08/11/2024

Làm gì với ‘bom nổ chậm’ trong bụng?

Túi phình động mạch chủ bụng được ví như ‘quả bom nổ chậm’; nếu bị vỡ đột ngột, một lượng lớn máu tràn xối xả trong ổ bụng gây nguy cơ tử vong trên 90% hoặc để lại di chứng nặng nề.

 

Làm gì với ‘bom nổ chậm’ trong bụng?

Túi phình động mạch chủ bụng được ví như ‘quả bom nổ chậm’; nếu bị vỡ đột ngột, một lượng lớn máu tràn xối xả trong ổ bụng gây nguy cơ tử vong trên 90% hoặc để lại di chứng nặng nề.
 
 
 
 

Làm gì với bom nổ chậm trong bụng? - Ảnh 1.

Bác sĩ Bệnh viện Bình Dân TP.HCM thăm khám cho bệnh nhân vừa được phẫu thuật do vỡ túi động mạch chủ bụng – Ảnh: BVCC

 

Các bác sĩ khoa phẫu thuật tim – mạch máu (Bệnh viện Bình Dân, TP.HCM) vừa phẫu thuật cấp cứu thành công trường hợp túi phình động mạch chủ bụng kích thước 9cm x 8.6cm, giúp ông N.V.V. (57 tuổi, Đắc Lắk) thoát khỏi nguy cơ tử vong nếu túi phình vỡ đột ngột.

Điều khiến cả gia đình người bệnh bất ngờ là sáng cùng ngày, ông V. còn tự chạy xe máy đi kiểm tra sức khỏe mà không hề hay biết về sự tồn tại của một “quả bom nổ chậm” trong bụng.

Đau lưng hóa ra bị túi phình động mạch chủ

Theo ông V., nhiều tháng nay bụng và lưng ông có biểu hiện đau không thuyên giảm. “Tôi chỉ nghĩ nguyên nhân do tuổi tác, thận có vấn đề hoặc do nhiễm lạnh”. Thế rồi tận dụng thời gian ghé thăm con ở TP.HCM, ông chạy xe máy đến Trung tâm chẩn đoán y khoa Medic kiểm tra, nào ngờ “quả bom nổ chậm” to bằng quả bưởi, đe dọa vỡ bất cứ lúc nào.

Ông V. được xe cấp cứu đưa thẳng đến Bệnh viện Bình Dân phẫu thuật. BS CKII Hồ Khánh Đức (khoa phẫu thuật tim – mạch máu) đánh giá đây là ca phẫu thuật nhiều thách thức – không chỉ bởi khối phình “khổng lồ” choán chỗ trong ổ bụng, có phản ứng viêm dính vào đốt sống thắt lưng (đốt sống L1, L2) gây đau lưng, mà cổ túi phình của bệnh nhân còn nằm quá sát động mạch dưới thận, gây bất lợi cho thao tác phẫu thuật.

“Nhóm phẫu thuật mất gần 1 giờ cẩn trọng bóc tách, tìm cách kẹp thành công động mạch ngay dưới thận, ngăn máu đổ về túi phình. Đây là bước rất quan trọng, vì nếu lựa chọn kẹp động mạch trên thận, người bệnh sẽ đối mặt với nguy cơ suy thận vĩnh viễn nếu thời gian thiếu máu trên 30 phút” – BS Đức nói.

Và sau hơn 2 giờ phẫu thuật, các bác sĩ đã loại bỏ trọn khối xơ vữa có trọng lượng 0,5kg trong túi phình, đặt thành công ống ghép dacron (động mạch nhân tạo) vào động mạch chủ bụng thay thế cho đoạn bị phình giãn. Một tuần sau phẫu thuật, ông V. đã có thể đi lại, ăn uống tốt, giảm đau lưng, các chỉ số xét nghiệm máu và chức năng mạch máu ổn định.

Không phải lúc nào cũng can thiệp

Theo các bác sĩ Bệnh viện Bình Dân, phình động mạch chủ bụng là tình trạng động mạch bị giãn ra to hơn bình thường, thành mạch dần yếu, mỏng, có nguy cơ vỡ đột ngột dưới áp lực máu. Đây là động mạch lớn nhất trong cơ thể dẫn máu từ tim đến các cơ quan và các mô ở nửa phần dưới của cơ thể. Khi vỡ túi phình có thể làm người bệnh tử vong bất cứ lúc nào.

Phần lớn các trường hợp phình động mạch chủ bụng không có biểu hiện về mặt lâm sàng. Bởi vậy, bệnh thường bị bỏ qua và rồi vô tình phát hiện khi thăm khám một bệnh lý khác qua siêu âm bụng hay vô tình sờ thấy khối u trong bụng đập theo nhịp tim.

Khi có các dấu hiệu như đau bụng, lưng rồi lan xuống hai chân, vã mồ hôi, ngất, da niêm nhạt, khó thở… cần được ngay lập tức đưa đến bệnh viện để cấp cứu kịp thời.

 

Người bệnh sẽ được chụp phim CT scan mạch máu để đánh giá hình thái và kích thước túi phình, qua đó các bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật mạch máu theo dõi, phẫu thuật loại bỏ túi phình hoặc đặt stent nội mạch nếu kích thước lớn.

“Có trên 80% túi phình có thể can thiệp nội mạch đặt stent, nhưng giá thành đắt gấp 10 lần so với mổ mở, nên chỉ khoảng 20% bệnh nhân có đủ điều kiện. Nếu bảo hiểm y tế thanh toán thì đa số bệnh nhân có thể can thiệp nội mạch. Hiện tại có stent ngoại biên và mạch vành được thanh toán 50%” – bác sĩ Hồ Khánh Đức nói.

TS.BS Lâm Văn Nút – trưởng khoa phẫu thuật mạch máu Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM – khuyến cáo để phòng ngừa, người bệnh cần chú trọng tầm soát bằng phương pháp siêu âm bụng để kịp thời can thiệp.

Tuy nhiên, chỉ khi nguy cơ can thiệp nhỏ hơn nguy cơ vỡ túi phình động mạch chủ bụng thì mới nên can thiệp. Và việc can thiệp hay không còn tùy thuộc vào thời gian sống ước tính của người bệnh.

“Theo khuyến cáo hiện nay, chỉ nên can thiệp với túi phình động mạch chủ bụng ở nam khi độ phình lớn hơn hoặc bằng 55mm, ở nữ túi phình lớn hơn hoặc bằng 50mm, hoặc tốc độ phát triển túi phình lớn hơn hoặc bằng 10mm/năm” – bác sĩ Nút phân tích.

Theo bác sĩ Nút, hiện nay Bệnh viện Chợ Rẫy là nơi mổ thường quy về túi phình động mạch chủ bụng. Mỗi năm có hàng trăm ca nhập viện điều trị, phẫu thuật “quả bom nổ chậm” này.

“Ngày nào tua trực cũng tiếp nhận những ca mổ túi phình động mạch chủ bụng. Cách đây ít ngày, có 4 ca vỡ động mạch chủ bụng nhập viện cấp cứu cùng lúc. Trong số nhiều ca phẫu thuật thành công, cũng có một số ca dù bác sĩ cố gắng hết mình cứu chữa nhưng bệnh nhân không qua khỏi do tình trạng bệnh lý nặng, nhập viện quá trễ”- bác sĩ Nút chia sẻ.

Nguy cơ ở nam gấp 5 lần nữ

Theo các chuyên gia về mạch máu, khi đường kính động mạch chủ bụng lớn hơn 3cm được xác định là phình. Trong đó, phình động mạch chủ bụng dưới thận chiếm 90-95%, và có 40% trường hợp phình động mạch chủ bụng kèm theo phình động mạch chậu. Nam giới có tần suất bị phình động mạch chủ bụng cao gấp 5 lần nữ giới và thường xảy ra ở người trên 60 tuổi. Kế đến là người nghiện thuốc lá, tăng huyết áp và xơ vữa động mạch.

 

 

 

HOÀNG LỘC