Cụ thể, ông Phạm Tùng Linh (chủ quán phở Hòa) cho biết trong vòng 20 ngày, quán của ông đã 8 lần bị người lạ tấn công bằng sơn, mắm tôm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công việc kinh doanh. Nhiều khách hàng đến đây ăn phở cũng bị vạ lây và hoảng sợ.
Thời gian đầu, người lạ thường tấn công quán phở vào đêm khuya, rạng sáng. Nhưng những ngày gần đây, các nhóm giang hồ nhiều lần ngang nhiên tấn công quán phở bất kể thời gian. “Mỗi lần bị người lạ tấn công, tôi có báo Công an P.8 và cán bộ công an có đến ghi nhận vụ việc; yêu cầu tôi làm tường trình nhưng sau đó quán phở vẫn tiếp tục bị tấn công”, ông Linh nói.
Theo thông tin ban đầu, những nhóm người ném chất bẩn vào quán phở Hòa nhằm “khủng bố” tinh thần chủ quán để buộc phải trả tiền thay cho em rể chủ quán là ông Trần Anh Tuấn.
Công an “đang điều tra”
Việc phở Hòa bị tạt chất bẩn sẽ làm hình ảnh thành phố không được đẹp trong mắt người dân và khách du lịch. Không thể chấp nhận ở ngay trung tâm
thành phốlại để xảy ra hình ảnh xấu xí như vậy được. Cho nên công an cần phải sớm tính toán, xử lý nghiêm vụ việc, răn đe đối tượng, không để diễn ra tình trạng tương tự ở thành phố
Bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM
Trả lời PV Thanh Niên, trung tá Lại Văn Thanh, Trưởng công an P.8 (Q.3), nói đang phối hợp với Công an Q.3 xác minh, điều tra vụ việc. Qua trình báo của gia đình nạn nhân, ông Tuấn mượn tiền của rất nhiều băng nhóm, vì thế công an vẫn đang xác định băng nhóm nào đã tấn công quán phở Hòa.
Nhân viên phở Hoà bị chất bẩn giang hồ ném văng lên người Ảnh: Cắt từ clip
|
Trung tá Thanh cho rằng việc các băng nhóm liên tục đến quán phở khủng bố bắt chủ quán phải trả tiền thay cho ông Tuấn là điều vô lý, không chấp nhận được. “Ai mượn thì người đó trả, làm sao bắt người không liên quan trả thay”, ông Thanh nói.
Tuy nhiên, do các băng nhóm này đeo khẩu trang, ném chất bẩn vào quán diễn ra rất nhanh nên rất khó bắt giữ ngay. Những lần chủ quán phở Hòa trình báo bị ném chất bẩn, Công an P.8 đều ghi nhận vụ việc, thu thập hình ảnh từ camera an ninh của quán để xác minh. Thời gian các băng nhóm ném chất bẩn thường vào đêm khuya, rạng sáng nên rất khó theo dõi truy bắt. Công an phường thường xuyên tổ chức tuần tra qua khu vực này. Khi phát hiện công an, các băng nhóm không ném chất bẩn. Nhưng khi công an đi chỗ khác thì những người lạ lại tấn công quán phở. Nhiều lần công an phường nhận tin báo từ quán, nhanh chóng cử lực lượng đến hỗ trợ. Đến nơi, những người này chỉ lớn tiếng đòi tiền, không đập phá, không gây rối trật tự công cộng nên công an cũng không thể làm gì.
“Công an phường không đủ lực lượng lập chốt ngay quán phở 24/7 để canh không cho người lạ tạt sơn, chất bẩn. Công an thực hiện công tác tuần tra; đề nghị gia đình khi xuất hiện người lạ thì báo ngay cho công an phường để được can thiệp nhanh chóng”, ông Thanh nói.
Hai người bịt mặt ném chất bẩn vào phở Hòa sáng 31.7 Ảnh cắt từ clip
|
Không xử nghiêm, hình ảnh Thành phố sẽ trở nên xấu xí
Liên quan đến vụ việc trên, trao đổi với PV Thanh Niên, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Ngô Minh Châu cho biết “đã nắm thông tin và đã có chỉ đạo công an sớm làm rõ vụ việc”.
Trong khi đó, bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban Văn hóa – Xã hội HĐND TP.HCM, cho rằng phở Hòa là quán phở lớn và nổi tiếng, lại nằm giữa trung tâm TP nên có rất nhiều thực khách, nhất là kiều bào và khách Tây ghé ăn. Do đó, việc quán phở này bị tạt sơn, chất bẩn sẽ rất ảnh hưởng đến hình ảnh của TP và tình hình an ninh trật tự. “Việc phở Hòa bị tạt chất bẩn sẽ làm hình ảnh TP không được đẹp trong mắt người dân và khách du lịch. Không thể chấp nhận ở ngay trung tâm TP lại để xảy ra hình ảnh xấu xí như vậy được. Cho nên công an cần phải sớm tính toán, xử lý nghiêm vụ việc, răn đe đối tượng, không để diễn ra tình trạng tương tự ở TP”, bà Nhung nói.
Phở Hoà liên tục bị tấn công bằng chất bẩn Ảnh: Công Nguyên
|
Theo luật sư Nguyễn Thành Công, Đoàn luật sư TP.HCM, những trường hợp uy hiếp tinh thần người khác để trả nợ thay, thực hiện hành vi ném mắm tôm, sơn, rác vào nhà người khác… nếu hậu quả hạn chế thì bị xử phạt hành chính từ 1 – 2 triệu đồng theo Nghị định số 167/2013/NĐ-CP và sẽ bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là “buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu”.
Nếu các hành vi vi phạm gây hư hỏng tài sản của người khác từ 2 triệu đồng trở lên (hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt hành chính) thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hủy hoại tài sản. “Trường hợp đi đòi nợ mà tự tiện vào nhà khi chưa có sự đồng ý của chủ nhà thì có dấu hiệu tội xâm phạm chỗ ở của công dân”, luật sư Công nói.
Một kiểm sát viên cao cấp thuộc Viện KSND cấp cao tại TP.HCM cũng cho rằng hành vi uy hiếp tinh thần để đòi nợ thuê có thể xem xét trách nhiệm hình sự về tội cưỡng đoạt tài sản.
“Cưỡng đoạt tài sản là tội có cấu thành hình thức. Vì vậy dù hậu quả chưa xảy ra (người cưỡng đoạt chưa cầm được tiền), nhưng đã thực hiện hành vi khách quan là đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc đã dùng thủ đoạn uy hiếp tinh thần người có trách nhiệm đến tài sản nhằm chiếm đoạt tài sản thì vẫn có thể xem xét xử lý”, vị kiểm sát viên này phân tích và cho rằng các cơ quan tố tụng cần có biện pháp mạnh xử lý, tránh gây hoang mang cho người dân.
Bắt 4 nghi can ném chất bẩn vào nhà dân để đòi nợ
Chiều 1.8, Cơ quan CSĐT Công an TP.Biên Hòa (Đồng Nai) đã bắt giữ Đào Viết Thanh (26 tuổi), Đào Nhật Vũ (26 tuổi), Nguyễn Phi Hùng (41 tuổi) và Trần Minh Tùng (22 tuổi, cùng ngụ Hà Tĩnh) để điều tra hành vi hủy hoại tài sản. Theo điều tra ban đầu, khoảng 16 giờ ngày 29.7, các nghi can trên mang dầu nhớt trộn với mắm tôm và sơn đỏ ném vào nhà anh H.V.C (ấp Vườn Dừa, P.Phước Tân, TP.Biên Hòa) khiến nhiều cửa, tường và 330 chiếc áo học sinh để bên trong bị dính chất bẩn, thiệt hại gần 50 triệu đồng. Sau khi gây ra vụ việc trên, 4 nghi can này (ảnh) nhanh chóng rời khỏi hiện trường. Qua điều tra, đến ngày 1.8, Thanh, Vũ, Hùng và Tùng bị lực lượng Công an TP.Biên Hoà bắt giữ.
Tại cơ quan công an, Thanh khai trước đó được một người tên Tú (chưa rõ lai lịch) nhờ đến nhà anh C. tìm anh L.V.H (em vợ C.) để đòi nợ 750 triệu đồng. Sau 3 lần đến nhà gây sức ép nhưng vẫn không thể tìm được anh H., Thanh rủ thêm Hùng, Tùng và Vũ mua mắm tôm trộn với dầu nhớt và sơn đỏ ném vào nhà anh C. nhằm buộc gia đình gọi điện cho H. trả nợ Tú.
Gia Khánh
Kiểm điểm công an địa phương để lọt “đối tượng hình sự”
Theo đại tá Trần Mưu, Phó giám đốc Công an TP.Đà Nẵng, tội phạm tín dụng đen, cho vay nặng lãi là nguồn gốc kéo theo các loại tội phạm khác như cố ý gây thương tích, cưỡng đoạt tài sản, khủng bố uy hiếp, thậm chí giết người. Thiếu tướng Vũ Xuân Viên, Giám đốc Công an TP, cho rằng muốn đấu tranh hiệu quả với tội phạm cho vay nặng lãi, cần thực hiện tốt các mặt công tác nghiệp vụ cơ bản; khảo sát, quản lý tuyến, địa bàn; tập trung đầu tư, nâng cao chất lượng cũng như trách nhiệm cho công an địa phương như xã, phường. Khi đã khoanh vùng được các khu vực phức tạp, nếu “đối tượng hình sự” tồn tại ở xã phường, quận huyện nhiều mà công an không có hồ sơ sẽ bị kiểm điểm.
Nguyễn Tú
THANH NIÊN