Tăng hơn 75.000 học sinh, TP.HCM xây thêm trường vẫn quá tải
Năm học 2019-2020, TP.HCM tăng hơn 75.000 học sinh so với năm học trước. Theo Sở GD-ĐT TP, số học sinh tăng ở tất cả các cấp, tăng theo thời gian và tăng rất nhanh.
Tăng hơn 75.000 học sinh, TP.HCM xây thêm trường vẫn quá tải
Năm học 2019-2020, TP.HCM tăng hơn 75.000 học sinh so với năm học trước. Theo Sở GD-ĐT TP, số học sinh tăng ở tất cả các cấp, tăng theo thời gian và tăng rất nhanh.Năm học 2018-2019, học sinh lớp 1 Trường tiểu học Lê Văn Thọ, Q.12, TP.HCM có sĩ số đến 60 em – Ảnh: NHƯ HÙNG
Sĩ số cao, phải học một buổi… là chuyện tiếp tục xảy ra tại một số quận, huyện.
Không thể mở lớp 2 buổi/ngày
Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, trưởng Phòng GD-ĐT Q.9, TP.HCM cho biết năm học mới, chỉ tính riêng học sinh tiểu học và THCS thì con số đã tăng hơn 2.000 em so với năm trước, chưa tính đến số trẻ mầm non. Năm nay, Q.9 sẽ đưa vào sử dụng 5 trường mới gồm 2 trường mầm non, 2 trường tiểu học và 1 trường THCS.
“Hai trường mới là Tiểu học Phạm Văn Chính và Tiểu học Trần Thị Bưởi được xây dựng trên địa bàn “nóng” – có rất đông dân nhập cư. Đến nay, hai trường này đã tiếp nhận hơn 1.500 học sinh lớp 1 và cả các lớp khác từ những trường lân cận chuyển sang vì quá tải” – bà Hiền thông tin.
Ngoài ra, quận còn xây mới (trên nền đất cũ) cơ sở 2 của Trường tiểu học Hiệp Phú, tháng 8 này đã tiếp nhận hơn 600 học sinh vào học. Tuy nhiên, theo bà Hiền, sĩ số học sinh/lớp vẫn không thể giảm vì Q.9 thu hút khá đông dân nhập cư. Để đảm bảo tỉ lệ 100% học sinh được học 2 buổi/ngày thì phải chấp nhận sĩ số học sinh/lớp vượt chuẩn.
“Năm nay, dù đã cố gắng xây dựng thêm nhiều phòng học mới nhưng sĩ số bình quân của các lớp tiểu học trên địa bàn quận vẫn ở mức 40-42 em/lớp. Những lớp đông nhất thì khoảng 48 em, trong khi Bộ GD-ĐT quy định sĩ số học sinh tiểu học không được vượt quá 35 em/lớp” – bà Hiền giải thích.
Tương tự, ông Trần Khắc Huy, trưởng Phòng GD-ĐT Q.Tân Bình, cho biết ngày 4-9 sẽ tổ chức khánh thành hai trường học mới là Mầm non Tân Sơn Nhất và Tiểu học Phan Huy Ích. Đây là một nỗ lực rất lớn của quận.
Thông thường mỗi phường chỉ có một trường tiểu học, ở phường 15 quận này đã có hai trường tiểu học là Tân Trụ và Nguyễn Văn Kịp nhưng vẫn quá tải vì dân nhập cư tăng nhanh quá, năm học trước cả hai trường này đều không thể mở lớp 2 buổi/ngày vì thiếu phòng học.
“Năm nay, chúng tôi xây dựng thêm Trường tiểu học Phan Huy Ích cũng ở phường 15 nhằm giải quyết điểm “nóng” ở đây. Nói chung, tình hình ở phường 15 năm nay dễ thở hơn, cả ba trường tiểu học trên địa bàn phường đều mở được lớp bán trú nhưng sĩ số học sinh/lớp vẫn khá cao” – ông Huy thông tin.
Tại Q.Bình Tân, năm học mới này quận đưa vào sử dụng hai trường mầm non mới và sửa chữa, nâng tầng, xây mới thêm 112 phòng học cho bậc tiểu học và THCS.
Phòng GD-ĐT Q.Bình Tân cho biết năm nay toàn quận có hơn 12.000 học sinh vào lớp 1, trong khi đó số học sinh lớp 5 ra trường là 9.316. Vì vậy, để bảo đảm đủ chỗ cho học sinh lớp 1, quận đã đầu tư xây mới 53 phòng học.
Ở bậc THCS, toàn quận có 9.200 học sinh vào lớp 6, trong khi số lớp 9 ra trường là 5.419 (tăng gần 4.000 học sinh), để đảm bảo đủ chỗ học, quận đã phải xây mới thêm 59 phòng học.
Dù vậy, một cán bộ Phòng GD-ĐT Q.Bình Tân vẫn phải thừa nhận: “Việc xây mới phòng học chỉ bảo đảm việc học 1 buổi/ngày, còn về sĩ số học sinh/lớp vẫn rất áp lực. Đặc biệt, tỉ lệ học 2 buổi/ngày thì không thể tăng thêm”.
Giờ học của học sinh lớp 1 Trường tiểu học Lê Văn Thọ (Q.12, TP.HCM) với sĩ số lên đến 60 học sinh trong năm học 2018-2019. Năm học 2019-2020, tình trạng này sẽ tiếp tục diễn ra ở một số quận, huyện của TP.HCM – Ảnh: NHƯ HÙNG
Bài toán nan giải
Theo bà Bùi Thị Diễm Thu – phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, năm học 2019-2020 TP sẽ đưa vào sử dụng thêm gần 1.500 phòng học mới, bao gồm xây thay thế 237 phòng học, xây tăng thêm hơn 1.200 phòng học.
Tính trung bình những năm gần đây, mỗi năm TP xây thêm 1.200-1.500 phòng học mới. Tuy nhiên, con số trên chẳng thấm tháp vào đâu so với số học sinh tăng cao chóng mặt.
Trong đó số học sinh trong năm học 2019-2020 tăng nhiều ở cấp tiểu học và THCS, tập trung tại một số quận như: 7, 9, 12, Gò Vấp, Tân Phú, Bình Tân, Thủ Đức và các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi do những khu vực trên đang trong giai đoạn đô thị hóa nhanh, tình trạng dân số tăng cơ học cao.
Cũng theo bà Thu, năm học 2018-2019 số học sinh không có hộ khẩu tại TP là 367.298. Áp lực này làm gia tăng sĩ số học sinh/lớp, học sinh tham gia học 2 buổi/ngày (đây được xem là điều kiện cần thiết để nâng cao chất lượng giáo dục) cũng giảm; điều kiện về sân chơi, bãi tập, thư viện… đều co hẹp lại, gây khó khăn cho ban giám hiệu các trường.
Trong khi đó, tại hội nghị tổng kết năm học 2018-2019, ông Lê Hồng Sơn, giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết năm học 2019-2020 TP vẫn đảm bảo 100% con em sinh sống trên địa bàn có đủ chỗ học.
Sở GD-ĐT đã rà soát với 24 quận, huyện về kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016-2020, tính đến tháng 6-2019 TP đã đạt 278 phòng học/10.000 dân số trong độ tuổi đi học (3-18 tuổi).
Để đảm bảo chỉ tiêu đến năm 2020 đạt 300 phòng học/10.000 dân số trong độ tuổi đi học theo nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ X, ngành GD-ĐT và chính quyền các cấp của TP cần phải nỗ lực rất cao – nhất là trong bối cảnh học sinh cứ tăng lên theo thời gian.
Đỏ mắt tìm chỗ học bán trú
Do thiếu phòng học, nhiều trường ở các khu có đông dân nhập cư phải tận dụng cả phòng chức năng như phòng thực hành, thí nghiệm… để làm phòng học. Việc mở lớp bán trú (học 2 buổi/ngày) lại càng xa xỉ. Thế nên phụ huynh cũng rất vất vả khi con có chỗ học rồi vẫn chưa yên tâm, mà phải chạy đôn chạy đáo xin một suất học bán trú.
Trong khi đó, đặc thù ở TP.HCM đa số phụ huynh đều có nhu cầu cho con em học bán trú vì họ đi làm cả ngày, không có điều kiện đưa đón và chăm sóc con khi con ở nhà. Ngoài chuyện khó khăn trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, đây cũng là một hệ lụy của việc tăng học sinh quá nhanh. (Trưởng phòng GD-ĐT một quận vùng ven ở TP.HCM)
Chuẩn bị cho việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT vừa ban hành chỉ thị về nhiệm vụ và giải pháp năm học 2019-2020 của ngành giáo dục. Trong đó nhấn mạnh nhiều nội dung chuẩn bị cho việc triển khai đại trà chương trình giáo dục phổ thông mới.
Trong việc rà soát, dự báo quy mô phát triển giáo dục, Bộ GD-ĐT nhấn mạnh việc hướng dẫn, kiểm tra dồn dịch các điểm trường lẻ, sáp nhập cơ sở giáo dục có quy mô nhỏ ở địa phương, sắp xếp mạng lưới trường, lớp học theo nguyên tắc đảm bảo quyền lợi cho học sinh.
Với việc nâng cao đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD-ĐT yêu cầu các địa phương chủ động đặt hàng trường sư phạm trong việc bồi dưỡng giáo viên gắn với nhu cầu sử dụng. Trong đó lưu ý bồi dưỡng giáo viên dạy lớp 1 và cán bộ quản lý phục vụ triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.
Bên cạnh đó, tăng cường các giải pháp nâng cao đạo đức nhà giáo, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm đạo đức nhà giáo. Vấn đề giáo viên hợp đồng cũng được bộ trưởng Bộ GD-ĐT lưu ý phải xử lý dứt điểm trong năm học này, từng bước giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên.
Năm học 2019-2020 cũng là năm học Bộ GD-ĐT phải tiến hành thẩm định SGK, trong đó ưu tiên thẩm định SGK lớp 1, triển khai tập huấn giáo viên, chuẩn bị cơ sở vật chất sẵn sàng cho triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới vào năm học sau.
Nhiều vấn đề tiệm cận với chương trình giáo dục phổ thông mới như tăng cường phân luồng, hướng nghiệp sau THCS, THPT, đổi mới phương pháp dạy học, đánh giá học sinh, các giải pháp an toàn cho học sinh, phòng chống bạo lực học đường, đổi mới các hình thức giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh… đã được đưa vào nhiệm vụ trọng tâm của năm học này.