TP.HCM sẽ bàn giải pháp đẩy nhanh hạn chế khai thác nước ngầm gây sụt lún
Đó là chia sẻ của Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân tại buổi thăm và làm việc của đoàn công tác cấp cao TP.HCM với Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore vào chiều 24-8.
TP.HCM sẽ bàn giải pháp đẩy nhanh hạn chế khai thác nước ngầm gây sụt lún
Đó là chia sẻ của Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân tại buổi thăm và làm việc của đoàn công tác cấp cao TP.HCM với Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore vào chiều 24-8.
Tại buổi làm việc, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân đã chia sẻ với các thành viên Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore một số nét chính trong thời gian đoàn làm việc tại Indonesia (từ ngày 21 đến 23-8). Trong đó, ông nhấn mạnh đến kinh nghiệm chống ngập của thủ đô Jakarta (Indonesia).
Cụ thể, theo Bí thư Nhân, thành phố Jakarta hiện đang đối mặt với nhiều thách thức về đô thị giống TP.HCM, trong đó có ngập nước. Với tốc độ lún từ 2-20cm/năm, nếu Jakarta không xây đê sẽ bị ngập kinh khủng. Trong khi đó, TP.HCM vẫn còn kịp để có những biện pháp hạn chế sụt lún.
Hiện TP.HCM đã có kế hoạch giảm tốc độ sụt lún, nhưng sau chuyến công tác ở hai nước Indonesia và Singapore, lãnh đạo TP sẽ bàn các giải pháp tăng tốc kế hoạch giảm tình trạng khai thác nước ngầm, hạn chế sụt lún.
“Lâu nay nói giảm khai nước ngầm ở nhà dân nhưng thực tế giếng khai thác nước ngầm của các doanh nghiệp, nhất là ở các khu công nghiệp mới nhiều. Sắp tới phải tính lại, đẩy sớm tốc độ hạn chế dùng nước ngầm thì TP mới đỡ sụt lún”, Bí thư Nhân nhấn mạnh.
Nói về kinh nghiệm giải quyết vấn đề kẹt xe ở Jakarta, Bí thư Nhân chia sẻ, tình trạng kẹt xe ở đây nghiêm trọng hơn TP.HCM. Tuy nhiên, thành phố này đã phát triển hệ thống xe buýt công cộng và đạt tăng trưởng số lượng người sử dụng mỗi năm 250% liên tục trong 3 năm; trong khi đó, TP.HCM phấn đấu mãi không đạt được mức tăng trưởng15-20%/năm.
Lý do Jakarta làm được là do Chính phủ có chính sách kết hợp được hệ thống xe buýt của Nhà nước với tư nhân. Cụ thể, họ phân vai cho các xe buýt nhà nước phục vụ tuyến đường dài, còn những tuyến ngắn phân cho tư nhân. Như vậy vừa không tranh giành khách, vừa tăng tần suất hoạt động của các tuyến. Không như xưa nay ở TP.HCM, xe buýt hợp tác xã cạnh tranh với xe buýt nhà nước để giành khách.
“Từ những kinh nghiệm của Indonesia cho thấy sử dụng công nghệ mới để kết nối cung cầu về vận tải hành khách tại TP.HCM có rất nhiều tiềm năng. Giao thông không xây nhanh được cầu, đường thì giải quyết bằng kết nối bằng điện tử, đồng bộ các hệ thống vận tải nhà nước và tư nhân”, Bí thư Nhân chia sẻ.
Bà Tào Thị Thanh Hương – Đại sức đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Singapore, trao đổi với đoàn công tác cấp cao TP.HCM, chiều 24-8 – Ảnh: TIẾN LONG
Chia sẻ thêm về Trung tâm Diều hành đô thị thông minh của Indonesia, ông Nhân cho biết hiện TP.HCM cũng có trung tâm này, với nhiều nét tương đồng. Tuy nhiên, ở Jakarta làm được việc công bố thông tin giá cả các mặt hàng ở các chợ trong TP lúc 10h sáng. TP.HCM chưa làm được việc này, sắp tới lãnh đạo TP có thể đặt hàng để thực hiện.
Cũng tại buổi làm việc, Bí thư Nhân chia sẻ thêm nội dung làm việc của đoàn tại Singapore sẽ tập trung vào hai lĩnh vực quản lý đô thị và đào tạo nguồn nhân lực. Trong đó, ông cho biết lĩnh vực quản lý đô thị TP.HCM đang yếu, nhất là quy hoạch phát triển đô thị và triển khai xây dựng trong đô thị. Trong khi ở Singapore đã quản lý quy hoạch đến từng m2.
Do vậy, TP.HCM đã chuẩn bị dự thảo, nếu thuận lợi dịp này sẽ ký kết hợp tác giữa Singapore và TP.HCM trong lĩnh vực quy hoạch, quản lý đô thị. Việc Singapore tham gia vào quy hoạch TP.HCM sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nước này dễ tham gia vào các dự án ở TP.HCM hơn.
Ngoài ra, TP.HCM cũng sẽ tìm hiểu việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao – một mảng mà TP còn hạn chế.
Tại buổi làm việc, bà Tào Thị Thanh Hương – Đại sức đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Singapore, chia sẻ với toàn đoàn một số nét chính trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Singapore trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội…