Bắt đầu thẩm định sách giáo khoa lớp 1
Để triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới ở lớp 1 vào năm học 2020-2021, hội đồng thẩm định sách giáo khoa sẽ làm việc tập trung từ giữa tháng 7 để đánh giá những bản thảo đã gửi thẩm định trong đợt đầu tiên.
Bắt đầu thẩm định sách giáo khoa lớp 1
Để triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới ở lớp 1 vào năm học 2020-2021, hội đồng thẩm định sách giáo khoa sẽ làm việc tập trung từ giữa tháng 7 để đánh giá những bản thảo đã gửi thẩm định trong đợt đầu tiên.
Phụ huynh chọn lựa mua SGK lớp 1 tại TP.HCM. Từ năm học sau, các địa phương sẽ có nhiều lựa chọn hơn cho bộ sách này – Ảnh: NHƯ HÙNG
Sẽ còn có một sự tuyển lựa có thể khắt khe hơn rất nhiều quy trình thẩm định của các hội đồng quốc gia thẩm định SGK, đó là sự tuyển lựa thông qua thực tiễn dạy học ở các cơ sở giáo dục.
TS Thái Văn Tài
Trao đổi với Tuổi Trẻ về công việc đang được xã hội quan tâm này, TS Thái Văn Tài – quyền vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT – cho biết hiện Bộ GD-ĐT đã nhận được bản thảo 5 bộ sách giáo khoa (SGK) lớp 1 biên soạn theo chương trình mới, do các nhà xuất bản (NXB) gửi về để trình các hội đồng quốc gia thẩm định SGK do bộ thành lập.
Mọi việc đang được chuẩn bị khẩn trương và cẩn trọng để công tác thẩm định được tiến hành thành công, đúng với lộ trình triển khai SGK lớp 1 từ tháng 9-2020 (năm học 2020-2021). Hiện nay đã có 9 hội đồng thẩm định SGK lớp 1 được bộ trưởng Bộ GD-ĐT ký quyết định thành lập.
Theo kế hoạch, hội đồng thẩm định SGK tiếp nhận sách gửi về thẩm định từ ngày 1-7 đến 15-7. Các thành viên hội đồng thẩm định có khoảng thời gian tiếp cận độc lập với bản thảo SGK các môn. Sau đó, hội đồng làm việc tập trung để nghe đại diện các nhóm biên soạn trình bày, đối thoại.
Các thành viên sẽ thảo luận, thống nhất việc đánh giá đối với các sách/bộ sách. Những sách/bộ sách đạt nhưng cần sửa chữa sẽ tiếp tục điều chỉnh, hoàn thiện để đăng ký thẩm định vòng tiếp theo.
Việc thẩm định sẽ được hoàn tất trong năm 2019 để các NXB và nhóm làm sách kịp triển khai thực nghiệm ở một số địa bàn trên cả nước, đảm bảo SGK lớp 1 mới phù hợp với thực tế dạy học của nhà trường ở những vùng miền khác nhau và đáp ứng yêu cầu đổi mới nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục.
* Việc thẩm định SGK trong bối cảnh có “một chương trình, nhiều SGK” có gì khác biệt so với thẩm định SGK trước đây, thưa ông?
– Theo nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội và Luật giáo dục (sửa đổi) 2019 vừa được Quốc hội thông qua, tới đây sẽ triển khai một chương trình và nhiều SGK. Điều này tạo cơ hội cho nhiều NXB, nhóm làm sách cùng tham gia việc biên soạn, xuất bản, tạo nên sự cạnh tranh, qua đó mang lại cơ hội để các địa phương được lựa chọn những SGK phù hợp nhất với nhu cầu và điều kiện dạy học tại địa phương mình. Thống nhất về chương trình và đa dạng về SGK mang lại nhiều cơ hội cho đổi mới giáo dục nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức cho việc triển khai thực hiện, trong đó có công tác thẩm định.
Tuy vậy, việc thẩm định SGK lần này không phải để chọn ra một bộ sách duy nhất mà để đánh giá những bộ sách/sách nào đạt yêu cầu, được phép sử dụng trong các nhà trường phổ thông, việc chọn SGK qua nhiều “bộ lọc” sẽ khiến các đơn vị, nhóm biên soạn SGK phải đầu tư nhiều hơn để có các SGK chất lượng.
* Để việc thẩm định đảm bảo chính xác, khách quan và bám sát định hướng của chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GD-ĐT đã có những bước chuẩn bị như thế nào?
– Trong tháng 5 và tháng 6-2019, Bộ GD-ĐT tổ chức xây dựng bộ tài liệu cho hội đồng thẩm định. Trong đó có hướng dẫn cụ thể về quyền, trách nhiệm của hội đồng thẩm định, quy trình làm việc của hội đồng thẩm định, đáp ứng các quy định tại thông tư 33 của Bộ GD-ĐT.
Căn cứ vào 5 điều, với 13 tiêu chí đã được quy định, bộ đã chỉ đạo xây dựng bộ về các “minh chứng” cần đạt cụ thể các tiêu chí thẩm định SGK trong thông tư 33 để các thành viên, hội đồng thẩm định có thêm căn cứ cụ thể để thực hiện. Bộ minh chứng cần đạt, với 40 minh chứng đã được Bộ GD-ĐT tổ chức hội thảo hai lần với sự tham gia của gần 160 chuyên gia, nhà quản lý và các giáo viên đang giảng dạy các môn học trực tiếp tại các trường học, thảo luận và đi đến thống nhất cao. Đây là khung áp dụng chung cho thẩm định các bộ sách từ lớp 1 đến lớp 12.
Tháng 6-2019, Bộ GD-ĐT đã tổ chức hội thảo – tập huấn cho các nhà khoa học, nhà quản lý và giáo viên đang giảng dạy các môn học ở lớp 1. Đây là các ứng viên dự kiến sẽ được mời tham gia vào các thành viên hội đồng thẩm định SGK lớp 1. Những nội dung liên quan đến quá trình thẩm định được thảo luận, phân tích thấu đáo và thống nhất, căn cứ vào đặc trưng của mỗi môn học.
* Hội đồng thẩm định SGK lớp 1 gồm có những thành phần nào? Lần đầu tiên việc thẩm định SGK sẽ đảm nhiệm việc đánh giá đối với SGK của nhiều đơn vị, nhóm biên soạn khác nhau, vậy hội đồng thẩm định phải có các nguyên tắc làm việc để đảm bảo khách quan?
– Với yêu cầu trên, thành viên của hội đồng vừa có những nhà chuyên môn giỏi về lý luận, kinh nghiệm biên soạn SGK, có những người am hiểu thực tiễn giáo dục, trực tiếp dạy học ở phổ thông, có quan điểm tiến bộ về giáo dục.
Nguyên tắc làm việc của các hội đồng trước tiên phải đảm bảo đúng các quy định trong thông tư 33. Hội đồng làm việc với tinh thần khoa học, công tâm, đồng thời cũng cởi mở với cái mới và sự đa dạng của các ý tưởng. Có như vậy thì các SGK được thẩm định và phê duyệt mới đáp ứng được kỳ vọng đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục phổ thông trong bối cảnh triển khai chương trình có những điểm khác biệt như đã nêu trên.
* Hội đồng thẩm định có thể bị tác động trong bối cảnh cạnh tranh giữa nhiều bộ SGK. Về việc này, Bộ GD-ĐT có các quy định nào để giảm áp lực cho hội đồng thẩm định?
– Trách nhiệm của các hội đồng quốc gia thẩm định SGK rất lớn. Tuy vậy, việc thẩm định không hẳn tạo nên áp lực nặng nề đối với các thành viên. Nhiệm vụ của các hội đồng quốc gia thẩm định SGK không phải là tuyển lựa và xếp hạng cao thấp các SGK được gửi đến thẩm định, mà đánh giá các SGK này theo những tiêu chí quy định để có kết luận cuối cùng là: đạt, đạt cần sửa chữa hay không đạt.
Như vậy, sự khác biệt giữa các SGK được thẩm định thể hiện ở chỗ có đạt được tiêu chuẩn nghiêm ngặt đối với SGK hay không. Còn việc chọn sách/bộ sách nào sử dụng trong các nhà trường là do các địa phương cân nhắc, dựa trên điều kiện thực tiễn, việc đánh giá mức độ phù hợp với đối tượng học sinh ở mỗi vùng miền nhằm đạt hiệu quả giáo dục tốt nhất.