Xét công nhận giáo sư, phó giáo sư: Vì sao số lượng ứng viên giảm mạnh?
Số ứng viên được Hội đồng giáo sư cơ sở đề nghị xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm nay giảm còn chưa bằng một nửa so với ứng viên đạt chuẩn lần trước đó.
Xét công nhận giáo sư, phó giáo sư: Vì sao số lượng ứng viên giảm mạnh?
Danh sách ứng viên được đề nghị xét công nhận GS, PGS năm 2019 Hà Ánh
Chỉ bằng 45% so với đợt xét trước
Hội đồng giáo sư nhà nước vừa công bố danh sách ứng viên được Hội đồng giáo sư cơ sở đề nghị xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) năm 2019.
Theo danh sách này có tất cả 555 ứng viên có tên trong 28 Hội đồng GS ngành. Trong đó có 105 ứng viên được đề nghị xét đạt chuẩn GS và 450 ứng viên xét chuẩn PGS.
Một số hội đồng ngành có số lượng ứng viên được đề nghị xét nhiều như: liên ngành hóa-công nghệ thực phẩm 10 GS và 47 PGS, ngành kinh tế 7 GS và 35 PGS, ngành vật lý 11 GS và 35 PGS, ngành y học 3 GS và 45 PGS…
Ngược lại, một số hội đồng ngành có số lượng ứng viên thấp như: ngành tâm lý học 1 GS và 2 PGS, liên ngành luyện kim 1 GS và 3 PGS…
Đáng chú ý, một số ngành không có ứng viên được công nhận đạt chuẩn GS mà chỉ có PGS như ngành giao thông vận tải, ngành giáo dục học…
Trước đó, năm 2018 không thực hiện việc xét công nhận chức danh GS và PGS. Đợt xét trước đó vào năm 2017 với số người đạt chuẩn các chức danh này theo công bố ban đầu lên tới 1.226 người.
Như vậy, chỉ so với số lượng người đạt chuẩn GS, PGS ở đợt trước đó thì số ứng viên được Hội đồng GS cơ sở đề nghị lần này chưa bằng một nửa (chiếm trên 45%).
Vì sao?
Các số liệu này đang đặt ra một câu hỏi về nguyên nhân sự giảm mạnh số ứng viên được đề nghị xét chức danh GS, PGS năm nay.
Năm 2019 là năm đầu tiên thực hiện xét công nhận chức danh GS, PGS theo Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg quy định tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh GS, PGS; thủ tục xét hủy bỏ công nhận chức danh và miễn nhiệm chức danh GS, PGS của Thủ tướng Chính phủ.
Theo 1 GS có tham gia Hội đồng ngành năm nay, số lượng ứng viên GS và PGS của các ngành khối xã hội nhân văn, an ninh quốc phòng, kinh tế, luật… của năm 2019 ít hơn đáng kể so với những năm trước.
Theo GS này, nguyên nhân chủ yếu là do quy chế mới yêu cầu ứng viên phải là tác giả chính của ít nhất 3 (đối với GS) hoặc 2 (đối với PGS) bài báo quốc tế. Thực tế là nhiều giảng viên ĐH khối ngành này không có khả năng công bố quốc tế hoặc nếu có công bố quốc tế thì họ cũng không phải là tác giả chính nên không đáp ứng được yêu cầu tối thiểu.
“Vấn đề công bố quốc tế của những nhà khoa học ở Việt Nam của khối ngành vừa nêu hiện tại vẫn là một trở ngại lớn. Có nhiều nguyên nhân, có thể là họ không đủ trình độ tiếng Anh chưa đủ để viết báo, có thể là vấn đề nghiên cứu của khối ngành này ở Việt Nam chưa theo kịp thế giới nên không thể công bố”, GS này nhìn nhận.
Tuy nhiên, đối với các ứng viên GS và PGS khối ngành khoa học tự nhiên cũng như kỹ thuật công nghệ thì yêu cầu về công bố quốc tế không còn là rào cản nữa. Thậm chí, số lượng ứng viên GS của một số ngành trong khối này còn tăng lên, do quy chế mới này cho phép thay thế sách bằng những bài báo quốc tế. Thực tế có nhiều ứng viên PGS của khối ngành này còn có công trình khoa học vượt xa tiêu chuẩn GS.
Quy chế mới tạo điều kiện dễ dàng hơn cho ứng viên khối ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật công nghệ, tuy nhiên tiêu chuẩn tối thiểu còn quá thấp và do đó lá phiếu của thành viên hội đồng sẽ quyết định, và trách nhiệm của hội đồng ngành sẽ nặng hơn.
PGS-TS Đồng Văn Hướng, Phó hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, cho biết năm nay số ứng viên đủ điều kiện để xét công nhận chức danh GS, PGS của trường chỉ có 2 người (giảm hơn 1 nửa so với năm 2017).
Nguyên nhân, theo ông Hướng, chủ yếu do điều kiện đủ để được xét theo quy định mới cao hơn. Theo tiêu chuẩn mới, đề tài khoa học không được tính điểm mà chỉ là điều kiện cần. Có thể ứng viên cần thêm một vài năm để chuẩn bị các điều kiện mới.
HÀ ÁNH