Hoả táng ở nước ta có từ… thời Hùng Vương
Thông tin thú vị này được PGS.TS Đinh Quang Hải (Viện Sử học) đưa ra tại diễn đàn khoa học với chủ đề Tập quán mai táng của người Việt Nam – Xu hướng biến đổi và những vấn đề đặt ra, do Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức chiều 27-8.
Hoả táng ở nước ta có từ… thời Hùng Vương
Thông tin thú vị này được PGS.TS Đinh Quang Hải (Viện Sử học) đưa ra tại diễn đàn khoa học với chủ đề Tập quán mai táng của người Việt Nam – Xu hướng biến đổi và những vấn đề đặt ra, do Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức chiều 27-8.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng giải quyết vấn đề nan giải của tập quán mai táng hiện nay không dễ bởi liên quan đến tập tục, truyền thống – Ảnh: NGÔ VƯƠNG ANH
Trong khi các cơ quan, đoàn thể đang tích cực vận động người dân chuyển sang hình thức hỏa táng như một hình thức mai táng văn minh, giúp bảo vệ môi trường và tiết kiệm đất đai, ít ai biết rằng hoả táng đã có ở nước ta từ… thời Hùng Vương.
Phát biểu tại diễn đàn, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói gần đây có rất nhiều ý kiến nêu lên thực tế tập quán mai táng không chỉ là câu chuyện về xã hội mà còn là câu chuyện lớn về kinh tế, môi trường, đất đai, đô thị…
Yêu cầu đặt ra hiện nay là phải có những chính sách liên quan đến tập tục mai táng để bảo đảm phong tục tập quán của dân tộc nhưng cũng đáp ứng nhu cầu phát triển mới trên tinh thần “văn minh, tiết kiệm”.
Tuy nhiên, giải quyết vấn đề nan giải này không dễ bởi tập quán ma chay, mai táng liên quan đến tập tục, truyền thống, không đơn thuần giải quyết được bằng các quy định pháp luật, chính sách kinh tế. Đặc biệt, Việt Nam có trên 50 dân tộc với những phong tục, tập quán, tín ngưỡng khác nhau nên không thể máy móc áp dụng một chính sách, quy định chung cho tất cả.
Vì vậy, Phó thủ tướng mong muốn diễn đàn mang tới những góc nhìn khác nhau, có các khuyến nghị cần thiết.
Xuất hiện sớm và từng rất thịnh hành ở Việt Nam
Về thông tin hỏa táng là một hình thức mai táng có từ thời Hùng Vương, PGS.TS Đinh Quang Hải dẫn chứng: kết quả khai quận khảo cổ học năm 1962 cho thấy những chiếc thạp đồng, trống đồng được chôn ở độ sâu khoảng 2-3m trong lòng đất có chứa tro than bên trong và một số đồ trang sức như viên hạt chuỗi đá, vòng đồng, vòng đá, xương và răng người cháy dở, những mẩu củi cháy dở, trộn với sỉ đồng và những vụn đồng cháy… Đồ tùy táng chôn theo có các loại như lưỡi rìu, lưỡi cày, những nồi vò bằng gốm, vũ khí…
PGS.TS Đinh Quang Hải dẫn nghiên cứu của nhà sử học Lê Văn Lan cho rằng trong dân tộc Việt (Kinh) thì thời gian xuất hiện sớm nhất của hỏa táng không quá niên đại du nhập của đạo Phật, tức khoảng đầu Công nguyên.
Nhưng với người Việt cổ, mà cụ thể là người Thái, thì dấu vết của tục hỏa táng đã xuất hiện từ trước khi Phật giáo du nhập vào nước ta. Nay, những tàn dư của tục hỏa táng có thể tìm thấy trong dân tộc Thái ở vùng Thanh Hoá, Nghệ An và Lai Châu; và tục hỏa táng còn khá thịnh hành ở người Thái đen.
PGS.TS Đinh Quang Hải cũng dẫn thông tin từ tác giả Vũ Đức Thơm trong cuốn sách Vài suy nghĩ về mộ thời Trần ở Thái Bình xuất bản năm 1986 cho rằng hình thức mai táng phổ biến ở thời Trần là hỏa táng, bởi 8 trong số 9 ngôi mộ thời Trần được phát lộ ở Thái Bình tính tới thời điểm đó là mộ hỏa táng.
‘Cuộc chiến giữa người sống và… người chết’
Tại diễn đàn khoa học, nhiều ý kiến cũng đưa ra quan điểm cần nâng tỉ lệ hỏa táng để giúp tiết kiệm đất đai, giảm ô nhiễm môi trường như hình thức địa táng gây ra.
Còn theo GS.TS Lê Hồng Lý (Viện nghiên cứu văn hóa thuộc Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), nghĩa trang nhân dân ngày càng có quy mô to lớn hơn, lấn chiếm cả các khu đất đai hay công trình xây dựng khác, nhất là các làng xưa, nay trở thành phố.
“Cảnh sống bên người chết, âm dương lẫn lộn đang diễn ra ở rất nhiều thành phố. Lúc đầu người ta còn e dè, né tránh, nhưng khi tấc đất thành tấc vàng và sự bức bối của không gian sống đè nặng lên mỗi gia đình thì cuộc chiến giữa người sống và… người chết lại trở nên vô cùng quyết liệt”, GS.TS Lê Hồng Lý nêu hiện thực nan giải đang diễn ra trên khắp cả nước.
Tại Hà Nội, từ 2010, khu địa táng của nghĩa trang lớn nhất Hà Nội là nghĩa trang Văn Điển đã đóng cửa vì không còn đất. Các nghĩa trang khác như Thanh Tước, Yên Kỳ cũng báo động “hết đất địa táng”. Ở TP.HCM năm 2011 diện tích đất nghĩa trang chiếm 951ha, năm 2020 sẽ lên 1.000ha, theo số liệu của Sở Tài nguyên và môi trường TP.
GS.TS Lê Hồng Lý đề xuất các địa phương cần phải có quy hoạch nghĩa trang, tuân thủ quy hoạch nghiêm ngặt và phải dần giảm bớt hình thức địa táng; việc quản lý nghĩa trang ở nông thôn cần phải được chấn chỉnh lại, chặt chẽ hơn, không để diễn ra tình trạng mạnh ai nấy làm.