Bóng bay, một hình ảnh đẹp lung linh không chỉ trong mắt trẻ con mà cả người lớn. Bóng bay có lẽ nhiều nhất, đẹp nhất, ấn tượng nhất là vào ngày tựu trường và ngày tổng kết đối với học sinh bước sang cấp học mới, chia tay mái trường. Bóng bay đã trở thành một hình ảnh đẹp của tuổi thơ, tuổi học trò. Thế nhưng, khi xã hội phát triển, bóng bay cũng phát triển về số lượng nên đã trở thành mối nguy ảnh hưởng với môi trường.
Rác thải nhựa đang là mối nguy toàn cầu
Hạn chế rác thải nhựa là một việc làm vô cùng quan trọng để bảo vệ môi trường sống. Bóng bay cũng trở thành mối nguy về rác thải nhựa khi nhiều chương trình, sự kiện, lễ hội… thường sử dụng với số lượng nhiều. Không chỉ mối nguy về rác thải nhựa, bóng bay còn gây nhiều mối nguy khác như gây ảnh hưởng đến ngành hàng không, chập điện, cháy nổ, …
Trước những tác hại ấy chúng ta đều biết, thế nhưng thay vì hạn chế sử dụng thì bóng bay ngày càng sử dụng nhiều.
Vì thế bức thư của học sinh Nguyễn Nguyệt Linh đã “đánh thức” người lớn, nhất là các thầy cô hiệu trưởng, về tác hại của rác thải nhựa từ bóng bay này.
Được biết, bức thư này được gửi tới hơn 40 trường học ở Hà Nội nhằm kêu gọi ngừng (hoặc hạn chế) thả bóng bay trong ngày khai trường. Một bức thư rất ý nghĩa về việc bảo vệ môi trường.
Học sinh Nguyễn Nguyệt Linh mong trường đừng thả hoặc cần hạn chế bóng bay trong ngày khai giảng Đào Ngọc Thạch
Trong thư em viết rằng, sau những thông tin em tìm hiểu thì bóng bay được làm từ nilon, tức là được làm từ nhựa. Khi những chú chim hoặc động vật khác như rùa biển khi nuốt vào, chúng có thể bị chặn đường ruột và dẫn đến chết đói. Một đứa trẻ học lớp 5 đã nhận thức được như vậy, thật đáng quý và đáng trân trọng. Cũng từ nhận thức được điều đó, em mong muốn rằng “trường mình có thể đừng thả bóng bay vào hôm khai giảng hoặc hạn chế số lượng bóng bay”. Đó là những trăn trở cũng là lời nhắn nhủ đầy ý nghĩa của thế hệ trẻ trong việc bảo vệ môi trường từ rác thải nhựa.
“Thả bóng bay lên trời: bay cao ước mơ của các học sinh – giết ước mơ của bao chú chim và rùa biển” là thông điệp ý nghĩa từ một đứa trẻ đã biết “quan tâm đến các vấn đề liên quan đén môi trường”.
Con trẻ đã ‘đánh thức’ người lớn
Lẽ ra thông điệp này, người lớn chúng ta nhắc nhở và gửi đến con trẻ. Thế nhưng, con trẻ đã “đánh thức” người lớn chúng ta.
Thiết nghĩ, từ bức thư của cô học trò Nguyễn Nguyệt Linh, không chỉ lãnh đạo trường THCS em theo học sẽ thực hiện nguyện vọng này của em mà điều này còn lan tỏa đến nhiều trường ở Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung. Để thực hiện được thông điệp ý nghĩa của Linh trong năm học 2019 – 2020, người đầu tiên và quan trọng nhất chính là các thầy cô hiệu trưởng.
Hãy sẵn sàng có ngày khai trường năm học 2019 – 2020 diễn ra ở nhiều trường “Nguyễn Nguyệt Linh – không bóng bay”.
Từ đó, các chương trình, sự kiện, lễ hội,… cũng hạn chế sử dụng. Nếu được, hãy cấm sử dụng bong bay ngay trong năm 2019 này.
THÁI HOÀNG