07/01/2025

7 quốc gia ký hiệp ước bảo vệ ‘lá phổi xanh’ Amazon

Colombia, Brazil, Bolivia, Ecuador, Peru, Guyana và Suriname vừa ký một hiệp ước bảo vệ rừng nhiệt đới Amazon sau khi vụ cháy rừng ở Brazil lan rộng thành cuộc khủng hoảng quốc tế hồi tháng trước.

 

7 quốc gia ký hiệp ước bảo vệ ‘lá phổi xanh’ Amazon

Colombia, Brazil, Bolivia, Ecuador, Peru, Guyana và Suriname vừa ký một hiệp ước bảo vệ rừng nhiệt đới Amazon sau khi vụ cháy rừng ở Brazil lan rộng thành cuộc khủng hoảng quốc tế hồi tháng trước.
 
 
 
 
 

Lãnh đạo và quan chức Colombia, Brazil, Bolivia, Ecuador, Peru, Guyana và Suriname ký hiệp ước bảo vệ rừng Amazon ngày 6.9 /// Reuters

Lãnh đạo và quan chức Colombia, Brazil, Bolivia, Ecuador, Peru, Guyana và Suriname ký hiệp ước bảo vệ rừng Amazon ngày 6.9    Reuters

 

 
Hiệp ước mới được ký trong cuộc họp hôm 6.9 tại thành phố Leticia thuộc miền nam Colombia, với sự tham dự của tổng thống nước chủ nhà Ivan Duque cùng các nhà lãnh đạo của Bolivia, Ecuador, Peru và Suriname cùng bộ trường nguồn tài nguyên Guyana, theo Reuters. Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro tham dự hội nghị qua link video, trong khi Ngoại trưởng nước này Ernesto Araujo cũng đến dự.
 
Theo hiệp ước, 7 nước nói trên sẽ tạo mạng lưới đối phó thiên tai để có thể hợp tác tốt hơn khi đối diện những vụ cháy lớn. Nhóm quốc gia này cũng sẽ làm việc về những sáng khiến trồng lại rừng, gia tăng nỗ lực theo dõi các hoạt động phá rừng thông qua vệ tinh, phát triển các sáng kiến về giáo dục và đẩy mạnh vai trò của các cộng đồng bản địa trong việc phát triển bền vững. Các bên còn nhất trí chia sẻ thông tin về các hoạt động như khai thác trái phép gây tác hại tới việc bảo tồn.
 
Khu rừng Amazon ở Brazil đang đối diện với tình trạng cháy tồi tệ nhất kể từ năm 2010. Số liệu do Viện Nghiên cứu vũ trụ quốc gia (INPE) của Brazil công bố cho thấy gần 80.000 vụ cháy đã xảy ra tại nước này kể từ đầu năm, trong đó đa phần là ở khu vực rừng Amazon. Hồi tháng trước, tin tức về tình trạng tàn phá ở khu rừng này đã gây ra làn sóng phẫn nộ toàn cầu,theo Reuters.
 
 
Các nhà hoạt động vì môi trường cho rằng chính việc khai phá rừng nhiệt đới để lấy gỗ và đốt rừng để mở rộng diện tích canh tác nông nghiệp đã khiến cho số vụ cháy gia tăng và diện tích rừng ngày càng giảm. Tỷ lệ khai phá rừng đã tăng 67% từ tháng 1 – 7.2019 so với cùng giai đoạn năm ngoái. Bên cạnh đó, số vụ cháy rừng cũng nhảy vọt lên mức cao nhất từ năm 2013, trong đó bang Amazonas tăng đến 146%. Người dân tại hai bang Rondonia và Amazonas nói chưa từng thấy đám cháy nghiêm trọng nào như năm nay, trong khi nhà hoạt động Rosana Villar của Tổ chức Hòa bình xanh miêu tả khu rừng “giống như nghĩa địa vì toàn bộ những gì có thể thấy là chết chóc”, theo CNN.
 
Giới hoạt động vì môi trường đã chỉ ra mối liên hệ giữa thái độ thờ ơ của chính quyền Tổng thống Jair Bolsonaro với sự gia tăng số đám cháy rừng tại Amazon. Một số bên còn cáo buộc nhà lãnh đạo ngầm ủng hộ việc khai phá rừng để canh tác trong khi BBC phân tích số liệu cho thấy số vụ cháy rừng ngày càng tăng diễn ra trùng thời điểm với sự giảm mạnh số trường hợp vi phạm về môi trường bị xử phạt.
 
 
 
VĂN KHOA