‘Đua tranh’ trong ma chay, xây mồ mả
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nêu hiện tượng ‘đua tranh’ trong ma chay và xây dựng mồ mả khi đến dự và phát biểu tại diễn đàn khoa học Tập quán mai táng của người VN – Xu hướng biến đổi và những vấn đề đặt ra (do Viện Hàn lâm khoa học xã hội VN tổ chức chiều 27.8).
‘Đua tranh’ trong ma chay, xây mồ mả
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nêu hiện tượng ‘đua tranh’ trong ma chay và xây dựng mồ mả khi đến dự và phát biểu tại diễn đàn khoa học Tập quán mai táng của người VN – Xu hướng biến đổi và những vấn đề đặt ra (do Viện Hàn lâm khoa học xã hội VN tổ chức chiều 27.8).
Hơn 100 nhà nghiên cứu tham dự diễn đàn với 26 tham luận. Nhóm nghiên cứu của TS Nguyễn Song Tùng (Viện Địa lý nhân văn) đã đặt vấn đề về việc sử dụng đất, quản lý đất trong mai táng, và cho rằng việc chôn cất đã khiến mất nhiều diện tích đất, đặc biệt ở khu vực ngoại thành. Chưa kể, việc táng người chết tích tụ từ đời này qua đời khác còn sinh ra các loại chất thải trong quá trình phân hủy, dẫn đến ô nhiễm. Nhóm nghiên cứu này cũng dẫn kết quả phân tích môi trường tại nghĩa trang ở Hà Nội cho thấy, mẫu nước ở nghĩa trang thôn Vĩnh Quỳnh (H.Thanh Trì) có hàm lượng vi khuẩn cao gấp 2 lần tiêu chuẩn; nước tại nghĩa trang Văn Điển bị ô nhiễm nặng chất hữu cơ, thậm chí có chất vượt tiêu chuẩn tới 15 lần.
PGS-TS Lê Xuân Sang (Viện Kinh tế VN) lại nhắc đến những rủi ro do hỏa táng. Hiện số lò hỏa táng đạt tiêu chuẩn môi trường không nhiều, khiến người dân bức xúc. Đài hóa thân hoàn vũ Phúc Lạc Viên tuy được quảng cáo hiện đại nhưng vẫn phát thải ô nhiễm. Tình trạng ô nhiễm càng đáng lo ngại hơn với các lò hỏa táng chưa được kiểm soát tại các chùa. Thêm vào đó, chi phí cho hỏa táng cao so với thu nhập của bộ phận lớn dân cư, đặc biệt với các tỉnh, thành phố có thu nhập thấp.
Cần có chính sách thích hợp
PGS-TS Bùi Xuân Đính (Viện Dân tộc học) nhắc đến việc cách đây hơn 100 năm, trên tạp chí Nam Phong, Phan Kế Bính – một nhà nho chịu nhiều ảnh hưởng Tây học, từng phê phán sự phi lý của tục cải táng, tìm đất đặt mộ. “Thiết tưởng hài cốt tiền nhân, nếu có lòng kính trọng thương xót thì chớ nên di đi dịch lại làm gì… Vả lại, sự khai mả cũng có khi quan hệ đến việc vệ sinh thì lại là việc không nên lắm. Còn lại gia đình hay dở thì tại người sống một khôn một dại khác nhau, chớ có phải tại đất đâu”, ông Đính dẫn lại quan điểm của cụ Phan Kế Bính.
Phát biểu tại diễn đàn, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết lý do Chính phủ đề nghị Viện Hàn lâm khoa học xã hội tổ chức diễn đàn là do gần đây có nhiều ý kiến cho rằng việc mai táng không chỉ còn là chuyện của xã hội, mà còn là vấn đề về môi trường, đất đai và đô thị. Theo Phó thủ tướng, việc cần làm với người đã mất cũng là điều hiếu nghĩa của dân tộc. Tuy nhiên, “chúng ta phải nhìn nhận các quy định chính sách của nhà nước còn chưa đồng bộ chặt chẽ, dẫn đến hiện tượng tự phát và có thể là dùng từ “đua tranh” trong ma chay và xây dựng mồ mả”. Hiện tượng này, theo ông Đam, còn trở thành ganh đua vì sĩ diện và vì mối quan hệ người sống, chứ không vì truyền thống tốt đẹp. Phó thủ tướng cũng mong sau diễn đàn này, các nhà khoa học sẽ có những khuyến nghị về chính sách thích hợp.
TRINH NGUYỄN