Việt Nam sẽ làm gì với ‘tài sản’ dân số vàng 96 triệu người?
Quy mô dân số Việt Nam đạt 96,2 triệu người, với cơ cấu dân số vàng khoảng 56 triệu người đang tham gia thị trường lao động. Đây được coi là động lực cho phát triển kinh tế những năm tới.
Việt Nam sẽ làm gì với ‘tài sản’ dân số vàng 96 triệu người?
Quy mô dân số Việt Nam đạt 96,2 triệu người, với cơ cấu dân số vàng khoảng 56 triệu người đang tham gia thị trường lao động. Đây được coi là động lực cho phát triển kinh tế những năm tới.
Trung bình mỗi ngày có khoảng 150 – 200 trẻ được sinh ra ở Bệnh viện Từ Dũ (quận 1, TP.HCM) – Ảnh: DUYÊN PHAN
Chúng ta đang ở thời kỳ dân số vàng nhưng tốc độ già hóa lại nhanh. Vì vậy, phải có số liệu phân tích xu hướng dân số để có chính sách kịp thời, tránh tình trạng chưa giàu đã già.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ
Dù vậy, các chuyên gia khuyến nghị thời cơ vàng này chỉ có thể trở thành hiện thực nếu giải quyết tốt các vấn đề về chất lượng nguồn nhân lực.
Dân số vàng sẽ qua nhanh
Theo ông Nguyễn Quang Đồng – viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông, dân số Việt Nam có 2 điểm vàng: số lượng dân cư lớn, tạo quy mô thị trường lớn, mức độ mua sắm lớn trong tương quan thu nhập người dân tăng nhanh.
Hơn nữa, khi người trẻ nhiều thì tâm lý, nhu cầu mua sắm, tiêu dùng luôn lớn hơn người già, đây là một lợi thế. Thứ hai, tỉ lệ học sinh học hết bậc phổ thông cao, đặt trong tương quan so sánh với các quốc gia trong khu vực thì giáo dục Việt Nam tương đối ổn.
Dù vậy, muốn tận dụng được thời cơ dân số vàng hiện nay cần giải quyết các thách thức để biến thời cơ thành hiện thực, bởi giai đoạn dân số vàng chắc chắn sẽ qua nhanh.
Còn theo ông Nguyễn Viết Tiến – thứ trưởng Bộ Y tế, tốc độ gia tăng dân số của Việt Nam những năm qua giữ mức ổn định nên có thể kéo dài chu kỳ dân số vàng.
Vấn đề đặt ra là các vùng có mức sinh khác nhau, chẳng hạn khu vực Đông Nam Bộ trong đó có TP.HCM mức sinh dưới 2, thậm chí 1,7 hoặc 1,8, như vậy không đạt được mức sinh thay thế. Trong khi vùng này lại có chỉ số phát triển tốt hơn so với những vùng dân tộc ít người, vùng khó khăn không phát triển lại có tỉ lệ sinh cao, như vậy là bất hợp lý.
Muốn tận dụng thành công cơ hội dân số vàng thì phải hình thành các ngành nghề có giá trị gia tăng cao. Trong ảnh: các kỹ sư phần mềm của FPT làm việc tại Khu công nghệ cao TP.HCM – Ảnh: T.T.D.
Tháo gỡ điểm nghẽn chất lượng lao động
Ông Trương Anh Dũng, phó tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, cho biết thị trường lao động hiện có quy mô gần 56 triệu lao động nhưng tỉ lệ lao động đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt khoảng 23%, phần lớn lực lượng lao động hiện chưa có bằng cấp.
Để tháo gỡ điểm nghẽn chất lượng lao động, ông Trương Anh Dũng nhấn mạnh thời gian tới Bộ Lao động – thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) sẽ tập trung vào mục tiêu tăng tỉ lệ lao động qua đào tạo. Theo đề án của Chính phủ, đến năm 2022 có 30-40% học sinh trung học phổ thông ra trường sẽ tham gia học nghề (tỉ lệ này hiện nay đạt rất thấp với khoảng 10%).
Theo đó, Tổng cục Dạy nghề sẽ phối hợp với Tổng liên đoàn Lao động VN, các hiệp hội doanh nghiệp để vận động, đào tạo nghề cho lao động đang làm việc tại doanh nghiệp nhằm bổ sung tay nghề cho họ.
“Tới đây Bộ LĐ-TB&XH sẽ đề xuất sửa Bộ luật lao động theo hướng doanh nghiệp phải có trách nhiệm đào tạo nghề cho lao động và chỉ lao động có bằng cấp, chứng chỉ mới được tham gia thị trường lao động” – ông Dũng nói.
Còn theo chuyên gia kinh tế Bùi Trinh, Việt Nam đang là một cường quốc dân số và có lợi thế lớn về quy mô thị trường, nhưng các lợi thế này sẽ không mang lại lợi ích trực tiếp cho nền kinh tế nếu không có sự thay đổi trong khu vực sản xuất.
Nguồn cung lao động rất lớn nhưng chủ yếu là lao động phổ thông, làm gia công. Vì vậy, để biến cơ hội dân số vàng thành động lực tăng trưởng thì việc đầu tiên cần làm là cải thiện chất lượng lao động, góp phần cải thiện khu vực sản xuất của nền kinh tế.
TS Giang Thanh Long (viện trưởng Viện Chính sách công và quản lý – Đại học Kinh tế quốc dân):
Lao động phải có chất lượng và năng suất cao
Cơ cấu dân số vàng xuất hiện khi tỉ lệ người trong độ tuổi lao động ngày càng tăng mạnh, nhưng lực lượng lao động này chỉ tạo động lực bứt phá cho nền kinh tế khi lao động có chất lượng, năng suất lao động cao.
Hơn nữa, muốn tận dụng thành công cơ hội dân số vàng thì phải hình thành các ngành nghề có giá trị gia tăng cao, đó là kinh nghiệm tận dụng dân số vàng thành công của Nhật Bản, Hàn Quốc.
Ông Lê Văn Thành (nguyên trưởng phòng văn hóa – xã hội Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM):
Phải có cơ chế cho người lao động cao tuổi
Với một đô thị có cơ cấu dân số tương đối trẻ như TP.HCM, qua nghiên cứu năm 2018 cho thấy tỉ lệ người cao tuổi tăng khá nhanh những năm gần đây. Việc này có thể khiến nguồn lao động tham gia thị trường lao động giảm, kéo theo giá trị sản lượng giảm và số người phụ thuộc tăng lên. Điều này trực tiếp gây khó khăn cho nền kinh tế.
Ngoài ra, khi người cao tuổi tăng kéo theo các dịch vụ đi kèm như y tế, an sinh xã hội… để phục vụ phải tăng lên, buộc kinh tế từ giai đoạn phục vụ dân số vàng phải chuyển sang phục vụ người già. Như vậy, rõ ràng để giải quyết vấn đề này đòi hỏi nền kinh tế phải thích ứng dần, cơ cấu trong các ngành, lĩnh vực phải có sự thay đổi… Một số nước đưa ra giải pháp nới rộng tuổi lao động để giúp tăng số người tham gia lao động.
Vì vậy, Việt Nam phải có cơ chế và tạo môi trường để người lao động cao tuổi, có điều kiện và nguyện vọng tiếp tục tham gia thị trường lao động.
Ông Nguyễn Văn Tân (nguyên phó tổng cục trưởng Tổng cục Dân số – kế hoạch hóa gia đình):
Duy trì mức sinh thay thế
Giai đoạn 1999-2009, gia tăng dân số là 1,2%/năm, 2009-2019 dân số tăng 1,14%/năm. Như vậy, tuy tốc độ tăng có chậm hơn nhưng do quy mô dân số lớn hơn nên số dân tăng thêm mỗi năm lại tăng hơn giai đoạn trước.
Các chính sách cho đến nay vẫn là duy trì mức sinh thay thế, mỗi gia đình nên sinh đủ 2 con, chưa có chính sách nào “nới” là mỗi gia đình sinh 3-4 con như lời đồn. Nhưng chính sách dân số của chúng ta là vận động, còn sinh 1, 2, 3 con là quyền của người dân.
Ngoài ra, kết quả điều tra dân số cũng cho thấy nhiều vấn đề nảy sinh, trong đó có tình trạng chênh lệch giới tính gia tăng mạnh. Tình trạng chênh lệch giới tính xảy ra từ sau năm 2000, đặc biệt từ giai đoạn 2005-2006.
Dù vậy, những lo ngại chúng ta bị già hóa dân số dẫn đến mất lợi thế dân số vàng, thiếu lao động… như Nhật Bản hay một số quốc gia khác đang trải qua vẫn chưa xảy đến. Đúng là VN đang già hóa dân số, nhưng giai đoạn dân số vàng còn kéo dài đến giai đoạn 2037-2040. Vì vậy ở giai đoạn này, duy trì mức sinh thay thế vẫn là phù hợp nhất.
Không để ai bị bỏ lại phía sau
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết để thực hiện cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, trên 12.000 ban chỉ đạo và văn phòng ban chỉ đạo các cấp đã được thành lập với hơn 78.000 người tham gia điều tra.
Công tác thu thập thông tin đã được thực hiện đồng loạt trên cả nước trong vòng 25 ngày, bắt đầu từ 7h30 sáng 1-4-2019 đến hết ngày 25-4-2019. Có 99,9% hộ dân cư được hỏi thông tin bằng phiếu điện tử nên việc tổng hợp số liệu được thực hiện sớm. Cụ thể, chỉ sau hơn hai tháng đã kết thúc thu thập thông tin và báo cáo kết quả sơ bộ của cuộc tổng điều tra.
Theo Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 là nguồn thông tin chủ yếu, tin cậy về tình hình dân số, nhân khẩu học, tình trạng dân cư để biên soạn các chỉ tiêu trong hệ thống thống kê quốc gia, phục vụ yêu cầu phát triển.
Nó cho thấy quy mô dân số hiện nay, xu hướng thay đổi dân số trong 10 năm qua. Đây là thông tin rất quan trọng giúp Đảng, Chính phủ, Quốc hội có những thông tin xác định, có hệ thống phục vụ cho việc xây dựng các chiến lược, hoàn thiện hệ thống pháp luật đã ban hành, hoạch định chính sách pháp luật trong thời gian tới.
Thông điệp của cuộc tổng điều tra dân số năm nay là vì mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau. Tới đây, ban chỉ đạo sẽ có phân tích cụ thể các chính sách về dân số gắn với phát triển và vấn đề nhà ở cho người thu nhập thấp, khó khăn, đối tượng chính sách.
Đây cũng là nguồn thông tin dữ liệu quan trọng, cung cấp kịp thời cho các tiểu ban xây dựng văn kiện trình Đại hội Đảng XIII trong việc hoạch định chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
TP.HCM: quy mô và mật độ dân số ngày càng tăng cao
Theo Sở Y tế TP.HCM, dự kiến năm 2020 TP.HCM có khoảng 9,2 triệu người. Cơ cấu dân số có thay đổi tích cực, số lượng và tỉ trọng dân số phụ thuộc giảm, dân số trong độ tuổi lao động tăng mạnh. Cụ thể trong 10 năm qua, dân số trong độ tuổi lao động (16 – 64 tuổi) tăng từ 64,59% lên 70,87%.
Tuy vậy, TP.HCM đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức khi quy mô dân số và mật độ dân số ngày càng tăng cao; mất cân bằng giới tính khi sinh đang ở mức nghiêm trọng, ngày càng lan rộng; đối tượng và tình trạng di cư ngoài kế hoạch vẫn diễn ra với cường độ cao.
Ngoài ra, chất lượng dân số vẫn còn hạn chế; tầm vóc, thể lực người Việt chậm được cải thiện, nên tuy tuổi thọ bình quân tăng nhưng số năm sống mạnh khỏe lại thấp hơn so với nhiều nước.
Các nước đối phó với dân số già
Theo báo Japan Times, để đối phó với dân số già, Chính phủ Nhật Bản đang cân nhắc thay đổi chính sách về hưu. Cụ thể, Nhật Bản kéo dài độ tuổi về hưu từ 65 hiện tại lên 70 tuổi, qua đó giữ nhiều người cao tuổi tiếp tục ở trong lực lượng lao động.
Ngoài ra, để bù đắp sự thiếu hụt nhân công trong nước vì già hóa dân số, Chính phủ Nhật đã thông qua sửa đổi luật kiểm soát nhập cư, mở ra nhiều cơ hội cho người lao động nước ngoài.
Thụy Điển cũng là nước có dân số già với độ tuổi trung bình là 41 tuổi. Các chính sách đối phó với tác động từ dân số già gói gọn trong bốn giải pháp sau: tăng tuổi nghỉ hưu, khuyến khích phát triển ngành nghề y tế – chăm sóc sức khoẻ, khuyến khích lao động nhập cư lành nghề và hỗ trợ lao động nhập cư hòa nhập vào lực lượng lao động. Nhờ đó, dân số Thụy Điển tăng liên tục trong suốt thế kỷ qua, hiện đã đạt hơn 10 triệu người.