29/12/2024

Tìm phương án có lợi nhất cho dân khi TP.HCM sáp nhập phường

Thực hiện chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã trong giai đoạn 2019-2021, Sở Nội vụ TP.HCM đang trình UBND TP hai phương án: giảm 10 phường (phương án A) và giảm 16 phường (phương án B).

 

Tìm phương án có lợi nhất cho dân khi TP.HCM sáp nhập phường

Thực hiện chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã trong giai đoạn 2019-2021, Sở Nội vụ TP.HCM đang trình UBND TP hai phương án: giảm 10 phường (phương án A) và giảm 16 phường (phương án B).


 

 

Tìm phương án có lợi nhất cho dân  khi TP.HCM sáp nhập phường - Ảnh 1.

Người dân đến làm thủ tục hành chính tại phường 7 (Q.3, TP.HCM). Theo đề xuất tới đây sẽ nhập phường 6, phường 7, phường 8 (Q.3) thành một phường – Ảnh: TỰ TRUNG

 

Với điều kiện hiện tại của TP.HCM, nên chọn phương án nào có lợi nhất cho người dân?

Nhập 3 hay 2 phường?

Điểm khác nhau giữa các phương án được trình xin ý kiến lần này là nhập hai phường hay nhập ba phường thành một phường.

Theo phương án A, có 8 trường hợp nhập hai phường thành một phường và 1 trường hợp nhập ba phường thành một phường. Số phường chịu ảnh hưởng là 19 phường. 

Còn phương án B, có 7 trường hợp nhập ba phường, 2 trường hợp nhập hai phường thành một phường mới. Số phường chịu ảnh hưởng lên đến 25 phường.

Ông Trương Văn Lắm – giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM – cho biết các đơn vị hành chính ở TP.HCM chủ yếu bị vướng tiêu chuẩn về diện tích. 

Theo quy định, một phường phải đạt diện tích 550ha, trong khi ở TP có quận diện tích còn không đủ chuẩn phường (quận Phú Nhuận, quận 4). 

Ông nhấn mạnh theo quy định của trung ương, sau khi sáp nhập, đơn vị hành chính mới phải đạt tiêu chuẩn về diện tích và dân số. 

Riêng trường hợp sáp nhập ba đơn vị phường thành một thì sẽ không cần bàn về diện tích và dân số (xem như đạt yêu cầu – PV).

Như vậy, ưu điểm của phương án nhập ba phường là trong giai đoạn tiếp theo của lộ trình sắp xếp (sau năm 2021). 

Bởi theo quy định của trung ương, các đơn vị hành chính mới sẽ có tính ổn định lâu dài, không phải tiếp tục sáp nhập nữa. 

“Chúng tôi đã làm việc rất kỹ với địa phương, các nơi đều nêu nhiều khó khăn. Cuối cùng, chúng tôi đề nghị các quận trình cả hai phương án nhập hai và nhập ba phường để lãnh đạo TP xem xét, quyết định” – ông Lắm cho biết.

Đề xuất phương án ít xáo trộn nhất

 

Dù trình hai phương án nhưng Sở Nội vụ bày tỏ quan điểm ủng hộ phương án nhập hai phường thành một. Lý do là những phường trong diện phải sắp xếp giai đoạn 2019-2021 đều ở vị trí lõi trung tâm TP, vốn chịu áp lực cao trong quản lý nhà nước. 

Bộ máy hành chính không chỉ phục vụ người dân địa phương mà còn cả khách du lịch, thân nhân người bệnh đến khám chữa bệnh. Các phường này tập trung nhiều chung cư, trường học, bệnh viện, dân tạm cư chiếm tỉ lệ cao. 

Ngoài ra, dân số trung bình của TP cao nhất nước và tăng theo từng năm. Việc quá tải hạ tầng, giao thông, trường học, bệnh viện sẽ tạo áp lực ngày càng lớn lên bộ máy nhà nước.

Khi nhập hai phường làm một đã vượt tiêu chuẩn dân số. Nếu nhập ba phường làm một, độ nén dân số sẽ càng cao. 

Trong khi lượng biên chế cho từng phường vẫn không thể tăng mà còn phải tiến tới tinh giản biên chế theo quy định. Như vậy, khả năng quản lý điều hành của chính quyền cơ sở sẽ kém.

Đơn cử ở quận 10 có phường 3 cần sáp nhập, nếu nhập với phường 2 (phương án A) quy mô dân số đạt 165% so với tiêu chuẩn. Phường 3 có 16 lô chung cư dự kiến xây mới, mật độ dân số sẽ rất lớn. 

Nếu theo phương án nhập 3 phường (nhập phường 1, 2 và 3 hoặc nhập phường 2, 3, 4) thì áp lực quản lý sẽ vô cùng lớn. Việc nhập hai phường cũng được đánh giá là ít gây xáo trộn đời sống nhân dân do số cá nhân, tổ chức phải chuyển đổi các loại giấy tờ khi thay đổi địa giới hành chính ít hơn khi nhập ba phường.

Tương tự, ở quận 4, Sở Nội vụ chọn đề xuất sáp nhập phường 5 với phường 2 thay vì nhập ba phường 5, 2, 3; nhập phường 12 với phường 13 thay vì nhập ba phường 12, 6, 9. Với phương án nhập 2 phường, quy mô dân số sau sáp nhập cũng đã đạt trên dưới 120% tiêu chuẩn.

Một lý do nữa khiến các quận và Sở Nội vụ đề xuất phương án nhập 2 phường vì số lượng cán bộ, công chức, cán bộ không chuyên trách phải sắp xếp, bố trí lại ít hơn so với phương án nhập 3 phường. 

Bên cạnh đó, thời gian chuẩn bị tổ chức đại hội Đảng bộ cấp cơ sở không còn nhiều (đầu năm 2020). Các phường mới sáp nhập sẽ gặp nhiều khó khăn trong sắp xếp, ổn định nhân sự trước và sau đại hội. 

“Việc kiện toàn bộ máy để chuẩn bị cho đại hội Đảng rất cấp bách. Tình hình hiện nay không cho phép chúng ta chậm, vì cấp cơ sở chậm sẽ ảnh hưởng đến tiến độ của toàn hệ thống” – ông Trương Văn Lắm nhấn mạnh.

 

* Ông NGUYỄN TRUNG THÔNG (nguyên phó trưởng ban chuyên trách Ban chỉ đạo cải cách hành chính TP.HCM):

Cần định lượng hiệu quả sau sáp nhập

 

ong nguyen trung thong 5 2(read-only)

Để thuyết phục, cần dự báo cụ thể tình hình sau sáp nhập: Chẳng hạn nếu nhập hai phường hoặc ba phường thì sau sáp nhập, kinh tế, xã hội, đời sống người dân ở phường mới sẽ tăng giảm ra sao?

Công việc của đội ngũ cán bộ cụ thể sẽ thế nào? Tinh giản biên chế được bao nhiêu? Dự báo cụ thể thì khi so sánh sẽ biết nên chọn phương án nào.

Đầu mối giảm thì khâu chỉ đạo điều hành của cấp trên sẽ đơn giản nhưng khâu thực thi của cấp dưới sẽ nặng nề hơn.

Làm không khéo sẽ dễ dẫn đến tình trạng “nhẹ trên nặng dưới”, hậu quả sau cùng là người dân, doanh nghiệp, xã hội chịu ảnh hưởng. Phương án nào giúp nâng cao đời sống người dân tốt hơn, hãy chọn phương án đó!

* TS NGUYỄN THÀNH NAM (Học viện Cán bộ TP.HCM):

Đặt lợi ích của dân lên hàng đầu

 

819-0933 ngay 2-9 3(read-only)

TP.HCM là đô thị đặc biệt, mật độ dân cư cao, việc thực thi nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, công chức cũng vì thế mà chịu nhiều áp lực – thậm chí cao hơn gấp nhiều lần so với nhiều tỉnh, thành khác. Sắp xếp lại đơn vị hành chính phải nhằm mục tiêu cốt yếu là phục vụ dân tốt hơn.

Đừng vì chủ trương, chính sách hay chỉ tiêu đặt ra mà gây phiền hà cho dân. Khi sắp xếp nên lấy người dân làm trung tâm, đặt lợi ích của dân lên hàng đầu, khâu trưng cầu ý kiến người dân phải được làm nghiêm túc.

Nên chăng, TP có thể đề xuất trung ương xem xét bỏ hoặc nới quy định về diện tích đối với các đơn vị hành chính ở các đô thị lớn như TP.HCM.

 

MAI HƯƠNG