Miễn phí thuốc dự phòng trước phơi nhiễm HIV – PrEP nhưng ít người biết
Bên cạnh bao cao su, thuốc dự phòng trước phơi nhiễm HIV – PrEP là biện pháp dự phòng HIV lây truyền qua đường tình dục lên đến 99%.
Miễn phí thuốc dự phòng trước phơi nhiễm HIV – PrEP nhưng ít người biết
Bên cạnh bao cao su, thuốc dự phòng trước phơi nhiễm HIV – PrEP là biện pháp dự phòng HIV lây truyền qua đường tình dục lên đến 99%.Cấp miễn phí lọ PrEP miễn phí – Ảnh: X.MAI
PrEP là thuốc điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV ở những người có nguy cơ lây nhiễm HIV cao như: người chưa bị nhiễm HIV, nam quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển giới nữ và bạn tình âm tính của những người sống chung với HIV.
Bớt lo khi bao cao su rách
Mới đây, một phòng khám tư nhân tại TP.HCM đã cấp, phát PrEP với giá “0 đồng”. Đây là “phao cứu sinh” cho nhóm người có nguy cơ lây nhiễm HIV cao, đặc biệt người thu nhập thấp, bấp bênh.
Nhiều người, đặc biệt ở những nhóm người có nguy cơ lây nhiễm HIV cao bày tỏ vui mừng khi tiếp cận, được sử dụng miễn phí PrEP.
Sau khi được các bác sĩ tư vấn và tiến hành các xét nghiệm cần thiết tại Phòng khám đa khoa Galant (TP.HCM), chị H.L. – người chuyển giới từ nam sang nữ, 34 tuổi, TP.HCM – đã đủ điều kiện cấp lọ PrEP miễn phí (30 viên/lọ, uống 1 viên/ngày).
Với khoản thu nhập bấp bênh từ việc hát ban đêm, chị L. vui mừng khôn xiết khi được cấp PrEP miễn phí mỗi ngày. Chị L. chọn giờ uống cố định cho mình là 21h. Sau 3 tháng uống PrEP, chị L. sẽ quay lại tái khám và được cấp thêm lọ thuốc mới.
Theo chị L., trong 2-3 ngày đầu uống thuốc, chị có biểu hiện bị đau đầu, chóng mặt, tiêu chảy và triệu chứng này dần biến mất vào những ngày kế tiếp.
Anh K.D.B. (31 tuổi, TP.HCM) cho rằng trước đây PrEP không phổ biến tại Việt Nam, và anh cũng không biết nhiều thông tin về chúng. Vì thế, khi anh B. có nhu cầu sử dụng thì không biết nhờ ai tư vấn và mua ở đâu.
“Tôi thật sự lo lắng nếu không may một ngày tôi hay người thân bị người lạ đâm hoặc vô tình giẫm kim tiêm. Thế nhưng, khi uống PrEP vào một giờ cố định mỗi ngày thì khi tình huống đó có xảy ra cũng bớt rối rắm, lo sợ hơn” – anh B. nói.
Theo anh B., nhiều bạn bè anh còn nắm thông tin mơ hồ, chẳng hạn như không phân biệt được PEP và PrEP (PEP là thuốc dự phòng sau phơi nhiễm HIV). Vì vậy, theo anh B., cần có nhiều chương trình truyền thông mở rộng cho cả cộng đồng. Ngoài ra, cần tuyên truyền riêng PrEP, hạn chế lồng ghép với các chương trình liên quan vì có thể dẫn đến lầm tưởng.
Miễn phí nhưng ít người biết
Dịch vụ thuốc dự phòng trước phơi nhiễm HIV – PrEP bắt đầu được triển khai tại TP.HCM từ tháng 3-2017. Đến nay, PrEP được cung cấp tại các cơ sở điều trị PrEP của 11 tỉnh, thành phố. Trong thời gian tới, thuốc PrEP sẽ được cung cấp rộng rãi tại các tỉnh thành khác trong cả nước.
Ông Võ Hoài Sơn – trưởng phòng giám sát, Cục Phòng chống HIV/AIDS – cho biết việc triển khai chương trình PrEP miễn phí tại phòng khám do các tổ chức dựa vào cộng đồng (CBO) quản lý là hết sức có ý nghĩa trong bối cảnh 40% ca nhiễm mới mỗi năm thuộc nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM).
Ông Phạm Hồng Sơn – phó giám đốc Phòng khám đa khoa Galant – cho biết trong hơn một năm triển khai dịch vụ PrEP có trợ giá nhưng chưa miễn phí, phòng khám đã tiếp nhận hơn 1.200 người đến tư vấn, sàng lọc và tham gia uống PrEP. Riêng gần 1 tháng rưỡi bắt đầu cấp, phát PrEP miễn phí, phòng khám tiếp nhận gần 300 người.
Về thời hạn miễn phí, ông Sơn cho biết hiện tại chương trình kéo dài đến hết năm 2020. “Chương trình phụ thuộc vào sự hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ, vì thế chúng tôi không dám cam kết với khách hàng chương trình miễn phí này kéo dài đến thời điểm nào. Thật sự PrEP mới tại nước ta nhưng lại cũ với các nước quốc tế” – ông Hồng Sơn nói.
Theo ông Hồng Sơn, mặc dù chương trình miễn phí nhưng tồn tại nhiều rào cản. Theo đó, rào cản lớn nhất là chưa truyền thông rộng rãi tác dụng PrEP đến toàn dân, dẫn đến khách hàng vẫn còn nhiều hoài nghi về PrEP, hay quan niệm cứ uống PrEP là sống cẩu thả, quan hệ tình dục không an toàn…
PrEP miễn phí sẽ tăng cường hơn nữa việc tiếp cận dịch vụ dự phòng HIV hiệu quả cho nhiều người có nguy cơ lây nhiễm HIV cao nhưng không có khả năng chi trả hoàn toàn, cũng như giảm bớt gánh nặng cho những người đang phải chi trả cho điều trị PrEP, giúp họ có thêm động lực để điều trị lâu dài.
Một phần của chiến lược dự phòng HIV
Từ năm 2015, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khuyến cáo sử dụng PrEP như là một phần của chiến lược dự phòng HIV toàn diện (bao gồm cả việc sử dụng bao cao su) ở những người có nguy cơ lây nhiễm HIV cao.
Tại Việt Nam, theo thống kê từ Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), ước tính hiện có hơn 200.000 người nhiễm HIV còn sống. Trong bối cảnh chưa có loại thuốc nào có thể chữa khỏi căn bệnh này cũng như các biện pháp dự phòng hạn chế thì sự ra đời của PrEP được xem là “vị cứu tinh” cho những người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV.
Cấp thuốc miễn phí đến hết năm 2020
Từ ngày 11-6, do nhận được nguồn thuốc PrEP miễn phí từ chương trình PEPFAR (Hoa Kỳ) thông qua Bộ Y tế và Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS TP.HCM, Phòng khám đa khoa Galant (TP.HCM) đã chính thức cấp phát những lọ PrEP miễn phí đầu tiên nhằm tạo điều kiện để khách hàng tiếp cận PrEP dễ dàng và thuận tiện hơn tại phòng khám tư.
1.700 người đã sử dụng ở 11 tỉnh
Theo ông Hoàng Đình Cảnh – phó cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, đây là sản phẩm được chương trình PEPFAR (chương trình hỗ trợ phòng chống HIV của Mỹ) tài trợ, cho đến nay đã có 1.700 người ở 11 tỉnh thành sử dụng.
“Về cơ chế thì đây là thuốc dự phòng cho người có nguy cơ cao nhiễm HIV, cụ thể như người có quan hệ tình dục đồng giới, người tiêm chích ma túy… Người có hành vi nguy cơ cao và có nhu cầu dự phòng sẽ uống thuốc và thuốc có tác dụng sau khi uống 20 ngày.
Chi phí cho thuốc này (nếu không miễn phí) là 700.000 đồng/tháng, sau khi ngừng uống thì thuốc đào thải hết, người có nguy cơ có thể nhiễm bệnh nếu có hành vi quan hệ tình dục với bạn tình mà không sử dụng bao cao su, tiêm chích chung bơm kim tiêm…”- ông Cảnh cho biết.
Hiện chương trình PEPFAR đã hỗ trợ thuốc đủ sử dụng cho những tỉnh thành triển khai chương trình đến năm 2020, sau đó chương trình sẽ đóng lại và người có nhu cầu sẽ phải chi trả tiền thuốc. Ngoài loại thuốc của Mỹ (trong chương trình), thị trường còn có thuốc do Việt Nam sản xuất, chi phí khoảng trên 300.000 đồng/tháng/người.
L.ANH