Instagram đang khiến loài rái cá tuyệt chủng?
Instagram và một số mạng xã hội khác xuất hiện tràn lan những bức ảnh về loại thú cưng mới: Rái cá. Tuy nhiên, các nhà bảo vệ động vật cảnh báo xu hướng này khiến ngày càng nhiều rái cá bị bắt và buôn bán trái phép, dẫn tới tuyệt chủng.
Instagram đang khiến loài rái cá tuyệt chủng?
Instagram và một số mạng xã hội khác xuất hiện tràn lan những bức ảnh về loại thú cưng mới: Rái cá. Tuy nhiên, các nhà bảo vệ động vật cảnh báo xu hướng này khiến ngày càng nhiều rái cá bị bắt và buôn bán trái phép, dẫn tới tuyệt chủng.Nhiều người yêu thích rái cá vì vẻ ngoài dễ thương của chúng – Ảnh chụp màn hình Shutterstock
Trong một bài viết đăng ngày 23-8, Hãng tin AFP cho biết người dùng mạng xã hội đang “châm thêm dầu vào lửa” cho cơn thèm khát săn tìm rái cá cùng nhiều động vật có nguy cơ tuyệt chủng khác để làm thú cưng. Điều này được xem không hay ho chút nào!
“Những người dùng Instagram nổi tiếng đăng ảnh chụp với những con rái cá của họ có thể chiếm được con tim của hàng trăm ngàn người theo dõi, nhưng các nhóm bảo vệ động vật nói rằng xu hướng như vậy đang đặt ra mối đe dọa sống còn với loài vật có bộ lông óng mượt này” – Hãng tin AFP viết.
Nhà sinh thái học người Mỹ Nicole Duplaix, chủ tịch Nhóm chuyên gia rái cá tại Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), cho biết tình trạng buôn bán trái phép rái cá đã tăng đột ngột trong thời gian qua.
Cơn sốt với loài động vật có vú này trên Instagram đã dẫn tới nhu cầu sở hữu rái cá con tăng mạnh ở các quốc gia châu Á, đặc biệt là Nhật Bản. Theo AFP, tất cả loài rái cá châu Á từ lâu đã được liệt vào diện dễ bị thương tổn hoặc có nguy cơ tuyệt chủng sau nhiều thập niên đối mặt với môi trường sống bị thu hẹp và việc buôn bán bất hợp pháp.
Các bên tham gia Công ước về buôn bán quốc tế các loài nguy cấp (CITES) – hiện đang có cuộc gặp mặt tại Geneva để đánh giá công ước vốn quản lý việc buôn bán hơn 35.000 loài động thực vật này – sẽ xem xét các đề xuất tăng cường bảo vệ cho 2 loài rái cá đang trong tình trạng đặc biệt nguy cấp.
Hiện loài rái cá vuốt bé (tên khoa học: Aonyx cinerea) và rái cá lông mượt (Lutrogale perspicillata) ở châu Á đã được liệt vào diện bị đe dọa tại phụ lục II của CITES. Tuy nhiên, Ấn Độ, Nepal, Bangladesh và Philippines đang yêu cầu chuyển chúng sang phụ lục I – tức có nghĩa cấm buôn bán quốc tế hoàn toàn với 2 loài này.
Các nhà bảo tồn đánh giá động thái như vậy vốn cần thiết. Số lượng 2 loài trên đã giảm ít nhất 30% trong 3 thập niên qua và tốc độ suy giảm đáng kể được ghi nhận trong vài năm qua.
“Đặc biệt nhu cầu sở hữu rái cá để làm thú cưng đã châm ngòi cho thực trạng này. Mạng xã hội thật sự đang đẩy nhanh điều đó” – bà Cassandra Koenen, người dẫn đầu chiến dịch “Động vật hoang dã không phải thú cưng” tại tổ chức Bảo vệ động vật thế giới (WAP), nhận định.
Ông Paul Todd đến từ Hội đồng bảo vệ tài nguyên thiên nhiên (NRDC) ở Mỹ cũng đồng tình với điều đó: “Thật sự đáng chú ý khi các xu hướng mới nhất trên mạng xã hội có liên quan trực tiếp tới việc suy giảm số lượng loài này”.
Những người có ảnh hưởng trên Instagram và Facebook thường xuyên nhận hàng ngàn bình luận về hình ảnh rái cá của họ như: “Vô cùng đáng yêu!” hay “Tôi cũng muốn có một con như vậy!”.
Về câu chuyện này, nhà sinh thái học người Mỹ Nicole Duplaix thừa nhận rái cá là loài vật có vẻ ngoài vô cùng đáng yêu và “chính yếu tố dễ thương đang gây ra sự kết thúc của nó”. Nhật Bản hiện là địa điểm chính diễn ra các vụ buôn bán rái cá, với mức giá một con rái cá con có thể lên tới 10.000 USD.