Thầy cô các môn đi học ‘dạy’ đạo đức
Rất nhiều giáo viên từ TP.HCM và các tỉnh lân cận đã tìm đến lớp học mang tên “Suối nguồn” để học, phổ cập thêm kiến thức.
Thầy cô các môn đi học ‘dạy’ đạo đức
Rất nhiều giáo viên từ TP.HCM và các tỉnh lân cận đã tìm đến lớp học mang tên “Suối nguồn” để học, phổ cập thêm kiến thức.
Không chỉ có giáo viên ở TP.HCM mà còn có giáo viên từ các trường tiểu học, THCS, THPT Đồng Nai, Bình Dương, An Giang… đến theo học phương pháp dạy các bài học đạo đức, giáo dục công dân (GDCD) cùng phương pháp lồng ghép các bài học này vào giảng dạy trong tất cả các môn ở trường học.
Lớp học về cách dạy đạo đức trong các môn học thu hút đông đảo thầy cô giáo tham gia – Ảnh: MINH TRÂM
Lớp học mang tên Suối Nguồn, do thầy Trần Tuấn Anh – trưởng bộ môn GDCD Trường THCS Colette (Q.3, TP.HCM) và TS Nguyễn Đông Hải – giảng viên vật lý Trường ĐH Tennessee Wesleyan (Mỹ) – giảng dạy, đến nay đã tổ chức được 3 đợt và ngày càng thu hút đông đảo thầy cô tham gia.
Thầy cô “học” đạo đức
Đến lớp học vào một sáng mùa hè, căn phòng được thầy Tuấn Anh và thầy Đông Hải mượn của Viện đào tạo Bách khoa chật kín bởi cả trăm giáo viên các trường tiểu học, THCS, THPT chăm chú lắng nghe bài giảng về đạo đức.
Tại lớp học, học viên tạm quên việc mình là thầy cô giáo để trở thành những “học sinh” trong giờ đạo đức đúng nghĩa. Thầy Tuấn Anh giảng các bài học về bạo lực học đường, bệnh vô cảm, an toàn giao thông… với giáo án là những hình ảnh, clip, câu chuyện sinh động, có sự trao đổi nhịp nhàng giữa thầy và trò.
Thầy Tuấn Anh cho biết lớp học gồm 5 buổi với hơn 20 chủ đề. Mỗi chủ đề sẽ có giáo án giảng dạy khác nhau và được phát triển, thay đổi theo dòng thời sự xã hội, cập nhật hằng ngày.
“Như vừa qua nổi lên vụ gian lận điểm thi THPT quốc gia, tôi đưa việc này vào tiết học để nói về tính công bằng, minh bạch, tránh gian lận, hối lộ và trách nhiệm của học sinh trong chuyện trao đổi với chính cha mẹ về việc làm những việc tốt” – thầy Tuấn Anh nói.
“Ngoài ra, để các bạn ghi nhớ, tôi thường đưa tình huống “nóng”, chuyện thời sự vào đề kiểm tra, thi học kỳ để các bạn đưa ra suy nghĩ, hướng giải quyết, cảm nhận của mình” – thầy Tuấn Anh cho biết thêm.
Sau mỗi buổi học, các thầy cô giáo chia sẻ cảm nhận, ý tưởng sáng tạo có thể vận dụng vào bộ môn mình phụ trách, sau đó trực tiếp thực hành bằng cách “xung phong” giảng lại hoặc giảng mới một vấn đề nào đó để cả lớp học cùng trao đổi và rút kinh nghiệm.
Dạy đạo đức trong tất cả môn học
Thầy Tuấn Anh cho rằng môn đạo đức, GDCD là những môn quan trọng trong trường học vì những môn này có vai trò giáo dục nhân cách, lối sống để học sinh trở thành người tử tế, hình thành lối sống phù hợp với văn hóa, đạo đức và pháp luật. Thế nhưng những môn này chưa thật sự được ưu tiên, chú trọng trong giảng dạy.
Đồng quan điểm, thầy Đông Hải cho rằng hiện một tuần chỉ có một tiết học GDCD thì không thể nào truyền tải hết các nội dung cho học sinh. Tâm thế của giáo viên và học sinh cho rằng đây là môn phụ, không chú tâm và thường san sẻ thời gian học môn này cho các môn khác trong khi giáo dục nhân cách, đạo đức thì không thể ngày một ngày hai. “Dù dạy vật lý nhưng tôi vẫn tìm cách lồng ghép các bài học đạo đức vào bài giảng chuyên môn của mình” – thầy Đông Hải nói.
Ví dụ với bài toán mạch điện ở lớp 11, có thể lồng ghép các bài học đạo đức trong lúc giảng cho các em như bài học về tính tập thể, nhu thuận, hiền hòa với mọi người. “Bóng đèn muốn sáng thì cần có nguồn điện, khi có nguồn điện thì tất cả các electron tự do sẽ chuyển động cùng hướng.
Nếu hình dung mỗi electron là một cá nhân trong tập thể, nếu mọi người cùng đồng lòng, làm việc vì cái chung thì mới có hiệu quả” – thầy Đông Hải nêu dẫn chứng về một cách lồng ghép.
Theo thầy Huỳnh Nhật Hân – giáo viên môn hóa Trường THPT Nguyễn Công Trứ (An Giang), việc lồng ghép các bài học đạo đức vào bài giảng vật lý cũng như các môn khoa học tự nhiên là vô cùng mới lạ mà nhiều người chưa từng nghĩ tới.
Thầy Hân nói, những môn tự nhiên thường khô khan, khó có thể nói về các vấn đề nhân sinh, đạo đức nên bước đầu sẽ đưa các bài học đạo đức vào các tiết chủ nhiệm, 15 phút đầu giờ qua các câu chuyện, tổ chức trò chơi cho các em đóng tiểu phẩm để truyền tải đến các em. Trong tiết học bộ môn sẽ cho các em bài tập về nhà vừa rèn tính tự học vừa có thể dành thời gian để nói về các bài học đạo đức.
TS Nguyễn Đông Hải (trái) và thầy Trần Tuấn Anh trao đổi cùng các thầy cô trong buổi học – Ảnh: M.TRÂM
Thầy Tuấn Anh là giáo viên bộ môn GDCD nên chuyên về các bài giảng và phương pháp giảng dạy đạo đức cho học sinh cấp I, II. Còn thầy Đông Hải tuy giảng dạy vật lý nhưng luôn khát khao truyền tải các thông điệp giáo dục đạo đức, nhân cách cho học sinh của mình.
Thầy Đông Hải kể khi còn là giảng viên vật lý Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, thầy thường tổ chức các buổi sinh hoạt, nói chuyện với sinh viên về việc dạy vật lý như thế nào mà lồng ghép được các bài học đạo đức. Hè năm 2018, thầy gặp thầy Tuấn Anh, nhận thấy cả hai có thể kết hợp, bổ khuyết cho nhau nên quyết định cùng tổ chức lớp học Suối Nguồn cho các giáo viên, truyền giá trị của môn học này đến các học viên là hiệu trưởng, giáo viên từ nhiều cấp.
Lớp học tự nguyện, không thu phí nhưng mọi người đến học sẽ cùng nhau “nuôi heo”. Số tiền này được dùng làm tranh vẽ, hình ảnh truyền tải thông điệp giáo dục đạo đức treo ở các sân trường trong TP.HCM.
Thầy Nguyễn Phước Hòa (hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Công Trứ, Long Xuyên, An Giang):
Mang ý nghĩa lớn
Tôi cùng đoàn gồm 10 thầy cô giáo từ An Giang lên TP.HCM tham gia lớp học. Sau 3 ngày học, tôi hiểu sâu hơn giá trị của môn GDCD trong trường học. Ngoài ra, việc lồng ghép các bài giảng đạo đức, GDCD vào tất cả các môn học khác cũng không quá khó khăn nhưng lại mang ý nghĩa rất lớn. Tôi sẽ dùng tài liệu thu thập được từ lớp học và những gì bản thân học hỏi, đúc kết được, về nghiên cứu và thực hiện dạy thử nhằm lan tỏa giá trị đạo đức, nhân cách đến học sinh, giáo viên trường.
Cô Nguyễn Võ Bảo Ngọc (giáo viên tiếng Anh, Trường Tuệ Đức, TP.HCM):
Người thầy phải đặt tâm mình vào từng bài giảng
Muốn dạy đạo đức cho học sinh, trước tiên giáo viên phải là người sống đạo đức và tuân thủ pháp luật. Tôi đúc kết được từ các buổi học ở Suối Nguồn là người thầy phải đặt tâm mình vào từng bài giảng, phải tự vun bồi kiến thức chuyên môn để các em tin tưởng và yêu quý mình, dạy chữ trước rồi dạy nghĩa sau.
Ngoài ra dùng các phương pháp kể chuyện minh họa, dẫn dắt bằng hình ảnh, clip nhân văn, đặt các câu hỏi cảm xúc về ý nghĩa và cảm nhận để gợi mở cho học sinh. Lặp đi lặp lại các bài học đạo đức cũng là cách khắc sâu cho các em.