08/11/2024

Quản lý cơn giận

BS CKII Lâm Hiếu Minh (đơn vị tâm lý lâm sàng Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM) cho biết thời gian gần đây, phòng khám tâm lý Bệnh viện Đại học Y dược thường xuyên tiếp nhận tư vấn tâm lý cho nhiều thanh niên độ tuổi 25-35, đang đi làm.

 

Quản lý cơn giận

BS CKII Lâm Hiếu Minh (đơn vị tâm lý lâm sàng Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM) cho biết thời gian gần đây, phòng khám tâm lý Bệnh viện Đại học Y dược thường xuyên tiếp nhận tư vấn tâm lý cho nhiều thanh niên độ tuổi 25-35, đang đi làm.
 
 
 
 

Quản lý cơn giận - Ảnh 1.

Một cô gái giận dỗi khi gặp chuyện không hài lòng – Ảnh: T.T.D.

 

Qua chia sẻ và tâm sự, phần lớn họ thường xuyên rơi vào căng thẳng, lo lắng, suy nghĩ tiêu cực đối với chính bản thân và những mối quan hệ xung quanh. 

Đặc biệt, họ dễ cáu gắt, giận dữ nên đã có những lời nói, hành vi gây tổn thương người khác, thậm chí nhiều người bị rạn nứt những mối quan hệ tốt đẹp.

BS Minh cho hay giận dữ là cảm xúc và bản năng cơ bản của con người. Đã có nhiều nghiên cứu cho rằng một đứa trẻ chỉ mới 6 tháng tuổi đã có thể đọc vị và hiểu được cảm xúc giận dữ trên khuôn mặt của người khác. 

Đồng thời, trẻ cũng có thể biết giận dỗi qua việc quấy khóc khi không được quan tâm hay đáp ứng yêu cầu.

Theo BS Minh, nếu giận dữ quá mức với tần suất thường xuyên thì đây là một biểu hiện bất thường về mặt tinh thần như stress, rối loạn lo âu, sang chấn tâm lý vì bị tổn thương, bị quấy rối, xung đột giữa các cá nhân…

Thường lệ, những biểu hiện trên được “núp bóng” dưới cơn giận dữ, từ đó dễ dàng “châm ngòi” cho lời nói văng tục, hành vi bạo lực. Nguy hiểm hơn, cơn giận dữ sẽ tác động xấu đến các bộ phận cơ thể, phát sinh nhiều căn bệnh.

 

Sau mỗi cơn thịnh nộ, nhiều người tỏ ra hối lỗi, day dứt và hứa sẽ kiềm chế được cơn giận dữ về sau. Thế nhưng khi gặp lại chuyện trái nghịch, nhất là những chuyện tổn hại đến quyền lợi, danh dự, cơn giận dữ lại bùng phát.

Vậy làm sao sống không giận dữ quá mức? Trả lời câu hỏi này, BS Minh cho rằng điều quan trọng nhất là chúng ta biết cách quản lý cơn giận từ việc thấu hiểu nguyên nhân gốc rễ gây tức giận để hóa giải chúng.

Song song đó phải biết kiểm soát cơn tức giận đang sắp sửa bùng phát bằng cách nhanh chóng tách khỏi người khiến ta giận dữ, sau đó viết ra giấy những bực tức trong người hoặc đi dạo. Hãy luôn ghi nhớ rằng bộc lộ cơn giận dữ quá mức sẽ không giải quyết được vấn đề gì, mà trái lại làm cho vấn đề tồi tệ hơn.

Ngoài ra, nên suy nghĩ tích cực, đơn giản hóa mọi vấn đề, tăng cường tập luyện (ưu tiên bộ môn yoga và thiền định).

Điềm đạm giúp hạnh phúc

Tỉ phú già nhất thế giới Chang Yun Chung – người làm trong lĩnh vực vận tải biển tại Singapore – cho rằng chính phẩm chất điềm đạm đã giúp ông hạnh phúc trong vai trò của mình lâu như vậy và hài lòng với thành công của một tỉ phú tự tay làm nên.

Ông nói: “Tôi không nổi nóng. Khi bạn nổi nóng, bạn không thể kiểm soát mình…”. Ông chia sẻ: “Khi còn trẻ, tôi nóng nảy hơn nhiều, vậy nên tôi cũng là một lãnh đạo rất khó chịu. Nhưng cha đã dạy tôi một điều: “Dĩ đức phục nhân”.

Điều đó có nghĩa nếu anh muốn mọi người tuân phục mình, anh không thể bắt họ tuân phục bằng quyền hành, sức mạnh cũng như sự hung dữ, mà hãy chinh phục họ bằng sự chính trực, tài năng, hãy để mọi người thực sự tôn trọng và lắng nghe anh”.

 

D.Kim Thoa

 

XUÂN MAI