26/11/2024

Trẻ tự kỷ sẽ thiệt thòi nếu theo học hoà nhập

Số lượng trẻ tự kỷ theo học tại các trường tiểu học tăng lên trong những năm gần đây, nhưng nhiều bậc phụ huynh có con mắc chứng tự kỷ vẫn chưa sẵn sàng thừa nhận. Điều này khiến cho trẻ chịu nhiều thiệt thòi và càng khó phát triển bình thường vì không được can thiệp đúng cách.

 

Trẻ tự kỷ sẽ thiệt thòi nếu theo học hoà nhập

Số lượng trẻ tự kỷ theo học tại các trường tiểu học tăng lên trong những năm gần đây, nhưng nhiều bậc phụ huynh có con mắc chứng tự kỷ vẫn chưa sẵn sàng thừa nhận. Điều này khiến cho trẻ chịu nhiều thiệt thòi và càng khó phát triển bình thường vì không được can thiệp đúng cách.
 
 
 
 
Trẻ tự kỷ ở Trường chuyên biệt Khai Trí /// HUỲNH NGỌC ĐIỀN

Trẻ tự kỷ ở Trường chuyên biệt Khai Trí   HUỲNH NGỌC ĐIỀN

 
 

Trẻ tự kỷ tăng đột biến

Bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm, Chủ tịch HĐQT Trường giáo dục chuyên biệt Khai Trí và Trung tâm phát triển giáo dục hòa nhập Khai Trí, cho biết: “Những năm gần đây, trung bình mỗi năm có khoảng 300 trẻ tự kỷ đăng ký học tại các cơ sở của Khai Trí. Các cơ quan chức năng như giáo dục, y tế… chưa có nơi nào thống kê số lượng trẻ tự kỷ là bao nhiêu, nhưng thực tế cho thấy ở những bệnh viện nhi đồng, trung tâm tâm thần và tâm thần nhi đang quá tải người đến khám về tự kỷ và chậm phát triển”.
 
Còn tiến sĩ Ngô Xuân Điệp, Trưởng khoa Tâm lý học Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho rằng trên thế giới, trẻ tự kỷ gần đây tăng đột biến và VN cũng không ngoại lệ. Ông Điệp thông tin: “Cách đây 20 năm, 10.000 trẻ mới có 5 – 6 trẻ tự kỷ. Năm 2014, Tổ chức Tầm soát và phòng dịch bệnh của Mỹ khảo sát tỷ lệ là 1/120 và hiện tại là 1/50”.

Không chấp nhận, phụ huynh gửi con học hòa nhập

Ông Trần Tâm, Hiệu trưởng Trường tiểu học Bành Văn Trân (Q.Tân Bình, TP.HCM), cho biết: “Hiện trường có hơn 20 trẻ có các biểu hiện của tự kỷ như tăng động, không giao tiếp với ai, thích thì học, không thích thì thôi, đang học tự động bỏ ra ngoài đi chơi, không kiểm soát được hành vi… Đa số phụ huynhkhông muốn thừa nhận vì ngại những người xung quanh có cái nhìn phân biệt. Cha mẹ biết con mình chậm và khác với trẻ bình thường, có buồn nhưng không chấp nhận. Trường đề xuất phụ huynh đưa trẻ đi kiểm tra để biết con mình có bị tự kỷ hay không, mức độ đến đâu…, thậm chí năn nỉ, nhưng nhiều trường hợp không đi”.
 
Một giáo viên của Trường tiểu học Võ Thị Sáu (Q.Gò Vấp, TP.HCM) cũng thông tin tại trường này, trẻ tự kỷ tăng lên rất nhiều trong mấy năm qua. Nhưng phần lớn phụ huynh biết nhưng e ngại, không muốn bạn bè, họ hàng biết mình có con tự kỷ, nên cứ tiếp tục để con học tại trường mà không đưa đi khám cũng như không tìm phương pháp can thiệp.
 
Theo tiến sĩ Điệp, để chấp nhận có con bất thường là rất khó khăn. Phụ huynh cần được tư vấn về tâm lý để dũng cảm đón nhận vì phải chấp nhận thì mới hỗ trợ, can thiệp kịp thời để giúp con phát triển tốt hơn. “Tuổi vàng để can thiệp tự kỷ là dưới 4 tuổi. Sự phát triển của tế bào thần kinh sau 4 tuổi giảm đi, nên càng can thiệp sớm, cơ hội hòa nhập càng cao”, tiến sĩ Điệp nhìn nhận.

Thiếu giáo viên có chuyên môn

Ông Đỗ Minh Hoàng, nguyên Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM, nhìn nhận giáo viên ở các trường tiểu học lại không có chuyên môn, không được dạy về các kỹ năng, phương pháp dạy trẻ tự kỷ ở trường sư phạm. Vì thế, trẻ bị nhẹ thì còn xử lý được, trẻ có những biểu hiện nặng thì rất khó và tội cho cả cô lẫn trò.
 
Còn theo ông Trần Tâm, lớp quá đông, giáo viên không thể bỏ mặc các học sinh còn lại để chỉ quan tâm tới 1 – 2 trẻ khác biệt. “Trường cố gắng xếp các em đặc biệt vào lớp của các giáo viên có kinh nghiệm. Nhưng thực ra là các giáo viên chỉ có kinh nghiệm chứ không có chuyên môn dạy trẻ tự kỷ. Giáo viên phải được đào tạo bài bản mới có phương pháp để dạy những học trò này”.
 
Theo bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm, ở các nước công nghiệp cao, số trẻ tự kỷ nhiều, chính sách chăm sóc và giáo dục trẻ tự kỷ rất rõ ràng. Ví dụ ở Canada và Mỹ, mỗi trẻ tự kỷ được hỗ trợ giáo dục 25.000 – 30.000 USD/năm.
 
Bác sĩ Mẫm chia sẻ: “Họ có chủ trương cho trẻ tự kỷ vào trường học bình thường, đi kèm là một hoặc hai thầy hoặc cô chuyên biệt, tốt nghiệp ngành tâm lý hoặc giáo dục đặc biệt, có quy định học chung và riêng theo thời khóa biểu mỗi ngày. Nhưng ở VN không được như vậy, do giáo viên chuyên biệt thiếu trầm trọng; trẻ tự kỷ học chung, không được thầy cô giáo chuyên biệt quan tâm, sẽ bị cô lập với các bạn học sinh bình thường”.
 
Ít sinh viên theo học
Ông Võ Đình Vũ, Phó phòng Đào tạo Trường CĐ Sư phạm mẫu giáo trung ương TP.HCM, thông tin: số lượng thí sinh đăng ký ngành giáo dục đặc biệt thường ít hơn các ngành khác. “Mỗi năm trường chỉ đào tạo 20 – 30 em nên không đủ đáp ứng nhu cầu thực tế. Các em học xong có khi cũng đi dạy ở bên ngoài được trả 200.000 – 300.000 đồng/giờ nên ít em muốn nộp hồ sơ vào các trường tiểu học để dạy”, ông Vũ cho hay.
 
 
 
MỸ QUYÊN