Đổi cách ăn uống, loài người sẽ tránh được ‘ngày phán quyết cuối cùng’?
Uỷ ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) dự báo khủng hoảng lương thực sẽ xảy ra nếu nhân loại không hành động ngay để kiểm soát lượng khí thải carbon, đặc biệt là tại các nước vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới.
Đổi cách ăn uống, loài người sẽ tránh được ‘ngày phán quyết cuối cùng’?
Uỷ ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) dự báo khủng hoảng lương thực sẽ xảy ra nếu nhân loại không hành động ngay để kiểm soát lượng khí thải carbon, đặc biệt là tại các nước vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới.
Theo ủy ban này, từ thời điểm hiện tại trở đi, hiện tượng biến đổi khí hậu sẽ khiến giá cả các mặt hàng lương thực tăng, tạo ra tình trạng mất an ninh lương thực trên diện rộng. Tuy nhiên, không phải là không có giải pháp. Dẫu sao đó cũng là một điều may mắn.
Bản báo cáo vừa công bố dự đoán một đợt khủng hoảng lương thực sắp xảy ra nếu chúng ta không kiểm soát được lượng khí thải carbon, đặc biệt là tại các nước vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới.
Hơn nữa, nhiệt độ Trái đất nóng lên cũng sẽ làm giảm giá trị dinh dưỡng của một số cây trồng lẫn năng suất thu hoạch.
Các biểu hiện ngày càng dày đặc
Theo bà Cynthia Rosenzweig – chuyên gia về khí hậu làm việc tại Viện Goddard cho chương trình nghiên cứu vũ trụ của NASA và là tác giả chính phụ trách điều phối thực hiện bản báo cáo này của IPCC, những hiện tượng thời tiết cực đoan đã gia tăng nhanh về diện lẫn cường độ và phần nào đã khiến giá cả tiêu thụ tăng vọt trong những năm gần đây.
Những trận lụt diện rộng tại vùng Trung Tây nước Mỹ trong năm nay đã làm chậm đáng kể tiến độ gieo hạt trong các trang trại trồng đậu nành và bắp (ngô), ảnh hưởng không nhỏ đến bảo đảm mùa vụ và cả năng suất thu hoạch.
Hạn hán đã tàn phá nhiều cánh đồng lúa tại Thái Lan và Indonesia, trong khi tại Ấn Độ nắng nóng đã thiêu cháy các đồn điền trồng mía và các loại cây có dầu.
Mùa hè năm nay tại châu Âu, những đợt nắng nóng dữ dội đạt kỷ lục chưa từng có từ trước đến nay đã phá hủy mùa màng, đặc biệt bị nặng nhất là các cánh đồng trồng nho tại Pháp, sản lượng dự đoán sẽ bị giảm 13%.
Trong cuộc họp báo tại Geneva (Thụy Sĩ) ngày 8-8, bà Rosenzweig đã nhấn mạnh: “Các khu vực được xem như những vựa lúa của thế giới có nguy cơ giảm năng suất rất cao”. Khái niệm vựa lúa được hiểu là những khu vực sản xuất ngũ cốc có diện tích lớn, như nhiều vùng cao nguyên tại Mỹ hoặc những vùng trồng lúa gạo lớn tại các nước Đông Nam Á.
Chuyên gia Rosenzweig cũng giải thích thêm rằng năng suất nhiều loại cây trồng và tỉ lệ tăng trưởng của nhiều vật nuôi cũng đã giảm đi đáng kể. Và giảm cả hàm lượng dinh dưỡng khi lượng khí thải CO2 tăng. Hệ lụy là những nước nghèo có nguy cơ rơi vào nạn đói và người dân bị suy dinh dưỡng.
Bản báo cáo dày 1.300 trang nói trên của IPCC là văn bản đầu tiên đề cập một cách toàn cục những hệ quả tương tác giữa đất và khí hậu, tập hợp các kết quả khảo sát từ 103 chuyên gia đến từ 52 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Theo ông Jim Skea – đồng chủ tịch của một nhóm làm việc của IPCC, đây là bản báo cáo có quy mô rất rộng với tham vọng chưa từng có trước đây. Phải khó khăn lắm mới đạt được đồng thuận về bản tóm tắt tổng hợp.
Ngưng phá rừng, giảm tiêu thụ thịt động vật…
Nói về phương cách sản xuất lương thực, các tác giả khuyến cáo việc chuyển đổi từ một nền nông nghiệp dựa trên nền tảng sản xuất công nghiệp sang hình thức quản lý đất đai mang tính bền vững hơn dựa trên các thành tựu kỹ thuật về nông nghiệp sinh học, nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp sinh thái.
Ông Louis Verchot, thuộc Trung tâm Quốc tế về nông nghiệp nhiệt đới và là một trong những tác giả chính của bản báo cáo, nêu rõ: “Chúng ta nhất thiết phải bảo vệ chất lượng của toàn bộ diện tích đất được sử dụng để sản xuất ra thực phẩm”.
Điều đó có nghĩa là phải chấm dứt cho được tình trạng đất bạc màu, nguồn nước bị ô nhiễm, côn trùng có ích bị tiêu diệt và không được làm biến chất tất cả các thành tố trong sinh quyển đi từ mảnh đất canh tác đến bàn ăn của người tiêu thụ là chính chúng ta.
Theo bà Pamela McElwee – thuộc Đại học Rutgers (Mỹ), một trong những tác giả chính của báo cáo IPCC, chúng ta hoàn toàn có thể gia tăng sản xuất lương thực thực phẩm mà vẫn chủ động được việc giảm thiểu lượng khí thải carbon và bảo vệ tốt hệ sinh thái của hành tinh.
Bà phát biểu trong họp báo: “Chúng ta không cần nhờ đến những công nghệ mới nào cả, đơn giản là chỉ cần đưa ra những quyết định cụ thể rõ ràng”.
Những quyết định đó là gì? Khá đơn giản về lý thuyết, đó là: ngưng phá rừng ở những nước vùng nhiệt đới, bảo vệ những vỉa than bùn và những khu vực ngập nước ven biển, triệt để không lãng phí lương thực thực phẩm, giảm tiêu thụ thịt động vật.
Và còn một quyết định quan trọng khác nữa là chuyển đổi sang các phương thức sản xuất nông nghiệp bền vững trên bình diện rộng lớn, nhằm sản xuất ra được nhiều hơn lượng thực phẩm nuôi sống chúng ta, đồng thời với việc làm gia tăng hàm lượng carbon hữu cơ trong đất, cải thiện điều kiện sống của những nhà sản xuất nhỏ và tăng cường đa dạng sinh học.
Theo bà Charlotte Streck – giám đốc điều hành Viện Climate Focus, việc cấp bách hiện nay là bảo vệ cho được không gian rừng hiện hữu. Việc gia tăng tiêu thụ thịt động vật tại Trung Quốc và tại châu Á nói chung thật sự đã gây hại cho rừng và khí hậu vì 60% diện tích đất nông nghiệp được sử dụng để nuôi gia súc.
Cho nên, giảm tiêu thụ thịt động vật sẽ giúp chuyển đổi một diện tích đất đai rộng lớn để trồng lại cây xanh, tái tạo rừng.
“Hậu quả của biến đổi khí hậu sẽ còn tệ hơn những gì ta đã thấy trong những cơn ác mộng tồi tệ. Có 50% nguy cơ là ngày phán quyết cuối cùng sẽ diễn ra trong 100 năm tới. Chúng ta cần hành động nhanh chóng và cương quyết”. Sir Martin Rees – nhà vật lý thiên văn hoàng gia Anh 77 tuổi – từng dự báo thế kỷ 21 sẽ là thế kỷ cuối cùng của nhân loại. Nhưng trong quyển sách mới xuất bản Trên đường tương lai, dù vẫn bi quan về tương lai nhân loại nhưng ông có đặt niềm tin vào sự đóng góp mang tính chỉnh sửa của khoa học.