25/01/2025

Xuất bản sách giấy tăng mạnh, sách điện tử ‘đóng băng’

Trong khi sách giấy tăng mạnh bắt đầu từ năm 2017 thì sách điện tử sau vài năm rầm rộ lúc ban đầu, nay đã bắt đầu ‘đóng băng’. Ngày sách Việt Nam đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đồng ý đưa vào dự thảo Luật thư viện…

 

Xuất bản sách giấy tăng mạnh, sách điện tử ‘đóng băng’

Trong khi sách giấy tăng mạnh bắt đầu từ năm 2017 thì sách điện tử sau vài năm rầm rộ lúc ban đầu, nay đã bắt đầu ‘đóng băng’. Ngày sách Việt Nam đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đồng ý đưa vào dự thảo Luật thư viện…


 

Xuất bản sách giấy tăng mạnh, sách điện tử ‘đóng băng’ - Ảnh 1.

Ngày sách Việt Nam 21-4 đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đồng ý đưa vào dự thảo Luật thư viện nhằm cổ vũ phong trào đọc sách trong nhân dân – Ảnh: THIÊN ĐIỂU

 

Đây là những thông tin đáng chú ý được đưa ra tại hội nghị giao ban công tác xuất bản 6 tháng đầu năm 2019 diễn ra sáng nay 15-8 tại Hà Nội.

Hội nghị do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức. Ông Lê Mạnh Hùng – phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương – cùng Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo chủ trì hội nghị.

Phát hành sách giấy tăng hơn 40%, sách điện tử èo uột

Báo cáo của Cục Xuất bản, in và phát hành được trình bày tại hội nghị cho biết trong 6 tháng đầu năm 2019 có 17.111 xuất bản phẩm với hơn 250 triệu bản được nộp lưu chiểu, tăng 6,9% về xuất bản phẩm và tăng tới 43,6% về số bản được phát hành so với cùng kỳ năm 2018.

Tham luận tại hội nghị, ông Lê Hoàng – phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam – còn cung cấp những số liệu cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ về số lượng bản sách và các xuất bản phẩm được xuất bản từ năm 2017 đến nay.

Ông Lê Hoàng cho biết năm 2014 có khoảng 360 triệu bản sách, xuất bản phẩm khác được xuất bản, nhưng con số này cứ tụt dần còn hơn 200 triệu bản, cho tới năm 2017 thì bất ngờ tăng lên 416 triệu bản, đến 6 tháng đầu năm 2019 thì đã đạt hơn 250 triệu bản.

Trong khi số lượng sách in tăng mạnh vài năm gần đây thì sách điện tử (e-book) hiện lại đang “đóng băng”.

Tham luận về vấn đề này tại hội nghị, đại diện Nhà xuất bản Trẻ cho biết trong khi xu hướng của thế giới là sách điện tử tăng mạnh, đang áp đảo sách giấy, thì sau 10 năm, thị trường sách điện “có vẻ đã lắng xuống, có công ty đã rời thị trường, có công ty đóng băng”.

Đại diện Nhà xuất bản Trẻ cho biết theo báo cáo của Cục Xuất bản, in và phát hành thì trong hai năm 2017-2018, mỗi năm chỉ có khoảng 200 xuất bản phẩm điện tử nộp lưu chiểu so với khoảng 30.000 bản sách in.

Tuy thế, đại diện Nhà xuất bản Trẻ cho rằng sách điện tử là xu hướng tất yếu của thời đại. Vì vậy, đơn vị này đề xuất các nhà quản lý nên sớm có chiến lược quốc gia về xuất bản và phát hành sách số.

Theo báo cáo của Cục Xuất bản, in và phát hành, hiện có 5 nhà xuất bản được xác nhận đăng ký hoạt động xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử.

Đưa Ngày sách Việt Nam vào Luật thư viện

Phát biểu tại hội nghị, ông Hoàng Vĩnh Bảo chia sẻ tin vui rằng Ngày sách Việt Nam đã được đưa vào dự thảo Luật thư viện, cho thấy sự quan tâm của các lãnh đạo cao cấp với sự phát triển của văn hóa đọc.

Chia sẻ thêm với Tuổi Trẻ Online, ông Hoàng Vĩnh Bảo nói rõ hơn, trong cuộc họp mới đây của Ủy ban Thường vụ Quộc hội, ủy ban này đã thống nhất đồng ý giao cơ quan xây dựng dự thảo Luật thư viện đưa vào điều khoản quy định ngày 21-4 là Ngày sách Việt Nam.

Luật thư viện sẽ được thảo luận thông qua vào kỳ họp Quốc hội tháng 10 tới đây. Việc đưa Ngày sách Việt Nam vào luật nhằm cổ vũ phong trào đọc sách và nâng cao văn hóa đọc trong nhân dân.

44 xuất bản phẩm vi phạm bị xử lý

Báo cáo của Cục Xuất bản, in và phát hành thì trong 6 tháng đầu năm 2019, có 44 xuất bản phẩm vi phạm bị xử lý, giảm 8,4% so với cùng kỳ năm 2018.

Trong đó Cục Xuất bản, in và phát hành xử lý 30 xuất bản phẩm (22 xuất bản phẩm vi phạm nội dung xuất bản phẩm, 8 xuất bản phẩm sai sót về câu chữ, chính tả); nhà xuất bản tự xử lý và báo cáo Cục Xuất bản, in và phát hành dừng phát hành, thu hồi để sửa chữa 14 xuất bản phẩm.

 

 

 

THIÊN ĐIỂU