24/01/2025

Chuẩn bị gì cho lớp 1 theo chương trình giáo dục mới?

Năm học 2019-2020 sẽ là năm cuối cùng trước khi chuyển sang thực hiện chương trình giáo dục mới, khởi đầu từ lớp 1. Khoảng thời gian được xem như ‘bản lề’ chuyển giao giữa hai giai đoạn sẽ có những gì phải chuẩn bị?

 

Chuẩn bị gì cho lớp 1 theo chương trình giáo dục mới?

Năm học 2019-2020 sẽ là năm cuối cùng trước khi chuyển sang thực hiện chương trình giáo dục mới, khởi đầu từ lớp 1. Khoảng thời gian được xem như ‘bản lề’ chuyển giao giữa hai giai đoạn sẽ có những gì phải chuẩn bị?
 
 
 
 

Chuẩn bị gì cho lớp 1 theo chương trình giáo dục mới? - Ảnh 1.

Học sinh học theo mô hình trường học mới (VNEN) – một thử nghiệm có những ưu điểm đã được tiếp thu khi xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới – Ảnh: Trung Tân

 

Theo ông Thái Văn Tài – quyền vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT), trong các năm gần đây bậc tiểu học đã thử nghiệm hoặc triển khai đại trà nhiều nội dung mới gần với hướng phát triển của chương trình giáo dục phổ thông sắp thực hiện.

Tất cả những thành quả đã đạt được sẽ được tiếp thu, điều chỉnh khi triển khai chương trình mới vào năm học sau.

Quan điểm chỉ đạo của Bộ GD-ĐT trong năm học này là đề nghị các địa phương có phương án tuyển hết giáo viên đang dạy hợp đồng để đủ chỉ tiêu biên chế. Làm sao để giáo viên đón nhận nhiệm vụ thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới với sự yên tâm thì mới dốc sức cho công việc được”.

Ông Thái Văn Tài

Tiếp thu thành quả các chương trình đã thực hiện

Chương trình giáo dục tiểu học hiện hành chỉ thiết kế cho học 1 buổi/ngày nhưng Bộ GD-ĐT đã trao quyền cho các địa phương, các trường trong việc chủ động xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp, trong đó những trường đủ điều kiện linh hoạt sắp xếp nội dung chương trình hiện hành để dạy 2 buổi/ngày. Nhờ đó mà hiện có trên 80% học sinh tiểu học cả nước học 2 buổi/ngày, chất lượng giáo dục có chuyển biến tốt hơn so với học 1 buổi/ngày.

Chương trình giáo dục phổ thông mới cũng được thiết kế theo hướng mở và trao quyền cho nhà trường, giáo viên nhiều hơn trong việc xây dựng kế hoạch dạy học. Yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới cũng thúc đẩy các địa phương đặt ra các mục tiêu trong việc xây dựng trường, lớp học hướng tới việc dạy học 2 buổi/ngày.

Trong chương trình hiện hành đã triển khai từ thí điểm đến thực hiện trên diện rộng việc áp dụng các mô hình, phương pháp dạy học tích cực.

Đơn cử như mô hình trường học mới VNEN, phương pháp dạy học mỹ thuật tiếp cận năng lực học sinh, phương pháp dạy học bàn tay nặn bột, dạy học theo tài liệu công nghệ tiếng Việt 1… Việc triển khai các mô hình, phương pháp dạy học tích cực trên là có tài liệu dạy học đi kèm, giáo viên được làm quen, rèn luyện với các phương pháp dạy học tích cực.

“Giáo viên từng tham gia thực hiện các chương trình trên đã có phương pháp, kỹ năng để tiếp cận với chương trình mới không bị lúng túng” – ông Tài nhận định.

Một trong những điểm mới đáng chú ý ở bậc giáo dục tiểu học các năm qua là việc triển khai đổi mới đánh giá học sinh tiểu học theo thông tư 30 và thông tư 22. Bộ GD-ĐT đang giao cho một nhóm nghiên cứu đánh giá thực trạng trên cơ sở thực tiễn ở 600 trường tiểu học.

 

Từ việc đánh giá thực trạng, bộ sẽ phân tích dữ liệu để xác định một khung đánh giá, xây dựng một công cụ đánh giá phù hợp với mục tiêu của chương trình mới là phát triển năng lực, phẩm chất người học.

“Tinh thần chung của thông tư 22 là đánh giá học sinh theo quá trình học tập, ghi nhận, khích lệ sự tiến bộ của học sinh. Điều này đúng với mục tiêu dạy học phát triển năng lực phẩm chất học sinh của chương trình giáo dục phổ thông mới.

Tuy nhiên, việc đổi mới đánh giá trước đây là bám vào chương trình hiện hành. Vì thế chúng tôi sẽ có những điều chỉnh về kỹ thuật để phù hợp với chương trình mới” – ông Tài chia sẻ thêm.

Củng cố trường lớp, giáo viên; biên soạn sách giáo khoa

Theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, đội ngũ giáo viên, trường, lớp học đáp ứng yêu cầu của chương trình sắp triển khai, kể cả giáo viên ở các môn học mới còn có những khó khăn. Hiện tại tỉ lệ giáo viên trên cả nước đạt 1,4 giáo viên/lớp, trong khi theo quy định là 1,5 giáo viên/lớp. Trong số này có 85% giáo viên diện biên chế.

Để bổ sung đội ngũ giáo viên cả về số lượng và chất lượng, Bộ GD-ĐT đã đề nghị các địa phương báo cáo thực trạng và từng bước có kế hoạch bổ sung giáo viên còn thiếu.

Về kế hoạch tập huấn giáo viên, Bộ GD-ĐT đã triển khai việc tập huấn chương trình giáo dục mới, trong đó ưu tiên trước đội ngũ cán bộ quản lý trường tiểu học và giáo viên dạy lớp 1. Sau khi các địa phương lựa chọn sách giáo khoa áp dụng cho chương trình giáo dục mới, Bộ GD-ĐT cũng đề nghị các địa phương kết hợp với các nhà xuất bản tổ chức cho 100% giáo viên tập huấn sử dụng sách giáo khoa.

Với chủ trương dồn dịch các điểm trường trong năm học này, theo ông Thái Văn Tài, Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu khi sáp nhập điểm trường nhỏ về trường chính phải đảm bảo đầu tư đầy đủ các phòng chức năng phục vụ dạy học, có sân chơi, sân tập thể dục, thư viện… Trong đó, các trường sáp nhập liên cấp (tiểu học, THCS) phải bố trí khu học tập riêng biệt do đặc thù việc tổ chức dạy học hai cấp học khác nhau.

Về tiến độ biên soạn, thẩm định sách giáo khoa, hiện đã có 5 bộ sách lớp 1 đang được gửi đến Bộ GD-ĐT và hội đồng thẩm định sách giáo khoa quốc gia đang làm việc, kết quả dự kiến công bố trong tháng 9-2019. Cùng với đó, Bộ GD-ĐT sẽ ban hành thông tư hướng dẫn các địa phương chọn sách giáo khoa. Trước năm học 2020-2021 sẽ có đủ sách giáo khoa cho lớp 1.

Giảm áp lực cho giáo viên

Bộ GD-ĐT cũng đề nghị các địa phương chỉ đạo các nhà trường tiếp cận dần với hướng xây dựng các nhà trường tự chủ trong kế hoạch giáo dục, ứng dụng công nghệ trong quản trị trường học, sắp xếp lao động hợp lý nhằm tạo một môi trường sư phạm dân chủ hơn, khích lệ sáng tạo của thầy, cô giáo.

Ngoài ra, chú ý đến việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho giáo viên được loại bỏ những áp lực không cần thiết như bỏ tất cả các cuộc thi mang tính phong trào, chạy theo thành tích thi đua; rà soát, loại bỏ bớt những quy định về sổ sách cứng nhắc, gây áp lực mệt mỏi, nặng nề cho giáo viên.

Theo TS Thái Văn Tài, Bộ GD-ĐT cũng sẽ có một loạt văn bản ban hành trong năm 2019 nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý cho việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới: hướng dẫn chung triển khai chương trình giáo dục mới, hướng dẫn dạy học đối với lớp 1 từ năm học 2020-2021, hướng dẫn thực hiện nội dung giáo dục của địa phương, hướng dẫn triển khai hoạt động trải nghiệm, hướng dẫn triển khai dạy học môn tiếng Anh, tin học theo chương trình mới…

 

VĨNH HÀ