lính cứu hoả không có trang bị phòng độc (thật sự đây là những người có nguy cơ nhiễm độc lớn nhất), rồi lại để phóng viên và người dân thoải mái tiếp cận hiện trường. Cần phải rút kinh nghiệm và khắc phục ngay.
 
 
 
TÔ VĂN TRƯỜNG