24/01/2025

Tiêm vắc xin sởi thời điểm nào để đạt hiệu quả phòng bệnh?

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), đã có 59/63 tỉnh, thành phố ghi nhận các trường hợp mắc sởi, chủ yếu ở trẻ em dưới 10 tuổi nhưng cũng ghi nhận trường hợp mắc sởi ở người lớn.

 

Tiêm vắc xin sởi thời điểm nào để đạt hiệu quả phòng bệnh?

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), đã có 59/63 tỉnh, thành phố ghi nhận các trường hợp mắc sởi, chủ yếu ở trẻ em dưới 10 tuổi nhưng cũng ghi nhận trường hợp mắc sởi ở người lớn.


 
 

Kiểm tra về bao phủ tiêm chủng tại cộng đồng
Kiểm tra về bao phủ tiêm chủng tại cộng đồng
 

 

Không rõ lịch sử tiêm chủng

Trong số các trường hợp mắc sởi có đến 98,7% có tiền sử chưa tiêm vắc xin sởi hoặc không rõ tiền sử tiêm vắc xin sởi.
 
Tỷ lệ tiêm chủng chung của cả nước đạt 95% nhưng vẫn còn những nơi chưa đạt, ước hằng năm có khoảng 5% (85.000 trẻ) chưa tiêm vắc xin sởi. Ngoài ra, trong số các trẻ đã tiêm (khoảng 1,6 triệu trẻ) sẽ có khoảng 10-15% không có miễn dịch cũng có nguy cơ mắc sởi do tỷ lệ bảo vệ của vắc xin đạt khoảng 85-90%.
 
PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, khuyến cáo người dân đưa con em từ 9 tháng tuổi chưa tiêm vắc xin sởi hoặc từ 18 tháng tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi đến trạm y tế xã, phường để tiêm vắc xin phòng sởi. Gia đình phối hợp cùng nhà trường và cơ quan y tế cho trẻ lớn tiêm vắc xin trong chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin sởi – rubella để củng cố miễn dịch.
 
Các gia đình cần lưu ý, các trẻ có biểu hiện nghi mắc sởi (sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm được đi khám tại các cơ sở y tế gần nhất để phát hiện, điều trị kịp thời phòng các biến chứng và diễn biến nặng của bệnh sởi như: viêm màng não, viêm tai giữa); các trẻ mắc sởi nhẹ được nghỉ học, cách ly tại nhà, không tham gia các hoạt động tập thể, tránh những nơi tập trung đông người ít nhất 7 ngày kể từ ngày phát ban sởi để tránh lây lan ra trường học và những người xung quanh.
 
Trẻ cần tiêm đủ vắc xin sởi theo lịch

Trẻ cần tiêm đủ vắc xin sởi theo lịch

 

Bệnh sởi rất dễ lây, không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc sởi. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ và đảm bảo các biện pháp về tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.

Người lớn chưa tiêm vắc xin sởi cần chủ động đi tiêm vắc xin sởi (vắc xin sởi; vắc xin sởi + rubella) tại các cơ sở y tế để tránh bị mắc sởi.

Hiệu quả và lịch tiêm vắc xin sởi

Theo Chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) quốc gia, vắc xin sởi có thể phòng bệnh nếu tiêm trong vòng 72 giờ kể từ khi tiếp xúc với vi rút. Việc tiêm vắc xin trong vòng 6 ngày kể từ khi tiếp xúc có thể phòng biến chứng nặng của bệnh.
 
Iịch tiêm chủng đối với tiêm vắc xin sởi trong chương trình TCMR do Bộ Y tế đã phê duyệt như sau: Trong tiêm chủng thường xuyên, mũi thứ nhất khi trẻ 9 tháng tuổi và mũi thứ hai khi trẻ 18 tháng tuổi. Cần tiêm mũi thứ hai vào lúc 18 tháng tuổi bởi vì: các trường hợp sau tiêm mũi thứ nhất chưa có đáp ứng miễn dịch cần sớm được tiêm mũi thứ hai.
 
Trong tiêm chủng chiến dịch: thực hiện tiêm vắc xin cho tất cả các đối tượng trong phạm vi của chiến dịch. Khoảng cách tối thiểu giữa 2 mũi tiêm vắc xin sởi là 1 tháng.
 
Đối với vắc xin sởi tiêm chủng dịch vụ: tuân thủ theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Tất cả các lứa tuổi đều có thể tiêm vắc xin sởi.
 
Chỉ tiêm vắc xin sởi cho trẻ dưới 9 tháng tuổi khi có chỉ đạo của chương trình TCMR trong trường hợp cần thiết. Tất cả các trường hợp tiêm vắc xin sởi trước 9 tháng tuổi cần tiêm ngay vắc xin khi đủ 9 tháng tuổi. Mũi tiêm trước 9 tháng tuổi không được tính là 1 mũi vắc xin. Những trẻ trên 18 tháng tuổi chưa tiêm đủ hai mũi vắc xin sởi cần tiêm đủ mũi càng sớm càng tốt.
 
 
 
LIÊN CHÂU