13/01/2025

Bác sĩ không thể đào tạo như thợ máy…

Trong câu chuyện về cuộc tự chủ hoàn toàn của bốn bệnh viện (BV) lớn mà Tuổi Trẻ Cuối Tuần số 30 (ngày 11-8) nêu, nguồn tài chính dành cho đào tạo/tái đào tạo đội ngũ bác sĩ/ nhân viên y tế của các bệnh viện này chưa được làm rõ.

 

Bác sĩ không thể đào tạo như thợ máy…

Trong câu chuyện về cuộc tự chủ hoàn toàn của bốn bệnh viện (BV) lớn mà Tuổi Trẻ Cuối Tuần số 30 (ngày 11-8) nêu, nguồn tài chính dành cho đào tạo/tái đào tạo đội ngũ bác sĩ/ nhân viên y tế của các bệnh viện này chưa được làm rõ.



Bác sĩ không thể đào tạo như thợ máy... - Ảnh 1.

Ảnh: sgu.edu

 

Trong sự thay đổi mạnh mẽ và liên tục của ngành y với thuốc men và kỹ thuật y tế mới, nhân sự ngành y nếu không được đào tạo cập nhật sẽ trở thành điểm yếu lớn.

Trả lời TTCT, ông Nguyễn Ngô Quang, phó cục trưởng phụ trách Cục Khoa học – công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế) cho biết quy định hiện nay không dành vốn vay, vốn ngân sách cho đào tạo.

* Vậy làm sao bác sĩ (BS) có thể đi học thêm đúng như quy định hiện hành (nếu không đảm bảo 48 giờ học thêm trong vòng 2 năm thì sẽ bị tạm ngưng chứng chỉ hành nghề)?

Thuốc điều trị và kỹ thuật y khoa thay đổi nhanh chóng, nếu không được cập nhật kiến thức sẽ rất khó đáp ứng yêu cầu; cập nhật kiến thức là trách nhiệm của BS, của BV.

Hiện có hai loại chương trình đào tạo thêm cho BS. Một là loại bắt buộc, theo quy định nói trên. 48 giờ này có thể học từ các khóa tập huấn ngắn hạn, hay do BV, do tỉnh tổ chức.

Hai là tự chọn, ví dụ BS nha khoa muốn đi học thêm về răng sứ có thể tới BV Răng hàm mặt T.Ư hay Viện Đào tạo răng hàm mặt – những nơi có năng lực chuyên khoa và có tổ chức các khóa học chuyên sâu.

BS muốn học nâng cao tay nghề thì phải tự trả học phí, đó là đào tạo theo nhu cầu xã hội.

* Các BV đang lo khi tự chủ tài chính, khoản kinh phí cho đào tạo này không có trong cơ cấu viện phí, về lâu dài không có nguồn thu thì sẽ khó đào tạo, cập nhật kiến thức cho các BS. Ông nói sao về mối lo này?

Từ khi có quy định về đào tạo liên tục kể trên đến nay thì BV và các BS đã thực hiện đúng nhưng chất lượng thì mỗi nơi mỗi khác, và có những nơi chất lượng chưa thật tốt.

Về kinh phí cho đào tạo, tôi có nghe các giám đốc BV, Sở Y tế lo ngại không có trong cơ cấu viện phí, nhưng thực ra Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế) đã hướng dẫn có thể lấy từ quỹ đầu tư phát triển sự nghiệp.

Đây là khoản các BV đều có và chi cho đào tạo nhân lực là đúng nội dung. Đào tạo BS không thể giống như đào tạo thợ máy, học một khóa là xong, BS phải học suốt đời vì nhiều kiến thức còn đổi mới, còn cập nhật liên tục, nếu BS không học có thể tụt hậu.

Về lâu dài, trong quá trình đổi mới chương trình đào tạo y khoa, chúng tôi cũng hướng đến chia công việc cập nhật kiến thức liên tục, tái đào tạo cho BS theo hai nhóm hoạt động: Nhóm cập nhật kiến thức theo quy định bắt buộc, thông qua các hội thảo, hội nghị, các khóa chuyên đề; cần tạo điều kiện cho BS tham gia các chương trình này.

 

Nhóm 2 là những khóa đào tạo để mở rộng phạm vi hành nghề thì Bộ Y tế sẽ quản lý chất lượng đầu ra. Ví dụ để đảm bảo chất lượng cho các BS muốn mở rộng phạm vi hành nghề, muốn đi học thêm về thính học, BS đó phải có chứng chỉ chuyên môn về tai mũi họng.

Bác sĩ không thể đào tạo như thợ máy... - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Ngô Quang – Ảnh: NVCC

 

* Trong gần 10 năm qua, Bộ Y tế có rất nhiều chương trình đào tạo thêm cho BS, như “1816”, BV vệ tinh… Ông thấy hiệu quả của những chương trình này như thế nào? Thực tế cho thấy sự chênh lệch trình độ BS giữa các tuyến ngày càng nhiều do tuyến dưới, BS ở BV tư ít có cơ hội học thêm, ít tiếp cận được các học bổng nước ngoài?

Đây là những chương trình rất hiệu quả cho địa phương, nhưng bộ không thể “ôm” hết công việc. Sở Y tế và BV phải coi đây là nhiệm vụ, trách nhiệm cập nhật kiến thức liên tục cho BS.

Như chương trình 1816, các địa phương tiếp nhận đều thấy mở rộng được danh mục kỹ thuật, nhưng không thể phủ sóng được hết các tỉnh thành. Bộ chỉ “1816” đến tuyến tỉnh, tỉnh lại cập nhật cho tuyến huyện…

Các tỉnh nếu năng động, thấy tỉnh mình cần kỹ thuật nào thì có thể mời êkip chuyên gia về hỗ trợ đào tạo, tư vấn về thiết bị kiểu “cầm tay chỉ việc” cho đến khi thành thạo và triển khai được kỹ thuật. Như vậy, chất lượng chuyên môn ở các tuyến dưới mới nâng dần và bắt kịp tuyến trên.

* Nhiều nơi đang thắc mắc rằng tuyến T.Ư có mối quan hệ rộng rãi với chuyên gia nước ngoài, có nhiều học bổng và cơ hội đi học những khóa đào tạo chất lượng, trong khi các BV địa phương lại rất khó tiếp cận. Ông nghĩ sao về thắc mắc đó? Có cơ hội nào tiếp cận những “học bổng” đó nếu Bộ Y tế có vai trò điều phối?

Tôi ủng hộ BS tham gia các khóa đào tạo nếu BS, cán bộ y tế đó có đủ những tiêu chuẩn về ngoại ngữ và kỹ thuật, đảm bảo tiếp thu được sau những khóa học ở nước ngoài hoặc học với chuyên gia nước ngoài.

Nếu BV, địa phương coi trọng vấn đề nhân lực và dành ngân sách đào tạo nhân lực chất lượng cao thì ở đó có nhiều cán bộ y tế giỏi. Gần đây khi tháp tùng bộ trưởng Bộ Y tế tới các địa phương, tôi thấy một số nơi như Quảng Ninh, Ninh Bình hay Đồng Nai rất chú trọng đào tạo thêm cho BS. Quảng Ninh đã mời chuyên gia Đài Loan (Trung Quốc) sang đào tạo về kỹ thuật, mời chuyên gia BV Bạch Mai, Việt Đức, Trung tâm tim mạch BV E đào tạo…

Kết quả, BV tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện được 94% kỹ thuật trong danh mục kỹ thuật y khoa, BV sản nhi Quảng Ninh có chuyên môn tốt và tổ chức hoạt động khám chữa bệnh rất thân thiện, được đánh giá cao. Vai trò của Bộ Y tế ở đây là tạo hành lang pháp lý, còn trách nhiệm là của địa phương, để người dân của tỉnh thành mình được chăm sóc sức khỏe tốt hơn.

* Ông Trần Ngọc Lương (giám đốc BV Nội tiết trung ương):

Tôi cũng phải học thêm

Ngay như tôi là người đào tạo chuyên sâu cho rất nhiều BS, từ 2009 đến nay đã có khoảng hơn 300 BS nước ngoài đã đến học về kỹ thuật phẫu thuật nội soi tuyến giáp tại BV chúng tôi, nhưng chính bản thân tôi cũng phải học thêm, thông qua các hội nghị, hội thảo; có gì mới trong lĩnh vực của tôi là tôi sẽ đi học.

Thầy thuốc là nghề cần học thêm, cập nhật thêm liên tục, nếu không sẽ tụt hậu, học BS đa khoa xong mới chỉ là cơ bản, phải học thêm chuyên khoa, chuyên khoa sâu…

* TS.BS Phạm Xuân Dũng (giám đốc BV Ung bướu TP.HCM):

Nhân lực quyết định chất lượng điều trị

 

TS.BS Phạm Xuân Dũng - giám đốc BV Ung bướu TP.HCM. Ảnh: DUYÊN PHAN

TS.BS Phạm Xuân Dũng – giám đốc BV Ung bướu TP.HCM – Ảnh: DUYÊN PHAN

 

Sau khi ra trường, các BS, điều dưỡng, kỹ thuật viên… đều phải được tiếp tục đào tạo. Mỗi năm, BV Ung bướu đều tổ chức những buổi huấn luyện thường xuyên theo quy định để cập nhật những kiến thức trong ngành y. Các điều dưỡng sẽ tham gia những buổi tập huấn này để được cập nhật kiến thức.

Ngoài ra còn có Hội điều dưỡng, cũng là một nơi để nâng cao trình độ chung cho các điều dưỡng. Với kỹ thuật viên như kỹ thuật viên phóng xạ… cũng cần được liên tục đào tạo để nâng cấp, nâng cao trình độ.

Các loại máy trong ngành y, đặc biệt với ngành ung thư, càng lúc càng hiện đại, nếu các kỹ thuật viên không được đào tạo chắc chắn sẽ không sử dụng một cách hiệu quả, thậm chí còn gây nguy hiểm cho người bệnh.

Tại BV Ung bướu, các kỹ thuật viên, các kỹ sư về phóng xạ đều được BV gửi sang nước ngoài học, hoặc mỗi năm đều có các chuyên gia nước ngoài về giảng dạy.

Với các BS, sau khi tốt nghiệp ra trường sẽ có ít nhất hai năm để đi qua 3 khu vực điều trị là ngoại, xạ trị, hóa trị để nắm bắt được cái nhìn tổng thể về BV ung thư, sau đó mới chọn lĩnh vực chuyên sâu.

BV cũng sắp xếp cho các BS trẻ học hỏi qua những lần hội chẩn cùng với các BS có nhiều kinh nghiệm hơn để quyết định một phương án điều trị cho bệnh nhân. Đó là cách tự đào tạo của BV. Khi BV tổ chức hội thảo chuyên đề, ngoài tham dự, việc tham gia các báo cáo khoa học cũng là một cách tự đào tạo, nâng cấp trình độ cho BS.

Hầu hết BS xạ trị, ngoại khoa tại BV Ung bướu đều được đi học ở nước ngoài. BV có rất nhiều nghiên cứu lâm sàng của các công ty hoặc từ nước ngoài đưa vào nên các bác sĩ có cơ hội tham gia nghiên cứu nhiều.

Các BS về làm tại BV một năm đều được cho đi học. Vì vậy, hiện BS chuyên khoa 1 và chuyên khoa 2 trên tổng số các BS bác sĩ trong BV chiếm tỉ lệ cao nhất trong cả nước.

Hiện nay, các BV có sự cạnh tranh về chất lượng điều trị. Đối với nghề y, nguồn nhân lực quyết định chất lượng điều trị. Một BV muốn có chất lượng điều trị tốt phải có các BS giỏi, mà muốn giỏi thì phải tự học.

Hiện các BV sẵn sàng lấy những người tốt nhất của BV công bằng cách trả một mức lương rất cao mà hiện BV công chưa thể trả nổi, hoặc có những bác sĩ giỏi ra ngoài làm riêng. Do vậy, các BV công buộc phải đào tạo các lớp kế tiếp.

Đào tạo một BS rất đắt tiền. Trước đây, hai BS của BV Ung bướu tự tìm được học bổng qua Nhật Bản học tiến sĩ trong 4 năm. Khi hai BS này thông báo cho ban giám đốc BV, BV đã xin ý kiến Sở Y tế, các cơ quan chức năng để cử hai BS này qua Nhật Bản học và được nhận lương của BV trong 4 năm đi học.

Nhưng sau khi đi học về, hai tiến sĩ này làm vài năm tại BV rồi xin nghỉ để sang một BV tư khác làm việc. Singapore có quy định: một BS sau khi được BV cử đi học một kỹ thuật mới phải làm việc tại BV trong bao nhiêu năm, đến khi BV đó đào tạo được người mới mới được đi.

Luật lao động nước mình chưa quy định điều này. Theo tôi, nên có quy định đơn vị nào lấy nguồn nhân lực của một BV nào thì cần phải trả lại số tiền mà BV đã đào tạo cho nguồn nhân lực đó để đào tạo một người khác.

 

THÙY DƯƠNG ghi

LAN ANH thực hiện