Béo phì ‘so kè’ suy dinh dưỡng
Bên cạnh thực trạng trẻ suy dinh dưỡng, thấp còi, thì tình trạng trẻ em thừa cân, béo phì cũng đáng lo ngại.
Béo phì ‘so kè’ suy dinh dưỡng
Bên cạnh thực trạng trẻ suy dinh dưỡng, thấp còi, thì tình trạng trẻ em thừa cân, béo phì cũng đáng lo ngại.
Cân nặng cần tương thích với chiều cao Shutterstock
Đó là thông tin được GS-TS Nguyễn Gia Khánh – Chủ tịch Hội Nhi khoa Việt Nam nêu ra tại hội thảo về chuyên đề dinh dưỡng ở TP.HCM chiều 22.7.
Theo GS-TS Nguyễn Gia Khánh, thế giới hiện có 52 triệu trẻ em nhẹ cân, 41 triệu trẻ em thừa cân, béo phì.
GS-TS Nguyễn Gia Khánh cho biết việc cải thiện suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em trong nước tương đối chậm. Cụ thể, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi của trẻ trong nước năm 1999 là 38,7%, đến năm 2007 là 33,9%, và đến năm 2017 là 23,8% (nghĩa là bình quân khoảng 4 trẻ có 1 trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi).
Việt Nam đặt mục tiêu cải thiện chiều cao trung bình vào năm 2030 là 168,5 cm đối với nam và 157,5 cm đối với nữ (hiện chiều cao trung bình của nam giới là 163,7 cm, ở nữ là 153 cm – thấp hơn các nước Singapore, Thái Lan, Malaysia…).
Bên cạnh suy dinh dưỡng, GS-TS Nguyễn Gia Khánh cũng khuyến cáo về tình trạng trẻ em thừa cân, béo phì ngày càng gia tăng trên thế giới và trong nước.
Theo GS-TS Nguyễn Gia Khánh, các bà mẹ trong nước hay mắc sai lầm là chỉ chú trọng vào cân nặng của trẻ, suy nghĩ trẻ nặng ký là khoẻ. Các bà mẹ thích con mũm mĩm mà không chú tâm đến cân nặng cần tương thích với chiều cao.
Báo cáo của giáo sư Robert Murray (Khoa tiêu hoá và dinh dưỡng nhi khoa, Trường đại học Ohio, Mỹ) cho biết, khảo sát 768 trẻ em đến các phòng khám tiêm ngừa tại TP.HCM cho thấy tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng và trẻ dư cân ngang ngửa nhau (8,2% thấp còi, 8,0% dư cân).
THANH TÙNG